Asanzo đã có nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng như thế nào?

19:58 | 28/10/2019

Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành về kết quả kiểm tra, xác minh các nghi vấn sai phạm liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Asanzo (Asanzo). 
Tổng cục Hải quan: Sản phẩm của Asanzo không giống như quảng cáo Vì sao Cục thuế TP.HCM hủy bỏ phạt thuế Asanzo 21 tỷ đồng? Tổng cục Hải quan: Asanzo có dấu hiệu trốn thuế
asanzo da co nhieu dau hieu sai pham nghiem trong nhu the nao
Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành về kết quả kiểm tra, xác minh các nghi vấn sai phạm liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Asanzo (Asanzo). (Nguồn ảnh báo Đầu Tư).

Ngày 28/10, tại Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia (Ban 389) đã tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành về kết quả kiểm tra, xác minh các nghi vấn sai phạm liên quan đến Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo.

Về việc sử dụng cụm từ "Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" cho một số sản phẩm và trên các thông tin quảng cáo, cơ quan chức năng cũng xác định không đúng với thực tế.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo đã ký hợp đồng dịch vụ số TA-AS24/2017 ngày 24/01/2017 với Công Ty SHARP- ROXY (Hồng Kông LTD) tại Việt Nam để được cung cấp những phần mềm và chuyển giao công nghệ.

Nhưng từ khi ký kết hợp đồng đến thời điểm hiện tại, Công ty vẫn chưa được Bộ Khoa học và Công nghệ xác nhận về việc chuyển giao công nghệ. Tại cuộc họp ở Tổng cục Hải quan sáng 28/10, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), tiếp tục khẳng định, đến nay, Công ty CP tập đoàn Asanzo chưa đủ cơ sở để được cấp chứng nhận chuyển giao công nghệ (từ đối tác Sharp Nhật Bản).

Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam khẳng định, “Đối tác trên hợp đồng là SHARP-ROXY (HONG KONG) LTD không có thật và Hợp đồng trên là giả mạo”. Bởi từ ngày 25/9/2016 Tập đoàn Sharp Nhật Bản đã không còn liên doanh cùng Công ty Sharp-Roxy (Hongkong Ltd).

Về chữ ký và con dấu trên Hợp đồng, khi thay đổi tên Công ty từ Sharp-Rosy (Hongkong Ltd) thành Công ty TNHH Sharp Hong Kong (ngày 31/10/2016) thì từ thời điểm này con dấu sẽ không còn hiệu lực; về chữ ký trên Hợp đồng thì không xác định được người ký.

Đồng thời, Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam gửi đơn tới Công an TP HCM, Cơ quan An ninh (Bộ Công an) tố cáo hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” của Công ty CP tập đoàn Asanzo.

Ngoài ra, qua xác minh của Cơ quan Hải quan với đối tác nước ngoài cho thấy kết quả đúng như xác nhận của đại diện Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam.

Về danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, nội dung thể hiện trên Giấy Chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cấp cho Công ty là “ngành điện tử gia dụng” (trên thực tế “ngành điện tử gia dụng” gồm rất nhiều sản phẩm như: Ti vi, điều hòa, máy xay sinh tố, lò nướng điện, lò vi sóng, ấm đun nước siêu tốc, nồi cơm điện, quạt làm mát không khí, bếp hồng ngoại, loa di động…). Tuy nhiên, Hội cho biết ngành hàng “ngành điện tử gia dụng” chỉ có giá trị đối với 2 sản phẩm là tivi và Smart Box.

Hiện nay Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao xác nhận việc tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn năm 2019 của Công ty CP Tập đoàn Asanzo. - theo báo Đại Đoàn Kết.

Đại diện Tổng cục Thuế xác nhận, Asanzo đã có các hành vi vi phạm về thuế với tổng số thuế truy thu và phạt là hơn 47,6 tỉ đồng. Trong đó, truy thu số tiền thuế kê khai thiếu và trốn thuế số tiền hơn 40,5 tỉ đồng. Số tiền chậm nộp thuế hơn 1,6 tỉ đồng. Phạt vi phạm hành chính về thuế hơn 5,3 tỉ đồng.

Về việc khai thuế, nộp thuế đã vi phạm, cơ quan thuế xác định những vị phạm cụ thể: doanh nghiệp khai thuế GTGT đầu ra, thuế GTGT đầu vào khấu trừ không đúng quy định, vi phạm Luật Thuế giá trị gia tăng. Doanh nghiệp kê khai chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không đúng quy định, vi phạm Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp.

Về hóa đơn: Doanh nghiệp bán hàng, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn, vi phạm Điều 16 thông tư 39/2014/TT-BCT; sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, vi phạm điều 23 của thông tư này. Doanh nghiệp không nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt, vi phạm Luật Quản lý thuế.

Doanh nghiệp sử dụng hóa đơn đầu vào có nội dung ghi là mặt hàng điều hòa nhiệt độ không đúng với thực tế là linh kiện điều hòa nhiệt độ, không ghi chép trong sổ sách kế toán linh kiện và thành phẩm điều hòa nhiệt độ có dán tem Asanzo, bao bì in nhãn hiệu Asanzo và khoản thu liên quan đến doanh thu bán hàng cho Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo, không xuất hóa đơn cho Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo, không khai thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, vi phạm Luật Quản lý thuế.

Doanh nghiệp không ghi chép trong sổ sách kế toán mặt hàng linh kiện điều hòa nhiệt độ từ các công ty Trần Thoàn, Việt Tài, An Thiên về thuê bên ngoài gia công một phần và phần còn lại tự sản xuất, lắp ráp thành thành phẩm là mặt hàng điều hòa nhiệt độ, có dán tem Asanzo và bao bì nhãn hiệu Asanzo, sau đó bán cho các doanh nghiệp thuộc hệ thống Tập đoàn Asanzo.

Đồng thời, sử dụng hóa đơn đầu vào có nội dung ghi là mặt hàng điều hòa nhiệt độ không đúng với thực tế là linh kiện điều hòa nhiệt độ để hạch toán hàng hoá, đầu vào để không khai thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp. Những hành vi trên đã vi phạm Luật Quản lý thuế.

Tổng số thuế truy thu và phạt là hơn 47,6 tỉ đồng. Trong đó, truy thu số tiền thuế kê khai thiếu và trốn thuế số tiền hơn 40,5 tỉ đồng. Số tiền chậm nộp thuế hơn 1,6 tỉ đồng. Phạt vi phạm hành chính về thuế hơn 5,3 tỉ đồng.

Với hành vi không xuất hoa đơn khi bán hàng trốn thuế GTGT, cục trưởng Cục Thuế TP.HCM không xử phạt vi phạm hành chính về thuế do hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan tiến hành tố tụng hình sự theo quy định. - nguồn tin trên báo Tiền Phong.

Tổng kết lại, những dấu hiệu vi phạm gì của Asanzo bao gồm: Thứ nhất là Công ty có dấu hiệu xâm phạm sở hữu công nghiệp theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ (SHTT), Theo bản án của Toàn án nhân dân cấp cao TP. Hồ Chí Minh khẳng định nhãn hiệu Asanzo thuộc về công ty khác. Tuy nhiên, một số công ty vẫn không chấp hành phán quyết của toà, mà vẫn tiếp tục nhập khẩu và buôn bán các sản phẩm mang nhãn hiệu Asanzo đã được bảo hộ. Như vậy, là vi phạm Luật SHTT.

Thứ 2 là vấn đề sử dụng cụm từ “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” trong hoạt động quảng bá và in trên các sản phẩm, thì chúng tôi đã tiến hành xác minh với các cơ quan và các đối tác ở nước ngoài và cũng làm việc với công ty Shap tại Việt Nam thì cũng đã khẳng định hợp đồng về chuyển giao công nghệ với Shap Roxy Hồng Kông là hợp đồng giả mạo.

Vấn đề thứ 3 là công ty đã có dấu hiệu về trốn thuế giá trị gia tăng (GTGT) và trốn thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). - thông tin đăng tải trên báo CAND.

Tường Vy (Tổng hợp)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/asanzo-da-co-nhieu-dau-hieu-sai-pham-nghiem-trong-nhu-the-nao-91127.html

In bài viết