Ly kỳ kể chuyện người chuyên chữa bệnh“bán mặt cho đất”

21:01 | 01/08/2019

Những người bị gù thường giảm sút về sức khỏe, đồng thời gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, hiện nay, phẫu thuật nắn chỉnh gù, vẹo cột sống đã được thực hiện tại nhiều bệnh viện giúp họ hòa nhập với cuộc sống.
100 y bác sĩ, tình nguyện viên nước ngoài đến Quảng Trị khám chữa bệnh miễn phí Phẫu thuật thay khớp háng cho bệnh nhân gần 100 tuổi Bệnh viện TƯQĐ 108 khánh thành Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình

Nỗi khổ của những người “bán mặt cho đất”

Anh Đ.V.B (ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) mới 40 tuổi nhưng nom già hơn đến cả chục tuổi bởi mái tóc đã hoa râm và dáng người gầy yếu do bệnh tật hành hạ. Làm nghề nông và công việc tự do, phải vác nặng nhiều, có lẽ vì thế mà đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sống lưng của anh.

Khoảng 7 năm trước, lưng anh B có dấu hiệu đau, mỏi. Anh đi khám và uống thuốc nhưng không đỡ. Sau đó, lưng xuất hiện tình trạng gù và ngày càng gù nhiều hơn. Trong sinh hoạt hằng ngày, anh B gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn, do bị mất tầm nhìn nên mỗi khi anh nói chuyện, bà xã phải ngồi xuống. Anh không thể nằm ngửa mà chỉ nằm sấp và phải kê thêm gối trước ngực. Để nhìn đường khi đi, người đàn ông trung niên này phải ngửa cổ, gấp khớp háng và khớp gối.

noi kho benh gu va cach chua tri bang phau thuat
Bệnh nhân D.V.B (40 tuổi, ở Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội) sau phẫu thuật đã có thể nhìn ngang, nhìn lên cao dễ dàng.

Một bệnh nhân khác là Ông T.C.B (ở xã Khánh Hà, huyện Thường tín, Hà Nội) đã phải chung sống với căn bệnh gù lưng trong suốt gần 20 năm. Do bị biến dạng cột sống gập ở thể nặng nên ông hầu như chỉ nhìn vào đầu gối, mỗi lần đi phải ngửa cổ nên cơ thể nhanh mỏi. Hơn nữa, do biến dạng lồng ngực, không hít đủ oxy nên người đàn ông 52 tuổi này thường xuyên bị khó thở. Chưa kể, những cơn đau nhức lưng cũng hành hạ ông ngày đêm.

Trong khi đó, tại trường hợp bệnh nhân Ngô V.Đ, 43 tuổi (ở quận Long Biên, Hà Nội) bị lao cột sống 2 năm nay. Kết quả chụp CT scanner cho thấy hình ảnh tổn thương đặc hiệu của lao cột sống, gây biến dạng gù nặng kèm dính liền 2 thân đốt sống. Bệnh khiến anh Đ không thể đứng thẳng được, đi lại khó khăn, đau đớn.

Cả 3 bệnh nhân này đều bị bệnh gù, hay còn gọi là Bệnh Viêm cột sống dính khớp. Đây vốn là bệnh lý viêm và cốt hóa các khớp, các dây chằng của cột sống. Gù cột sống là một trong những biến chứng nặng nề của bệnh. Điều trị nội khoa trong thể bệnh biến dạng gù cột sống tiến triển nhanh thường không có hiệu quả. Bệnh nhân có mức độ gù lớn không thể nhìn thẳng được. Để nhìn đường khi đi bộ, người bệnh phải ngửa cổ, gấp khớp háng và khớp gối. Đi bộ trong tình trạng bù trừ của các khớp nên chóng mệt mỏi, thể lực chung thường yếu. Người bệnh tự ti về dáng vẻ bề ngoài của mình.

Mang lại cuộc sống mới

Sau nhiều năm chung sống với bệnh tật, được người thân giới thiệu, anh Đ.V.B đã tìm đến Bệnh viện trung ương Quân đội 108. Tại đây, các bác sỹ Khoa Phẫu thuật Cột sống, Viện Chấn thương Chỉnh hình chẩn đoán anh bị gù do viêm cột sống dính khớp và đã phẫu thuật nắn chỉnh biến dạng gù cho anh. Nửa tháng sau phẫu thuật, hiện mức độ gù của anh B đã giảm khoảng 70%. Anh có thể nhìn ngang hoặc nhìn lên cao một cách dễ dàng.

Còn với ông B, nhờ được phẫu thuật nắn chỉnh biến dạng gù cách đây 2 năm, ông không còn gặp khó khăn trong sinh hoạt, dáng đi khá nhanh nhẹn, khuôn mặt vui tươi và luôn yêu đời.

Anh Ngô Văn Đ vừa được phẫu thuật nắn chỉnh gù cột sống bằng robot tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang. Sau phẫu thuật, dù vẫn đang nằm điều trị tại phòng bệnh nhưng khuôn mặt anh toát lên sự vui vẻ mà lâu lắm rồi anh không có được. Hai chân của anh đã có thể duỗi thẳng. Anh không còn phải nằm co quắp, cong người như trước nữa.

Theo TS.BS Phan Trọng Hậu, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Cột sống, Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện trung ương Quân Đội 108, gù lưng thường được thấy ở cột sống đoạn ngực và ngực - lưng, và cũng có thể gặp ở cột sống cổ nhưng hiếm. Bệnh có thể có nhiều nguyên nhân như bẩm sinh, viêm cột sống dính khớp loãng xương, mang vác nặng, cúi khom lâu ngày...

noi kho benh gu va cach chua tri bang phau thuat
TS.BS Phan Trọng Hậu - Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Cột sống, Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện trung ương Quân Đội 108 lý giải về căn bệnh gù.

Bệnh có triệu chứng chủ yếu là cột sống bị gập hoặc cong lại, kèm theo đau, cứng lưng. Bệnh nếu nhẹ thì ảnh hưởng đến thẩm mỹ bởi ngoại hình mất cân đối. Trường hợp nặng hơn, người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt và sức khỏe giảm sút. Người bệnh tự ti về dáng vẻ bề ngoài của mình. Hiện chưa có số liệu về tỷ lệ người bị gù ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ người bị dính khớp cột sống, nguyên nhân chính khiến lưng bị gù, trên thế giới là khoảng 0,1-1,4%, số trường hợp mắc chủ yếu là nam giới.

“Phẫu thuật nắn chỉnh là một thách thức lớn do tình trạng cứng, chắc của cột sống, khó tính toán mức độ biến dạng cần nắn chỉnh và vị trí can thiệp vào cột sống để đạt được kết quả tốt”, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Cột sống, Viện Chấn thương Chỉnh hình chia sẻ.

Trước đây, nhiều người bị gù phải sống chung với bệnh suốt đời nhưng những năm gần đây, khá nhiều bệnh viện đã triển khai kỹ thuật nắn chỉnh gù, vẹo cột sống, giúp họ hòa nhập với cuộc sống. Phẫu thuật nhằm mục đích cải thiện tầm nhìn thẳng, giúp người bệnh dễ dàng khi đi lại và tự tin hơn.

“Mặc dù chi phí cho một ca phẫu thuật nắn chỉnh gù khá tốn kém (khoảng 100 triệu đồng), nhưng rất may là danh mục khám chữa bệnh này nằm trong bảo hiểm y tế nên người bệnh sẽ được hỗ trợ chi phí một phần” – TS.BS Phan Trọng Hậu thông tin thêm.

Bệnh viện trung ương Quân đội 108 triển khai kỹ thuật này từ năm 2012. Kết quả bước đầu cho thấy, biến dạng cột sống được nắn chỉnh khá tốt. Phẫu thuật không có tai biến, biến chứng. Đến nay khoảng 20 bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật này tại đây đã thoát được cảnh khổ sở vì gù.

Đăng Khoa

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/ly-ky-ke-chuyen-nguoi-chuyen-chua-benhban-mat-cho-dat-83939.html

In bài viết