17:54 | 01/05/2025
![]() |
Ông Trump phát biểu trong lễ nhậm chức tại Đồi Capitol ngày 20/1. (Ảnh: AP) |
Tổng thống Donald Trump trong bài phát biểu nhậm chức lần thứ hai đã xây dựng một tầm nhìn dựa trên di sản của Tổng thống thứ 25 của Hoa Kỳ - William McKinley, người từng dẫn dắt nước Mỹ bước vào kỷ nguyên mở rộng lãnh thổ và thúc đẩy mạnh mẽ chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Tổng thống Donald Trump nhắc đến McKinley trong bối cảnh đề xuất khôi phục tên gọi “Núi McKinley” cho ngọn núi Denali (ngọn núi cao nhất nước Mỹ, từng được chính quyền Obama đổi về tên gốc theo tiếng bản địa Alaska năm 2015). Ông ca ngợi McKinley là "tổng thống vĩ đại”, dù nhân vật này hiếm khi được xếp vào hàng những vĩ nhân trong lịch sử nước Mỹ. Đối với Tổng thống Donald Trump, việc khôi phục tên gọi này không chỉ nhằm chống lại “virus tư duy thức tỉnh” (woke mind), mà còn là hành động nhằm xóa bỏ dấu ấn của chính quyền tiền nhiệm.
Tuy nhiên, việc tôn vinh McKinley không chỉ mang tính biểu tượng. Trong nhiệm kỳ của mình, McKinley từng giám sát quá trình đàm phán xây dựng kênh đào Panama, cũng như mở rộng lãnh thổ thông qua việc sáp nhập Cuba, Hawaii và Philippines. Tổng thống Trump dường như đang tìm cách tái hiện mô hình này, thúc đẩy một chủ nghĩa đế quốc kiểu mới mang màu sắc khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Cũng theo bài đăng của tạp chí The Economist, một trong những điểm nhấn gây tranh cãi trong bài phát biểu của Tổng thống Donald Trump là tuyên bố: “Chúng ta sẽ giành lại nó”, với ngụ ý về kênh đào Panama. Mặc dù không đưa ra giải thích cụ thể, phát ngôn này đã làm dấy lên nhiều lo ngại, đặc biệt tại Panama - quốc gia từng chứng kiến Sư đoàn Dù 82 của Mỹ đổ bộ vào thập niên 1980.
Hiệp ước chuyển giao kênh đào Panama cho chính quyền nước này được ký năm 1977 dưới thời Tổng thống Jimmy Carter. Kể từ đó, nhiều chính trị gia bảo thủ tại Mỹ vẫn xem đây là một “sai lầm lịch sử”, và tổng thống Trump tiếp tục khai thác chủ đề này như một phần trong luận điệu chống lại chủ nghĩa tự do.
Việc ông cáo buộc Trung Quốc đang kiểm soát kênh đào Panama càng làm gia tăng lo ngại, dù thực tế là các công ty Trung Quốc có mặt trong lĩnh vực logistics tại Panama còn chính phủ Trung Quốc không nắm quyền kiểm soát kênh đào. Phát ngôn “giành lại” của tổng thống Trump không đơn thuần là một lời chỉ trích mà hàm ý khơi dậy tư tưởng bá quyền hơn là thúc đẩy đối thoại đa phương.
Không chỉ vậy, Donald Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên trong hơn một thế kỷ công khai kêu gọi mở rộng lãnh thổ không chỉ trên mặt đất, mà còn ra ngoài không gian. Ông tuyên bố rằng nước Mỹ cần “trở lại là một quốc gia đang phát triển”, với điểm đến cuối cùng là sao Hỏa. Ông tin rằng định mệnh lịch sử của nước Mỹ là cắm lá cờ lên hành tinh đỏ, coi đó như biểu tượng tối hậu cho quyền lực và tầm ảnh hưởng toàn cầu của quốc gia này.
![]() |
Mô phỏng khu định cư trên sao Hỏa với tên lửa Starship. (Ảnh: SpaceX) |
Lịch sử từng ghi nhận Tổng thống McKinley nói: “Tôi không hề muốn Philippines”, sau khi được “trao” vùng lãnh thổ này từ Tây Ban Nha sau chiến tranh. Dù tỏ ý miễn cưỡng, Mỹ vẫn đón nhập Philippines và sau đó phải đối mặt với phong trào nổi dậy kéo dài và khốc liệt. Trong khi đó, với Tổng thống Donald Trump, khát vọng mở rộng lãnh thổ không đến từ sự miễn cưỡng, mà là lựa chọn chiến lược có tính toán - gắn với tư duy bá quyền toàn diện.
Không chỉ dừng ở lãnh thổ, yếu tố kinh tế, đặc biệt là chính sách thuế quan, tiếp tục là trụ cột trong thế giới quan của Tổng thống Donald Trump. Ông đề xuất tăng mạnh thuế nhập khẩu như một cách để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước và “làm giàu cho công dân Mỹ”.
Quan điểm này tương đồng với Đạo luật Dingley (1897) dưới thời McKinley, khi mức thuế nhập khẩu trung bình lên tới hơn 50%. McKinley cho rằng điều này giúp tăng nguồn thu ngân sách mà không cần đánh thuế nội địa. Tổng thống Donald Trump lặp lại logic ấy: “Chúng ta sẽ đánh thuế và thu tiền từ các quốc gia nước ngoài… một lượng tiền khổng lồ sẽ đổ vào kho bạc Mỹ”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng chủ nghĩa bảo hộ có thể dẫn đến chiến tranh thương mại và gây ảnh hưởng tiêu cực đối với người tiêu dùng trong nước.
Về mặt chính trị, Tổng thống Donald Trump cũng tái hiện mô hình chính sách bảo hộ song hành với quan hệ cùng các tập đoàn tư nhân lớn. McKinley từng nhận được những khoản tài trợ khổng lồ từ J.P. Morgan và Standard Oil trong chiến dịch tranh cử năm 1896. Ngày nay, Donald Trump dành vị trí danh dự trong lễ nhậm chức cho những nhân vật như Jeff Bezos, Elon Musk và Mark Zuckerberg - các tỷ phú công nghệ từng đóng vai trò lớn trong các hoạt động chính trị và tài trợ vận động tranh cử.
Tổng thống Donald Trump gọi giai đoạn hiện tại là một “kỷ nguyên vàng” mới. Tuy nhiên, với chính sách thuế quan và khát vọng mở rộng lãnh thổ, điều ông thực sự hướng đến dường như là một sự hồi sinh của “thời đại Mạ vàng” (Gilded Age) cuối thế kỷ XIX đặc trưng bởi bất bình đẳng xã hội sâu sắc và sự thống trị của các tập đoàn tài phiệt.
Đường link bài viết trên trang The Economist:
https://www.economist.com/united-states/2025/01/21/the-new-american-imperialism
Linh Châu (lược dịch)