Đại biểu Quốc hội: Cách xin lỗi của nước sạch sông Đà thiếu trách nhiệm, thiếu nghiêm túc!

17:07 | 25/10/2019

Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí, lời xin lỗi của Công ty nước sạch sông Đà qua một tờ thông cáo là thiếu trách nhiệm và nghiêm túc với 250.000 hộ dân Hà Nội bị ảnh hưởng do sử dụng nước nhiễm dầu.
Nước sạch sông Đà: Xin lỗi kiểu "dấu treo", "thông cáo" Khởi tố, bắt tạm giam 3 đối tượng đổ dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà Vụ nước sạch sông Đà nhiễm dầu: Bí thư nói có thể "cắt hợp đồng", Bộ trưởng khẳng định NĐT "vô trách nhiệm"
cach xin loi cua nuoc sach song da voi 250 nghin ho dan rat thieu nghiem tuc
TGĐ và Phó TGĐ của nước sạch sông Đà từ chối xin lỗi, thay vào đó là xin lỗi qua ...thông cáo báo chí!

Sau 2 tuần xảy ra sự cố nước sạch sông Đà nhiễm dầu khiến cuộc sống sinh hoạt của hơn 250.000 người dân Thủ đô bị ảnh hưởng, sáng 25/10, Công ty CP đầu tư Nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã có thông cáo về vụ việc.

Theo nội dung thông cáo, Công ty CP đầu tư Nước sạch sông Đà cho biết đã khắc phục xong sự cố nước nhiễm dầu, đủ điều kiện đảm bảo các tiêu chí của Bộ Y tế, cung cấp nước sạch trở lại cho khách hàng sử dụng vào mục đích sinh hoạt và ăn uống.

Ngoài ra, Công ty CP đầu tư Nước sạch sông Đà cũng gửi lời xin lỗi tới những người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp, đồng thời khẳng định sẽ cung cấp nước miễn phí trong gian xảy ra sự cố, tương đương 1 tháng tiền nước cho người dân.

Đáng chú ý, xin lỗi thông qua bản thông cáo khiến nhiều người dân bức xúc. Xin lỗi qua thông cáo được đóng dấu treo và không có bất cứ cá nhân lãnh đạo hay người đại diện nào của nước sạch sông Đà đứng ra chịu trách nhiệm

Đây được cho là lần đầu tiên phía Công ty CP đầu tư Nước sạch sông Đà lên tiếng xin lỗi sau nhiều lần lẩn tránh khi được hỏi về trách nhiệm và hướng đền bù thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng.

>>> NƯỚC SẠCH SÔNG ĐÀ XIN LỖI KIỂU "ĐÃI BÔI"

cach xin loi cua nuoc sach song da voi 250 nghin ho dan rat thieu nghiem tuc
GS.TS Nguyễn Anh Trí, đoàn ĐBQH TP Hà Nội trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 25/10

Chiều 25/10, trả lời bên hành lang Quốc hội, GS.TS Nguyễn Anh Trí, đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho hay, đây là lời xin lỗi "rất thiếu nghiêm túc": "Công ty nước sông Đà đã có sai sót, nếu không muốn nói là cái tội rất nghiêm trọng với nhân dân mà xin lỗi như thế là không nghiêm túc", GS.TS Nguyễn Anh Trí khẳng định và cho rằng, người dân Hà Nội có quyền khiếu nại và khởi kiện Công ty nước sông Đà.

GS.TS Nguyễn Anh Trí cũng nhận định, vừa qua các đối tượng đổ trộm dầu thải xuống thượng nguồn sông Đà, tuy nhiên đây lại là một "cái hay", người dân có thể nhận ra được, "nếu các đối tượng đổ xác động vật thì mình làm sao mà biết được?", ĐBQH Hà Nội lo ngại.

Theo ông Trí, vấn đề quan trọng số 1 bây giờ là an ninh nguồn nước, các cơ quan có trách nhiệm phải tổng kiểm tra công tác an ninh nguồn nước của các công ty cung cấp trên toàn quốc.

Nhiều người dân không chấp nhận lời xin lỗi "đãi bôi"

Sau khi Công ty CP đầu tư Nước sạch sông Đà phát đi thông cáo kèm lời xin lỗi và "hứa hẹn" sẽ miễn phí 1 tháng tiền nước sạch sinh hoạt, nhiều người dân cho rằng mức bồi thường này không hợp lý.

Trao đổi với PV, chị Nguyễn Thanh Hương (trú tại phố Quan Nhân, Thanh Xuân, Hà Nội) bức xúc cho biết: "Cá nhân tôi và gia đình không chấp nhận lời xin lỗi này. Vì nguồn nước là thứ thiết yếu của người dân, quảng cáo nước máy sạch thì dân mới mua, chứ không thì nhà tôi tự đào nước giếng khoan lên dùng có phải kinh tế hơn không?

Tất nhiên là xã hội tiên tiến ai cũng muốn tiện lợi và niềm tin nên sử dụng nguồn nước uy tín. Trung bình tiền nước mỗi nhà chưa đến 100.000 đồng/tháng, nhưng nước sử dụng có vấn đề thì ai chịu trách nhiệm cho chúng tôi. Bệnh tật thì 100.000 đồng đó có giải quyết được không?".

Chị Hương cho biết thêm, mặc dù cơ quan chức năng khẳng định nguồn nước đã đạt chuẩn, có thể sử dụng để ăn uống, sinh hoạt... nhưng đến nay, chị Hương vẫn mua nước đóng chai để chế biến đồ ăn và nước uống cho gia đình.

"Lavie tốn kém quá nên tôi phải mua nước bình xanh 20 lít để rửa rau vo gạo. Nước máy chỉ để tắm rửa và lau dọn nhà cửa chứ tôi vẫn chưa dám dùng để ăn uống. Các anh chị thử suy nghĩ xem, nước không có mùi nhưng chắc gì đã đủ sạch để chúng tôi dùng trực tiếp?", chị Hương nghi ngại.

cach xin loi cua nuoc sach song da voi 250 nghin ho dan rat thieu nghiem tuc
Chị Phạm Thúy Linh phải mua bình nước 20 lít về để ăn uống chứ vẫn chưa dám sử dụng nước máy. Ảnh: Minh Tuệ

Cũng giống như chị Hương, chị Phạm Thúy Linh (khu đô thị Mỹ Đình - Sông Đà, Nam Từ Liêm) Hà Nội cho biết, mỗi tháng nhà chị sử dụng không quá 200.000 tiền nước sạch. Tuy nhiên, khi nhà máy nước sạch sông Đà xảy ra sự cố nước nhiễm dầu, nhà chị Linh đã phải mua nước đóng chai về sử dụng. Đến nay, chi phí mua nước đóng chai đã lên tới 2 triệu đồng.

cach xin loi cua nuoc sach song da voi 250 nghin ho dan rat thieu nghiem tuc
Chị Linh cho biết đã tốn khoảng 2 triệu đồng để mua nước đóng chai về sử dụng. Ảnh: Minh Tuệ

Theo chị Linh, việc đền bù bằng 1 tháng tiền nước là không hợp lý, công ty nước sạch sông Đà còn phải đền bù cho người dân vì trong khoảng thời gian nước nhiễm bẩn, họ phải bỏ tiền ra mua nước đóng chai để sử dụng.

Ngoài ra phải đền vì người dân phải thau rửa bể chứa nước, thay toàn bộ đường ống, thậm chí cả chi phí khám chữa bệnh và điều trị nếu bị ảnh hưởng sức khỏe do nước nhiễm dầu.

Trả lời vấn đề này với PV Báo Thời Đại, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng VP luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm: "Lẽ ra Công ty CP đầu tư Nước sạch Sông Đà phải xin lỗi khách hàng từ khi sự việc xảy ra chứ không phải mãi đến thời điểm này mới chính thức có lời xin lỗi.

Việc xin lỗi không chỉ là văn hóa mà còn là thái độ, trách nhiệm của đơn vị cung cấp nước sạch đối với sức khỏe của hàng triệu người dân Thủ đô. Bởi vậy, dù là lời xin lỗi muộn màng nhưng cũng làm việc cần thiết để nâng cao đạo đức, ý thức trong kinh doanh, trong giao tiếp xã hội".

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, rất khó để có thể yêu cầu đại diện doanh nghiệp này đến xin lỗi từng hộ dân, từng khách hàng. Bởi vậy, hình thức xin lỗi phù hợp là có thể thực hiện công khai tại trụ sở của doanh nghiệp này, công khai lên website của doanh nghiệp và thông cáo báo chí.

Tuy nhiên, ông Cường cũng cho rằng, trách nhiệm dân sự đối với những thiệt hại mà các hộ dân phải gánh chịu trong suốt thời gian qua bằng một tháng tiền nước là không thỏa đáng. Việc công ty không thu tiền một tháng tiền nước đó là ý chí đơn phương của công ty này đối với khách hàng chứ không phải là kết quả của một việc thỏa thuận. Bởi vậy, ý chí đơn phương của Công ty nước sạch Sông Đà này không làm mất quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của các hộ dân.

"Ngoài việc không nộp tiền một tháng tiền nước theo tự nguyện của công ty thì các hộ dân bị thiệt hại về vật chất, tinh thần vẫn có quyền yêu cầu công ty này bồi thường toàn bộ những thiệt hại đã gây ra đối với từng hộ gia đình.

Thiệt hại bao gồm chi phí để mua nước sinh hoạt, tiền chi phí thau rửa đường ống, thay lõi lọc, tiền chi phí thăm khám, điều trị, thu nhập bị mất bị giảm sút và tiền bồi thường tổn thất về tinh thần...

Mức thiệt hại của mỗi gia đình có thể khác nhau bởi vậy các hộ dân bị thiệt hại từ việc ô nhiễm nguồn nước có thể khác nhau, bởi vậy mỗi hộ dân sử dụng nước sông Đà bị nhiễm dầu đều có quyền yêu cầu đơn vị cung cấp nước và Công ty nước sạch sông Đà có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với các hộ dân theo mức thiệt hại thực tế đã xảy ra", luật sư Đặng Văn Cường lý giải.

Minh Tuệ

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/dai-bieu-quoc-hoi-cach-xin-loi-cua-nuoc-sach-song-da-thieu-trach-nhiem-thieu-nghiem-tuc-90903.html

In bài viết