Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được mô tả trong sách cổ của Việt Nam như thế nào?

06:00 | 30/10/2019

Trong “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” (quyển 1), có phần vẽ và chú giải, phản ánh việc khai thác và thực thi chủ quyền của các chúa Nguyễn đối với Bãi Cát Vàng (quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa).
Cuối thế kỷ 15, bản đồ do phương Tây xuất bản đã thể hiện Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam Tài liệu phương Tây ghi nhận chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam Thư tịch cổ Trung Hoa khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam

Cuốn“Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua tư liệu Việt Nam và nước ngoài” (NXB Thông tin và Truyền thông, 2015), do PGS.TS Trương Minh Dục tập hợp, hệ thống hóa nguồn thư tịch, tư liệu của Việt Nam và nước ngoài liên quan đến việc Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đã quản lý, bảo vệ và khai thác quần đảo Hoàng SaTrường Sa.

Trong cuốn sách này, PGS.TS Trương Minh Dục có đề cập đến tác phẩm “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư”. Đây là một trong những tác phẩm sớm nhất đề cập đến địa lý, việc khai thác và quản lý các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của chính quyền phong kiến Việt Nam. “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” do Đỗ Bá, tự Công Đạo sưu tầm, biên soạn và hoàn thành năm 1686 dưới tời Chính Hòa (1680-1705) do chỉ đạo của chúa Trịnh Căn.

“Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” là bộ sách gồm 4 quyển viết về hình thể, sông núi, đường lộ, hải đảo…của nước ta.

Khi biên soạn bộ sách “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư”, tác giả sử dụng các bản đồ toàn quốc được hoàn thành từ thế kỷ XV (1490) dưới triều Vua Lê Thánh Tông, trong đó có tấm vẽ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông dưới tên thuần túy Việt Nam bằng danh xưng Nôm là Bãi Cát Vàng, thuộc phủ Quảng Ngãi.

quan dao hoang sa va truong sa duoc mo ta trong sach co cua viet nam nhu the nao
"Thiên Nam tứ chí lộ đồ" do Đỗ Bá, tự Công Đạo vẽ, được tập hợp trong tập Hồng Đức bản đồ, có ghi chú địa danh Bãi Cát Vàng bằng chữ Nôm.

Trong “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” (quyển 1), có phần vẽ và chú giải, nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa như sau:

“Địa phận làng Kim Hộ, hai bên có hai ngọn núi, các núi này có đặt người tuần tra.

Giữa biển có một dải cát dài, tên gọi là Bãi Cát Vàng dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm đứng dựng giữa biển. Từ cửa biển Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh (tức cửa biển Sa Kỳ) tỉnh Quảng Ngãi (nay thuộc tỉnh Quảng Ngãi) mỗi khi có gió Tây Nam thì thuyền buôn các nước chạy ở phía trong trôi dạt ở đấy; gió Đông bắc thì thương thuyền chạy ở phía ngoài cùng trôi dạt luôn vào làm cho mọi người đều chết đói ở đây cả. Hàng hóa, vật liệu đều phải để lại nơi đó.

Hàng năm vào cuối mùa Đông, Chúa Nguyễn đưa 18 chiếc thuyền đến đấy để lấy hàng hóa, vật sản, được nhiều vàng bạc, tiền tệ, súng đạn và các vật liệu khác. Từ cửa Đại Chiêm vượt biển đến đấy phải mất một ngày rưỡi, từ cửa Sa Kỳ đến đấy phải mất nửa ngày. Chỗ bãi cát dài ấy còn có nhiều đồi mồi”. (Giáo sư Bửu Cầm dịch).

Đoạn chú giải trên đã miêu tả vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, khí hậu của Bãi Cát Vàng. Đặc biệt, đã phản ánh việc khai thác và thực thi chủ quyền của các chúa Nguyễn đối với Bãi Cát Vàng (quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa).

“Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” có thể coi là văn kiện của nhà nước, một tài liệu chính thức quốc gia. Những thông tin thể hiện trong “Lộ đồ” đã cho thấy rõ ràng cương giới xứ Đàng Trong do Chúa Nguyễn quản lý từ cuối thế kỷ 16, đã được mở rộng ra khu vực ở các quần đảo ở giữa Biển Đông. Bãi Cát Vàng là tên gọi mà nhân dân xứ Đàng Trong đặt cho hai quần đảo san hô, rồi chuyển sang âm Hán Việt là “Hoàng Sa”, “Hoàng Sa chử”. Tên gọi “Hoàng Sa”, “Hoàng Sa chử” được thông dụng trong các văn kiện thời Lê và thời Nguyễn, chỉ chung hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa ngày nay. Đây là một tập tài liệu quý giá chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hải Vân (tổng hợp)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/quan-dao-hoang-sa-va-truong-sa-duoc-mo-ta-trong-sach-co-cua-viet-nam-nhu-the-nao-91157.html

In bài viết