Kiều bào ủng hộ mô hình chính quyền hai cấp, tin tưởng vào bước chuyển lớn của quê hương

15:52 | 02/07/2025

Từ ngày 01/7/2025, Việt Nam chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp trên toàn quốc. Nhiều kiều bào tại Lào, Israel, Indonesia bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chủ trương này, đồng thời kỳ vọng vào một bước chuyển lớn trong bộ máy hành chính - hướng tới hiệu lực, hiệu quả, minh bạch và gần dân hơn.
Bộ máy mới, tư duy mới và khát vọng mới
Nghệ An: Đảm bảo vận hành thông suốt mô hình chính quyền 2 cấp

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Lào, chị Nguyễn Thị Thu Huyền, đang sinh sống và làm việc tại thủ đô Viêng Chăn, cho biết luôn theo dõi sát sao các chính sách đổi mới của quê hương. Theo chị, Việt Nam không ngừng đổi mới toàn diện, từ kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng đến đời sống văn hóa tinh thần.

  Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, kiều bào tại Lào tin tưởng vào quyết tâm đổi mới của Việt Nam. Ảnh: Bá Thành - PV TTXVN tại Lào
Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, kiều bào tại Lào tin tưởng vào quyết tâm đổi mới của Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Việc sáp nhập địa giới hành chính, tinh gọn bộ máy từ ba cấp xuống còn hai cấp được chị đánh giá là một bước đi phù hợp và cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Chủ trương này không chỉ góp phần giảm tầng nấc trung gian, tiết kiệm ngân sách mà còn tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Chị bày tỏ niềm tin tưởng mạnh mẽ vào con đường phát triển đi lên của đất nước.

Cũng tại Viêng Chăn, anh Nguyễn Xuân Hà, kiều bào đã sinh sống và làm việc tại Lào suốt 33 năm, bày tỏ sự đồng tình với việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính. Anh cho rằng đây là chủ trương thể hiện tầm nhìn dài hạn của Đảng và Nhà nước, vừa giảm được cấp trung gian, tiết kiệm nguồn lực, vừa nâng cao hiệu quả điều hành bộ máy.

Anh Hà đồng thời chia sẻ niềm tự hào khi đất nước ngày càng vững mạnh, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Anh tin tưởng rằng với tinh thần đoàn kết, ý chí tự cường và quyết tâm đổi mới, dân tộc Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới đầy triển vọng.

Bà Trương Thị Hồng - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Israel. (Ảnh: TTXVN)
Bà Trương Thị Hồng - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Israel. (Ảnh: TTXVN)

Từ Israel, bà Trương Thị Hồng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Israel, đánh giá việc triển khai mô hình chính quyền hai cấp là một cải cách hành chính lớn, thể hiện quyết tâm đổi mới của Đảng và Nhà nước trong xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả.

Theo bà Hồng, việc tinh giản bộ máy hành chính sẽ mang lại thay đổi rõ rệt đối với người dân, trong đó có cả kiều bào, thông qua các dịch vụ công nhanh gọn, dễ tiếp cận và minh bạch hơn. Điều này không chỉ củng cố niềm tin của kiều bào vào quê hương mà còn thúc đẩy sự kết nối, gắn bó mạnh mẽ hơn với đất nước.

Bà cũng cho rằng, nếu được vận hành hiệu quả, mô hình mới sẽ giúp chính quyền địa phương lắng nghe và phản hồi tốt hơn những nguyện vọng từ cộng đồng kiều bào - những người luôn mong muốn được đóng góp cho sự phát triển của quê hương.

“Sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước trong kỷ nguyên mới chính là khát vọng chung của mọi người con mang dòng máu Lạc Hồng. Tình yêu quê hương không chỉ là nỗi nhớ nơi chôn nhau cắt rốn, mà còn là sự trân trọng và đồng hành với từng bước tiến vững chắc của Tổ quốc trên con đường phát triển”, bà Trương Thị Hồng chia sẻ.

Từ Jakarta (Indonesia), chị Trần Liễu bày tỏ sự ủng hộ đối với việc thực hiện mô hình chính quyền hai cấp và sáp nhập địa phương. Chị cho biết, quê chị ở Hải Dương - nay được sáp nhập với Hải Phòng - nên ban đầu cũng có chút băn khoăn. Tuy nhiên, với những hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng, chị hoàn toàn tin tưởng vào chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân cũng như sự phát triển của đất nước.

“Tôi cho rằng việc sáp nhập tỉnh, thành và thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong thời điểm hiện tại, khi khoa học công nghệ số đã rất phát triển, hỗ trợ rất nhiều cho các công việc liên quan tới quản lý, điều hành của chính quyền. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn bộ hệ thống, áp dụng chuyển đổi số quyết liệt, ứng dụng khoa học công nghệ vào quản trị, tôi tin tưởng rằng sẽ giúp Việt Nam ngày càng phát triển hơn nữa”, chị Trần Liễu nói với phóng viên VOV.

Ông Thái Thanh Long- Trưởng ban liên lạc Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Indonesia
Ông Thái Thanh Long- Trưởng ban liên lạc Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Indonesia. (Ảnh: VOV)

Ông Thái Thanh Long, Trưởng ban liên lạc Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Indonesia, nhận định rằng cải cách bộ máy và thủ tục hành chính là một trong những yếu tố cốt lõi để tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi hơn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nước ngoài.

“Rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam chính là thủ tục hành chính, pháp lý. Nếu vấn đề này được cải thiện nhờ việc giảm cấp trung gian, các doanh nghiệp sẽ nhìn Việt Nam với con mắt khác và sẵn sàng đầu tư mạnh mẽ hơn”, ông Long nhận định.

Ông cũng cho biết, Hiệp hội sẽ cập nhật tình hình và các thay đổi mới tại Việt Nam tới cộng đồng doanh nghiệp Indonesia có nhu cầu đầu tư, đồng thời bày tỏ kỳ vọng Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp Việt kiều khi về nước làm các thủ tục thay đổi liên quan đến pháp lý đầu tư, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp Indonesia đầu tư vào Việt Nam.

Kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1/7/2025 Kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1/7/2025
Hợp nhất Cà Mau - Bạc Liêu tạo bước ngoặt lịch sử để mở rộng không gian phát triển Hợp nhất Cà Mau - Bạc Liêu tạo bước ngoặt lịch sử để mở rộng không gian phát triển

Minh Thái (tổng hợp)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/kieu-bao-ung-ho-mo-hinh-chinh-quyen-hai-cap-tin-tuong-vao-buoc-chuyen-lon-cua-que-huong-214582.html

In bài viết