Thuế quan thời Trump: Châm ngòi xu hướng “phi Mỹ hóa”?

17:03 | 03/05/2025

Chính sách thuế quan "có đi có lại" được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra nhằm kiềm chế toàn cầu hóa, tuy nhiên các vấn đề cấu trúc cố hữu của nó có thể đẩy nhanh xu hướng “phi Mỹ hóa” trong thương mại toàn cầu. Đó là nhận định được bà Zhang Monan, Phó Giám đốc Bộ phận nghiên cứu Mỹ và châu Âu tại Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc (CCIEE) nêu trong một bài viết đăng trên trang China-US Focus ngày 2/5.
100 Ngày đầu tiên nhiệm kỳ hai: Tổng thống Trump tái định hình nước Mỹ
Trump 2.0: 100 ngày của những quyết sách gây chấn động toàn cầu

Vào ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố sắc lệnh áp đặt thuế quan "có đi có lại" đối với hàng nhập khẩu vào nước này. Trong đó, mức cơ bản 10% áp dụng cho tất cả các nước, mức thuế cao hơn áp dụng với các đối tác có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ.

Theo bà Zhang, đây là sự chuyển hướng rõ rệt từ chính sách thương mại song phương sang cách tiếp cận "ném bom rải thảm", làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương và nguyên tắc tối huệ quốc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Chính sách này “đã đẩy mức thuế quan trung bình có trọng số của Mỹ lên 25,9%, vượt cả mức trong Đạo luật Thuế quan Smoot-Hawley năm 1930”, bà Zhang nhận định.

Chuyên gia nhận định Mỹ sẽ không thể thắng trong cuộc chiến thuế quan toàn cầu. (Ảnh minh họa: KT)
Chuyên gia nhận định Mỹ sẽ không thể thắng trong cuộc chiến thuế quan toàn cầu. (Ảnh minh họa: KT)

Bà lập luận rằng Mỹ khó có khả năng giành lợi thế từ chính sách thuế này, đặc biệt khi so sánh với Trung Quốc. Bà dẫn số liệu cho thấy, năm 2024, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chỉ chiếm khoảng 14,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Chỉ 95 mặt hàng phụ thuộc trên 50% thị phần Mỹ, chiếm 2,13% kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ. Trong khi đó, Mỹ lại phụ thuộc vào Trung Quốc ở 591 sản phẩm (trên 50%), với tổng kim ngạch nhập khẩu 224,1 tỷ USD - chiếm khoảng 48,4% tổng hàng nhập từ Trung Quốc.

Trung Quốc sở hữu đầy đủ cả 41 ngành công nghiệp theo hệ thống phân loại công nghiệp của Liên hợp quốc và có khả năng tích hợp dọc toàn diện, từ đóng gói chip đến sản xuất ô tô. Bà Zhang nhấn mạnh: "Chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh khiến Trung Quốc trở thành một mắt xích không thể thay thế trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu".

Hiệu ứng dịch chuyển đơn hàng do tác động thuế quan cũng không làm suy giảm đáng kể vai trò của Trung Quốc. Bà Zhang dẫn chứng, khoảng 70% đơn hàng từ Trung Quốc chuyển sang Việt Nam và Mexico chỉ liên quan đến khâu lắp ráp, trong khi linh kiện cốt lõi vẫn do Trung Quốc cung cấp.

Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường. Tỷ trọng thương mại với các khu vực ngoài Mỹ như ASEAN, Trung Đông và Mỹ Latinh tăng từ 32% (2019) lên 47% (2023), phần lớn nhờ hiệu ứng từ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Ngược lại, chính sách thuế quan của Mỹ bị cho là đang phản tác dụng khi phần lớn gánh nặng thuế lại đổ lên người tiêu dùng và doanh nghiệp nội địa. Bộ Thương mại Mỹ cho biết việc làm trong ngành sản xuất chỉ tăng 0,5% trong giai đoạn áp thuế - thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.

Bên cạnh đó, khoảng 30% sản phẩm trung gian sử dụng trong sản xuất tại Mỹ là hàng nhập khẩu, nên thuế quan đã làm gia tăng chi phí đầu vào. Một số doanh nghiệp thậm chí lựa chọn chuyển nhà máy ra nước ngoài để tránh thuế, thay vì hồi hương sản xuất. “Thuế quan có đi có lại có thể không đưa sản xuất trở về Mỹ, mà ngược lại, còn khiến các hoạt động này dịch chuyển sang nơi khác”, bà Zhang nhận định.

Chính sách thuế thiếu nhất quán và thường xuyên thay đổi của chính quyền Trump cũng bị đánh giá là gây mất lòng tin nơi các đối tác thương mại, kể cả các đồng minh thân cận. Một số quốc gia đã bắt đầu chủ động điều chỉnh chiến lược thương mại, tìm kiếm đối tác và thiết lập cơ chế mới ngoài Mỹ.

Bình luận về vấn đề này, nhà phân tích Stephen Collinson của CNN (Mỹ) cho rằng Trung Quốc có thể rút ra bài học từ chiến lược thuế quan của ông Trump: Tổng thống Mỹ buộc phải lùi bước nếu chính sách gây phản ứng tiêu cực, đặc biệt khi phải đối mặt với một đối thủ "chơi rắn" như Trung Quốc.

“Ngay cả khi xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ suy giảm, chính người tiêu dùng Mỹ mới là bên chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thuế quan. Nếu chi tiêu giảm sút, điều đó có thể đẩy kinh tế Mỹ tiến gần hơn đến nguy cơ suy thoái”, ông Collinson cảnh báo.

Một số chuyên gia cho rằng, dù ông Trump có hoãn áp mức thuế cao đối ứng, thì mức thuế cơ bản 10% với tất cả hàng nhập khẩu cũng đủ để cản trở tăng trưởng và tạo thêm gánh nặng chi phí cho người tiêu dùng Mỹ.

Trung Quốc trước áp lực thuế quan: Thách thức hay cú hích tự cường? Trung Quốc trước áp lực thuế quan: Thách thức hay cú hích tự cường?
Nhiều tập đoàn bán lẻ của Hoa Kỳ vẫn tin tưởng vào thị trường Việt Nam Nhiều tập đoàn bán lẻ của Hoa Kỳ vẫn tin tưởng vào thị trường Việt Nam

Phan Anh (tổng hợp)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/thue-quan-thoi-trump-cham-ngoi-xu-huong-phi-my-hoa-213172.html

In bài viết