16:00 | 12/05/2025
Theo tuyên bố, phía Mỹ sẽ thực hiện hai biện pháp quan trọng. Thứ nhất, Mỹ sẽ điều chỉnh việc áp dụng mức thuế suất bổ sung đối với hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc, bao gồm cả hàng hóa từ Đặc khu Hành chính Hong Kong và Đặc khu Hành chính Ma Cau.
Cụ thể, Mỹ sẽ tạm đình chỉ 24 điểm phần trăm trong mức thuế suất bổ sung theo tỷ lệ giá trị gia tăng (ad valorem) trong thời gian 90 ngày. Mặc dù vậy, mức thuế còn lại 10% đối với các mặt hàng này sẽ vẫn được giữ nguyên theo các điều khoản trong Sắc lệnh Hành pháp số 14257 ban hành ngày 2/4/2025.
![]() |
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent (trái) và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer phát biểu với báo giới sau cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 11/5. (Ảnh: Reuters) |
Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ xóa bỏ các mức thuế bổ sung đã điều chỉnh, áp dụng đối với các mặt hàng này, theo Sắc lệnh Hành pháp số 14259 ban hành ngày 8/4/2025 và Sắc lệnh Hành pháp số 14266 ban hành ngày 9/4/2025.
Như vậy, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã bãi bỏ toàn bộ các mức thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc được áp đặt sau ngày 2/4.
Đối với mức thuế đối ứng 34% được công bố hôm 2/4, trong vòng 90 ngày tới, Mỹ sẽ chỉ áp 10% và tạm đình chỉ 24%. Sau thời hạn này, nếu không đạt được thỏa thuận mới, mức thuế 34% sẽ được khôi phục.
Cần lưu ý rằng, hiện vẫn chưa rõ hai bên có đạt được thỏa thuận nào liên quân đến mức thuế 20% mà Mỹ đã áp lên hàng hóa Trung Quốc trước ngày 2/4 hay không. Nếu không có sự điều chỉnh, tổng mức thuế thực tế mà Mỹ tạm thời áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc trong vòng 90 ngày tới sẽ là 30%.
![]() |
Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong. (Ảnh: AP) |
Trong khi đó, phía Trung Quốc cũng có những cam kết đáng chú ý. Theo tuyên bố chung, Trung Quốc sẽ điều chỉnh tương ứng việc áp dụng mức thuế ad valorem bổ sung đối với hàng hóa có xuất xứ từ Mỹ, như quy định trong Thông báo số 4 năm 2025 của Ủy ban Thuế quan thuộc Quốc vụ viện (Chính phủ Trung Quốc), bằng cách tạm đình chỉ 24 điểm phần trăm trong mức thuế đó trong thời hạn ban đầu là 90 ngày.
Trung Quốc cũng sẽ giữ lại mức thuế bổ sung 10% đối với các mặt hàng Mỹ. Đồng thời, các mức thuế bổ sung đã điều chỉnh theo các thông báo số 5 và số 6 của Ủy ban Thuế quan thuộc Quốc vụ viện sẽ được xóa bỏ.
Thêm vào đó, Trung Quốc cam kết sẽ thực hiện các biện pháp hành chính cần thiết để đình chỉ hoặc bãi bỏ các biện pháp trả đũa phi thuế quan mà nước này đã áp dụng đối với Mỹ kể từ ngày 2/4/2025.
Như vậy, kết quả lớn nhất của đàm phán là việc Mỹ và Trung Quốc cùng giảm mức thuế đối ứng áp vào nhau xuống còn 10% trong vòng 90 ngày tới.
Tuyên bố chung cũng cho biết sau khi thực hiện các biện pháp trên, hai bên sẽ thiết lập một cơ chế để tiếp tục thảo luận về qua hệ kinh tế và thương mại.
Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer sẽ là đại diện của hai nước trong cơ chế trên.
![]() Chính sách thuế quan "có đi có lại" được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra nhằm kiềm chế toàn cầu hóa, tuy nhiên các vấn đề cấu trúc cố hữu của nó có thể đẩy nhanh xu hướng “phi Mỹ hóa” trong thương mại toàn cầu. Đó là nhận định được bà Zhang Monan, Phó Giám đốc Bộ phận nghiên cứu Mỹ và châu Âu tại Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc (CCIEE) nêu trong một bài viết đăng trên trang China-US Focus ngày 2/5. |
![]() Trước những thách thức ngày càng gia tăng từ bối cảnh kinh tế thế giới bất định và căng thẳng thương mại kéo dài, Trung Quốc đã công bố một gói chính sách tài chính quy mô lớn nhằm ổn định thị trường nội địa và bảo vệ tăng trưởng kinh tế. |
Quảng An (Theo Nhân dân Nhật báo)