ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Vụ bà Trần Thị Ái Sa giống "nâng đỡ không trong sáng" ở Thanh Hóa

08:17 | 08/10/2019

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, công tác cán bộ đang có vấn đề và nhiều tiêu cực, chỉ người trong cuộc mới biết được "nâng đỡ" với mục đích gì, vì tình, tiền hay bị ép buộc.
Giám đốc Sở Nội vụ Đắk Lắk Bạch Văn Mạnh nói gì về tin đồn "nâng đỡ" nữ trưởng phòng? Cô gái gội đầu thành trưởng phòng Đắk Lắk: 20 năm luôn lo sợ bị phát hiện dùng bằng giả Sẽ khai trừ Đảng, buộc thôi việc nữ trưởng phòng xinh đẹp dùng bằng giả ở Tỉnh ủy Đắk Lắk

Vụ bà Trần Thị Ái Sa giống vụ "nâng đỡ không trong sáng" hot girl Quỳnh Anh ở Thanh Hóa

Trao đổi với PV Báo Thời Đại về vụ việc nữ trưởng phòng mượn bằng cấp 3 của chị gái để thăng tiến suốt 14 năm ở Đắk Lắk, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội cho hay, vụ bà Trần Thị Ngọc Ái Sa cũng giống như vụ "nâng đỡ không trong sáng" bà Quỳnh Anh ở Thanh Hóa trước kia.

dbqh luu binh nhuong vu ba tran thi ai sa giong nang do khong trong sang o thanh hoa
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng

Trong vụ việc này, theo ông Lưu Bình Nhưỡng, cần phải xem xét trách nhiệm của người được tuyển vào lẫn những người bổ nhiệm, không thể chỉ dừng lại ở mức cho bà Thảo nghỉ việc và kỷ luật: "Từ lúc tuyển dụng vào, qua bao nhiêu lần xét mới lên được chức trưởng phòng, tại sao bằng cấp lại không phát hiện ra, để đến thời điểm này mới phát hiện ra? Trường hợp này cần phải xử lý người đứng đầu và tập thể đã đưa cô ấy lên vị trí đó theo quy định của pháp luật.

Biện pháp để bà Thảo viết đơn xin nghỉ việc là hình thức tẩu tán nhân sự, những người lãnh đạo lạm dụng quyền lực nhằm giải quyết êm thấm trong nội bộ của mình", ông Lưu Bình Nhưỡng phân tích.

Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, hiện nay công tác cán bộ đang có vấn đề và nhiều tiêu cực nên mới dẫn đến tình trạng được "nâng đỡ". Tuy nhiên, chỉ có người trong cuộc mới biết nâng đỡ với mục đích gì, là kiếm tiền, kiếm tình, trả nợ hay bị ép buộc...

Không chỉ vậy, vụ việc bà Trần Thị Ngọc Thảo mượn bằng của chị gái là Trần Thị Ái Sa để thăng tiến lên chức Trưởng Phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk còn có sự "tiếp tay" của những người thân trong gia đình: "Đối với người thân của bà Thảo (chồng, chị gái) cũng là những người trực tiếp tiếp tay cho bà Thảo, cho bà Thảo mượn bằng cấp để tiến thân thì làm sao mà nói vô can được, trừ trường hợp cô chị chứng minh được em gái ăn cắp bằng", ông Lưu Bình Nhưỡng cho hay.

Xem xét kỷ luật bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo)

dbqh luu binh nhuong vu ba tran thi ai sa giong nang do khong trong sang o thanh hoa
Ông Nguyễn Thượng Hải, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk. Báo Đắk Lắk

Chiều 7/10, xác nhận với PV Báo Thời Đại, ông Nguyễn Thượng Hải, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đã có công văn số 3106-CV/VPTU về việc phối hợp thông tin việc xử lý vi phạm đối với cán bộ, đảng viên.

Theo đó, sau khi nhận được kết quả thẩm tra của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đã phối hợp với Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai việc xem xét kỷ luật bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo) về mặt Đảng và chính quyền theo thẩm quyền.

Đối với việc kiểm tra, rà soát, xác định trách nhiệm sai phạm của các đảng viên có liên quan đến quá trình tuyển dụng, tiếp nhận, thẩm tra, xác minh lý lịch, đề bạt, bổ nhiệm bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo), để đảm bảo tính khách quan, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo Văn phòng Tỉnh ủy sớm tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Tổ kiểm tra, rà soát gồm các cơ quan, đơn vị như: Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy để xem xét, kết luận.

Quan điểm của Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy là sẽ xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định.

Trước đó, ngày 22/8/2019, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Đắk Lắk nhận được đơn tố cáo (nặc danh) tố bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, sinh ngày 25/5/1973, hiện giữ chức Trưởng Phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk với nội dung bà này tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo (sinh năm 1975); chưa học hết cấp 3 nhưng đã lấy bằng cấp 3 của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (là chị ruột) để đi học Trung cấp, học liên thông lên Đại học và hiện nay đã học đến Thạc sỹ; đồng thời, kê khai lý lịch cán bộ công chức không trung thực...

Ngay khi nhận được đơn thư tố cáo, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy đã kịp thời chỉ đạo, giải quyết. Qua xem xét nội dung đơn tố cáo và thẩm tra, xác minh, đối chiếu với các hồ sơ, tài liệu có liên quan, ngày 17/9/2019, Ban Tổ chức Tỉnh ủy kết luận nội dung đơn tố cáo bà Trần Thị Ngọc Ái Sa là đúng.

Bản thân bà Thảo cũng đã thừa nhận các nội dung nêu trên đơn tố cáo là đúng sự thật và thành khẩn nhận khuyết điểm, đề nghị được giải quyết cho thôi việc.

Tuy nhiên, lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy đã không đồng ý và thống nhất triển khai quy trình xem xét, xử lý kỷ luật đối với bà Trần Thị Ái Sa (tên thật Trần Thị Ngọc Thảo) theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước.

Minh Tuệ

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/dbqh-luu-binh-nhuong-vu-ba-tran-thi-ai-sa-giong-nang-do-khong-trong-sang-o-thanh-hoa-89517.html

In bài viết