17:58 | 03/07/2025
Hai tháng sau cơn bão số 3, cuộc sống của người dân huyện Trấn Yên, trong đó có gia đình bà Nguyễn Thị Nga (63 tuổi, xã Quy Mông), vẫn còn ngổn ngang khó khăn.
“Chúng tôi đã cố gắng kê cao đồ đạc nhưng nước lũ vẫn cuốn đi gần như tất cả. Tủ lạnh, tivi hỏng hoàn toàn, chăn màn, quần áo thì không còn gì. Nền nhà xi măng ngấm nước lâu ngày giờ bong tróc hết cả rồi”, bà Nga kể lại.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Nga ở xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Sau trận lũ, gia đình bà Nga vẫn chưa thể thu xếp cuộc sống trở lại bình thường. Mảnh vườn trồng rau - nguồn thu nhập chính của gia đình - giờ đây phủ đầy bùn đất cứng, không thể canh tác, trồng trọt. Sức khỏe suy giảm khiến bà mỗi ngày chỉ cuốc được một góc vườn nhỏ, thu nhập của gia đình giờ phụ thuộc vào người con trai làm thuê xa nhà, mỗi tháng gửi về 2-3 triệu đồng. Hiện tại, bà sống cùng con dâu và đứa cháu nội mới một tuổi - nhiều lo lắng nhưng cũng là động lực để bà gắng gượng từng ngày.
Nhận được khoản hỗ trợ 5 triệu đồng từ Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, bà Nga dự định chi tiêu cho các nhu yếu phẩm cần thiết, từng bước ổn định lại cuộc sống. Tuy nhiên, với những thiệt hại lớn sau lũ, gia đình bà vẫn rất cần thêm sự hỗ trợ về sinh kế lâu dài.
Gia đình bà Nga là một trong gần 2.500 hộ tại Yên Bái được Tổ chức Cứu trợ Trẻ em hỗ trợ khẩn cấp, với tổng kinh phí lên tới gần 26,4 tỷ đồng. Không chỉ dừng lại ở hỗ trợ hộ gia đình, Tổ chức còn khảo sát và hỗ trợ 22 trường học trên địa bàn thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên và Văn Yên, giúp các em học sinh sớm trở lại lớp học an toàn.
![]() |
Trường Tiểu học & Trung học Cơ sở Tân Đồng (huyện Trấn Yên) bị thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 3. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Trường Tiểu học & Trung học Cơ sở Tân Đồng (huyện Trấn Yên) là một trong những điểm trường bị thiệt hại nặng. “Hàng trăm mét khối đất đá từ quả đồi phía sau đã sạt xuống, phá hủy nhà vệ sinh và làm hỏng nặng hai tầng phòng học. Hiện tại, 8 lớp phải di dời khẩn cấp, việc học tập của các em bị đảo lộn”, bà Nguyễn Thị Thu, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ. “Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ để khôi phục các hạng mục bị hư hại, bổ sung cơ sở vật chất để học sinh sớm ổn định việc học”.
Trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Thùy Dương, Giám đốc Chương trình của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, khẳng định: “Tổ chức Cứu trợ Trẻ em luôn chú trọng vào hai mục tiêu song hành: phát triển cộng đồng bền vững và cứu trợ khẩn cấp khi cần thiết, trong đó trẻ em - nhóm dễ bị tổn thương nhất - luôn là trung tâm của mọi hoạt động. Trong năm 2024, từ hạn hán ở Cà Mau, bão số 2 tại Sơn La đến bão số 3 và lũ lụt tại Yên Bái, Lào Cai, chúng tôi luôn có mặt kịp thời để hỗ trợ trẻ em và gia đình vượt qua khó khăn”.
Trong giai đoạn 2014-2024, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã triển khai 13 dự án ứng phó khẩn cấp tại Việt Nam. Riêng năm 2020, tổ chức đã huy động tổng số tiền lên tới 1,14 triệu USD để hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Năm 2024, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cũng huy động được 1,7 triệu USD để hỗ trợ trẻ em và các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi các loại hình thiên tai khác nhau, như hạn hán tại Cà Mau, bão lũ ở Sơn La, Lào Cai và Yên Bái. |
Ngoài việc cấp phát tiền mặt để người dân chủ động trang trải theo nhu cầu thực tế, Tổ chức còn hợp tác chặt chẽ với chính quyền và các đối tác để đánh giá thực trạng, cung cấp các gói hỗ trợ khẩn cấp và lên kế hoạch phục hồi lâu dài.
Chia sẻ về sự tham gia của các đối tác địa phương trong các chương trình cứu trợ, ông Trần Đức Mạnh, Quản lý dự án Tổ chức Cứu trợ Trẻ em nói: "Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các đối tác địa phương để họ đảm nhận vai trò chủ đạo trong triển khai hoạt động cứu trợ. Cách tiếp cận này giúp cộng đồng địa phương chủ động quản lý các hoạt động cứu trợ bảo đảm chương trình đáp ứng đúng nhu cầu thực tế, qua đó, góp phần nâng cao kỹ năng thực hiện hoạt động cứu trợ khẩn cấp của cơ quan đối tác. Đồng thời, cộng đồng có thể đóng góp ý kiến về mức hỗ trợ tiền mặt và tiến trình thực hiện, giúp chúng tôi cải thiện sự hiệu quả và tính minh bạch của các chương trình cứu trợ khẩn cấp".
![]() |
Bà con xã Nga Quán, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái nhân hỗ trợ từ Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, tháng 11/2024. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Để các hoạt động cứu trợ và phòng chống thiên tai mang lại hiệu quả lâu dài, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã và đang triển khai bao gồm: giáo dục cộng đồng về biến đổi khí hậu, xây dựng cộng đồng an toàn và trường học an toàn. Tổ chức cũng tăng cường kiến thức và kỹ năng cho các đội cứu hộ địa phương và trang bị kỹ năng ứng phó khẩn cấp cho người dân, đặc biệt là học sinh. Những kiến thức và kỹ năng này giúp các em học sinh và người dân trong cộng đồng chủ động và sẵn sàng ứng phó khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
![]() |
Phan Anh