12:17 | 16/05/2025
Hai tuyến vận tải chính được khai thác gồm: Côn Minh - Cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc) - Cửa khẩu Lào Cai (Việt Nam) - Hà Nội - Hải Phòng và Nam Ninh - Cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) - Cửa khẩu Hữu Nghị (Việt Nam) - Hà Nội.
Đây là các tuyến huyết mạch có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn, giữ vai trò trọng yếu trong thương mại song phương Việt - Trung.
![]() |
Đại biểu của hai nước Việt Nam và Trung Quốc đón phương tiện vận tải Trung Quốc tại Long Biên, Hà Nội. (Ảnh: Báo Nhân dân) |
Tại buổi lễ, đại diện hai nước cam kết phối hợp giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp vận tải nhằm vận hành hiệu quả, bền vững các tuyến vận tải mới. Đồng thời, Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật và chính sách từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải trong khuôn khổ Hiệp định tạo thuận lợi vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng.
Trước đó, sáng 14/5, những đoàn xe đầu tiên chở linh kiện điện tử, rau quả tươi và hàng bách hóa từ Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) và Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc) đã đồng loạt khởi hành, vượt qua các cửa khẩu Hà Khẩu, Hữu Nghị Quan, tiến thẳng vào nội địa Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên xe chở hàng Trung Quốc đi thẳng vào Hà Nội theo các hiệp định vận tải trong khuôn khổ Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS), đánh dấu cột mốc quan trọng trong hợp tác thương mại và logistics khu vực.
Việc khai trương tuyến vận tải đường bộ quốc tế từ Trung Quốc tới Hà Nội giúp loại bỏ nhu cầu trung chuyển nhiều lần hoặc đổi phương tiện tại cửa khẩu - những khâu vốn làm tăng chi phí, kéo dài thời gian và ảnh hưởng đến độ ổn định của chuỗi cung ứng.
Với phương thức vận tải "một thùng hàng đến đích" và "một xe tải đến đích", mỗi chuyến xe có thể rút ngắn khoảng một ngày vận chuyển và tiết kiệm chi phí 800-1.000 nhân dân tệ (tương đương 2,8-3,6 triệu đồng).
Hiệp định tạo thuận lợi vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng được gọi tắt là Hiệp định GMS - CBTA có sự tham gia của 6 nước: Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar. |
Kim Hảo (t/h)