Trung Quốc ban hành gói chính sách tài chính toàn diện củng cố nội lực

09:01 | 08/05/2025

Trước những thách thức ngày càng gia tăng từ bối cảnh kinh tế thế giới bất định và căng thẳng thương mại kéo dài, Trung Quốc đã công bố một gói chính sách tài chính quy mô lớn nhằm ổn định thị trường nội địa và bảo vệ tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chủ động làm việc với phía Hoa Kỳ về các vấn đề đàm phán
Thuế quan thời Trump: Châm ngòi xu hướng “phi Mỹ hóa”?

Tại buổi họp báo sáng 7/5 do Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc tổ chức, ba cơ quan gồm Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), Tổng cục Quản lý Tài chính Quốc gia (NAFR) và Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã công bố hàng loạt biện pháp tài chính được thiết kế để đối phó với “các cú sốc bên ngoài”.

Trung Quốc ban hành gói chính sách tài chính toàn diện củng cố nội lực
Chính phủ Trung Quốc họp báo công công bố gói chính sách tài chính toàn diện nhằm củng cố nội lực. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Ba trụ cột của chính sách tiền tệ: Định lượng, giá và cơ cấu

Theo Thống đốc PBOC Phan Công Thắng, gói chính sách mới bao gồm 10 biện pháp cụ thể, chia thành ba nhóm: chính sách định lượng, chính sách giá và chính sách cơ cấu.

Về định lượng, Ngân hàng Trung ương sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng thương mại thêm 0,5 điểm phần trăm, qua đó bơm khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 139 tỷ USD) thanh khoản dài hạn vào hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, tỷ lệ dự trữ bắt buộc tạm thời của các công ty tài chính ô tô và công ty cho thuê tài chính sẽ giảm từ 5% xuống 0%, nhằm kích thích dòng vốn vào các lĩnh vực tiêu dùng thiết yếu.

Về chính sách giá, lãi suất chính sách được điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm, đưa lãi suất repo ngược kỳ hạn 7 ngày từ 1,5% xuống 1,4%. Điều này dự kiến kéo theo mức giảm tương đương ở lãi suất cho vay cơ sở (LPR). Đồng thời, lãi suất cho vay bổ sung thế chấp (PSL) và lãi suất tái cấp vốn cho nông nghiệp và doanh nghiệp nhỏ cũng được điều chỉnh giảm 0,25 điểm phần trăm, lần lượt xuống còn 2% và 1,5%.

Đáng chú ý, người mua nhà lần đầu sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi khi lãi suất cho vay mua nhà từ quỹ tiết kiệm nhà ở kỳ hạn trên 5 năm giảm từ 2,85% xuống còn 2,6%, hỗ trợ thêm cho thị trường bất động sản vốn đang trì trệ.

Thúc đẩy đổi mới công nghệ và tiêu dùng dịch vụ

Về chính sách cơ cấu, Trung Quốc tăng thêm 300 tỷ nhân dân tệ cho quỹ tái cấp vốn phục vụ đổi mới công nghệ, nâng tổng hạn mức lên 800 tỷ nhân dân tệ. Đồng thời, một quỹ tái cấp vốn trị giá 500 tỷ nhân dân tệ được thiết lập nhằm hỗ trợ tiêu dùng dịch vụ và chăm sóc người cao tuổi – những lĩnh vực đang được định hướng là động lực tăng trưởng mới.

Trong nỗ lực hỗ trợ thị trường vốn, Trung Quốc sẽ triển khai các công cụ tài chính với tổng trị giá 800 tỷ nhân dân tệ, gồm 500 tỷ nhân dân tệ tiện ích hoán đổi cho các công ty chứng khoán, quỹ và bảo hiểm, cùng 300 tỷ nhân dân tệ tái cấp vốn cho hoạt động mua lại cổ phiếu. Ngoài ra, một cơ chế chia sẻ rủi ro trái phiếu đổi mới khoa học và công nghệ cũng sẽ được thiết lập, phối hợp giữa chính phủ địa phương và các tổ chức tín dụng để giảm thiểu rủi ro tín dụng trong lĩnh vực công nghệ cao.

Ứng phó với khủng hoảng bất động sản

Trong lĩnh vực bất động sản, Trung Quốc đã phê duyệt các khoản vay lên đến 6,7 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 930 tỷ USD) dành cho các doanh nghiệp bất động sản thuộc “Danh sách trắng”, nhằm đảm bảo hoàn thành việc xây dựng và bàn giao khoảng 16 triệu căn hộ.

Cục trưởng NAFR Lý Vân Trạch nhấn mạnh, chính phủ sẽ sớm ban hành một khung tài chính phù hợp với mô hình phát triển bất động sản mới, trong đó chú trọng đến nhu cầu nhà ở thực sự thay vì đầu cơ. Đây là một trong tám chính sách tăng trưởng được NAFR triển khai trong năm nay.

Trong một diễn biến liên quan đến thương mại quốc tế, Trung Quốc xác nhận sẽ tiến hành đàm phán với Mỹ về các vấn đề thuế quan trong khuôn khổ chuyến thăm Thụy Sĩ của Phó Thủ tướng Hà Lập Phong từ ngày 9 đến 12/5. Đây là cuộc gặp được tổ chức theo đề nghị từ phía Mỹ, sau khi Nhà Trắng phát tín hiệu điều chỉnh chính sách thuế quan và tích cực liên lạc với Bắc Kinh qua nhiều kênh.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh lập trường kiên định phản đối việc Mỹ lạm dụng thuế quan và khẳng định mọi cuộc đối thoại phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng và cùng có lợi. Bắc Kinh cảnh báo sẽ không chấp nhận bất kỳ hình thức ép buộc hay gây sức ép nào, đồng thời tuyên bố sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích chính đáng của mình cũng như công lý quốc tế.

Hỗ trợ ngoại thương trước áp lực từ bên ngoài

Trước nguy cơ áp thuế từ Mỹ và bất ổn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Trung Quốc đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Hệ thống tín dụng sẽ được mở rộng, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn vay và linh hoạt thời hạn trả nợ.

Ngành ngân hàng và bảo hiểm cũng sẽ triển khai chính sách “mỗi doanh nghiệp một giải pháp” với các gói hỗ trợ riêng biệt theo từng trường hợp, đồng thời nâng hạn mức bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, giảm phí và đẩy nhanh bồi thường, nhằm củng cố lòng tin của doanh nghiệp xuất khẩu.

Thúc đẩy vai trò của thị trường vốn và đầu tư dài hạn

Chủ tịch CSRC Ngô Thanh kêu gọi các công ty quỹ chuyển hướng từ mở rộng quy mô sang tập trung hiệu quả đầu tư. Các doanh nghiệp sẽ được khuyến khích phát triển dài hạn và hạn chế đầu cơ, góp phần duy trì sự ổn định của thị trường chứng khoán.

Trung Quốc cũng đang chuẩn bị ra mắt “Bảng khoa học công nghệ” – một kênh phát hành trái phiếu dành riêng cho các doanh nghiệp công nghệ và các tổ chức đầu tư tư nhân, nhằm tạo ra kênh dẫn vốn mới cho các ngành công nghệ chiến lược.

Theo ông Lý Vân Trạch, trong 4 tháng đầu năm 2025, hệ thống tài chính Trung Quốc cơ bản duy trì ổn định. Các tổ chức ngân hàng và bảo hiểm vận hành có trật tự, tỷ lệ nợ xấu giảm khoảng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong khi tỷ lệ bao phủ dự phòng tăng khoảng 10 điểm phần trăm.

Tổng cộng, ngành ngân hàng và bảo hiểm đã cung cấp khoảng 17 nghìn tỷ nhân dân tệ tài chính mới cho nền kinh tế thực thông qua các kênh cho vay và phát hành trái phiếu. Các tổ chức tài chính lớn duy trì nền tảng ổn định, trong khi cải cách các ngân hàng nhỏ và vừa tiếp tục đạt tiến triển.

Thị trường nội địa: Thị trường nội địa: "Phao cứu sinh" cho doanh nghiệp Việt trong biến động thương mại toàn cầu
Nhiều tập đoàn bán lẻ của Hoa Kỳ vẫn tin tưởng vào thị trường Việt Nam Nhiều tập đoàn bán lẻ của Hoa Kỳ vẫn tin tưởng vào thị trường Việt Nam

Linh Châu

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/trung-quoc-ban-hanh-goi-chinh-sach-tai-chinh-toan-dien-cung-co-noi-luc-213300.html

In bài viết