“Đòn bẩy” tài chính cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh

09:41 | 20/04/2025

Trên hành trình chuyển đổi xanh, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, sự đồng hành của Chính phủ, đặc biệt là những "đòn bẩy" về chính sách và tài chính.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo an sinh trước biến động kinh tế toàn cầu
Doanh nghiệp Việt cần làm gì trước "bão táp" thuế quan từ Hoa Kỳ?

Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi xanh không còn là sự lựa chọn mà là yêu cầu “sống còn” để phát triển bền vững. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang gặp không ít những thách thức, cần một chính sách tổng thể và toàn diện để hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình này.

Thiếu nguồn lực tài chính

Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam hiện nay đang gặp không ít các thách thức trong quá trình thực hiện chuyển đổi xanh. Khảo sát năm 2024 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho thấy, có tới 50% số doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính khi chuyển đổi xanh (chỉ có 5.9% cho rằng không có khó khăn gì về vốn), 48,6% khó khăn về nhân sự có chuyên môn; 44,2% khó khăn về các giải pháp kỹ thuật và trên 36% doanh nghiệp gặp khó về việc xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh.

Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thực phẩm toàn cầu chia sẻ: “Hơn 90% các doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì vậy chuyển đổi xanh vừa là chất xúc tác mang đến các cơ hội nhưng cũng vừa là sức ép đối với các doanh nghiệp. Trong khi đó, nguồn lực dành cho doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ lại không lớn. Vì vậy, để thực hiện chuyển đổi xanh hoặc tham gia vào thị trường xanh lại là áp lực rất lớn vì hầu hết quá trình này đều phải bắt đầu từ việc thay đổi công nghệ, trong khi đó giá trị đầu tư để thay đổi công nghệ là con số khổng lồ, các doanh nghiệp khó có thể dễ dàng thực hiện hoặc tham gia được”.

Tiếp tục một khảo sát năm 2024 của Ban IV về mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, chỉ có 48,7% doanh nghiệp đánh giá chuyển đổi xanh là cần thiết; 16.9% đánh giá là rất cần thiết. Tuy nhiên, vẫn có 17.4% đánh giá là không cần thiết/rất không cần thiết và 33.9% đánh giá tính cần thiết của việc chuyển đổi này chỉ ở mức độ bình thường. Đáng chú ý, có đến 64% doanh nghiệp cho biết chưa chuẩn bị gì cho quá trình chuyển đổi xanh.

Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) năm 2023 chỉ ra rằng, trên 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chưa hiểu rõ quá trình chuyển đổi xanh là gì, khoảng 70% doanh nghiệp chưa có kế hoạch hành động cụ thể cho mục tiêu phát triển xanh và chỉ có 18% doanh nghiệp có các kế hoạch dài hạn cho sự phát triển bền vững và biến đổi khí hậu. Các con số này cho thấy, tư duy chuyển đổi xanh của doanh nghiệp còn chậm, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn “thờ ơ” đứng ngoài quá trình này, việc này cũng đến từ nguyên nhân mang tên “khó khăn tài chính”.

Chuyển đổi bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất là dùng vật liệu tái chế. (Ảnh: Báo Nhân dân)
Chuyển đổi bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất là dùng vật liệu tái chế. (Ảnh: Báo Nhân dân)

Chủ tịch Tập đoàn LuxGroup, TS Phạm Hà nhìn nhận: “Trên hành trình xanh doanh nghiệp đang gặp không ít các thách thức, trong đó kinh tế là bài toán rất nan giải vì khi chuyển đổi xanh doanh nghiệp phải đầu tư vào thiết bị tiết kiệm năng lượng, xử lý rác thải, vật tư thân thiện môi trường… Việc này đòi hỏi chi phí cao và thời gian hoàn vốn dài. Trong khi đó, chúng ta đang thiếu những chính sách đồng bộ, thí dụ như các doanh nghiệp xanh chưa được hưởng ưu đãi về thuế, tín dụng, đấu thầu sản phẩm hay tiếp cận thị trường, điều này khiến nhiều doanh nghiệp chưa “mặn mà” với việc chuyển đổi xanh”.

Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh với những định hướng chung và định hướng cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, hiện danh mục phân loại xanh vẫn chưa được ban hành, khiến không ít các doanh nghiệp bị “cản trở” khi tiếp cận với nguồn vốn xanh, lãi suất ưu đãi cũng như là vốn cho phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch Hội kinh tế và Môi trường Việt Nam, nhận định: “Việc ban hành bộ tiêu chí phân loại xanh cần phải được thực hiện sớm, vì từ năm 2026, EU sẽ chính thức áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon đối với những hàng hóa nhập khẩu thuộc 6 lĩnh vực phát thải nhiều carbon trong quá trình sản xuất (xi-măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện và hydrogen). Nếu không làm nhanh, doanh nghiệp Việt bị loại khỏi sân chơi toàn cầu, điều này không có lợi cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu”.

Tạo “đòn bẩy” từ chính sách

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia Kinh tế, để gỡ khó cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh, cần có Quỹ tài chính xanh và chính sách tài chính xanh với cơ chế ưu đãi như: cho vay dài hạn, không cần tài sản thế chấp hoặc được vay với lãi suất ưu đãi.

“Lâu nay chúng ta vẫn làm một cách đơn thuần là đi thống kê, thí dụ như, một ngân hàng cho vay vốn để phát triển điện gió, điện mặt trời thì hạch toán vào là tín dụng xanh, trong khi đó chính sách vẫn vậy không thay đổi, vẫn lãi suất đó và phải có tài bảo đảm mới được vay. Vậy thì cái này đâu được gọi là tín dụng xanh theo đúng nghĩa của nó. Đúng với bản chất tín dụng xanh phải là đúng đối tượng thụ hưởng, mà đối tượng ở đây chính là các doanh nghiệp đang chuyển đổi xanh”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Chuyển đổi xanh đòi hỏi nhu cầu về tài chính rất lớn. Năm 2022, theo ước tính của World Bank, giai đoạn 2022-2040 Việt Nam cần tới 368 tỷ USD để xây dựng khả năng chống chịu và giảm phát thải nhà kính, trong đó thích ứng chiếm 4.7% GDP mỗi năm và khử Carbon chiếm 2.1%. Riêng khu vực tư nhân tiêu tốn khoảng 184 tỷ USD (tương đương với 3,4% GDP mỗi năm). Đây là con số không nhỏ, trong khi đó những hỗ trợ về tài chính hướng đến tăng trưởng xanh tại Việt Nam còn thấp.

Tính đến 31/12/2023, có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với gần 621 ngàn tỷ đồng, tăng 24% so với cùng thời điểm năm 2022, chiếm khoảng 4.5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Lũy kế đến 30/9/2024, mới có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 665 nghìn tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở một số ngành như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 43%) và nông nghiệp xanh (trên 30%). Như vậy có thể thấy tỷ lệ tín dụng xanh tuy có tăng nhưng không đáng kể.

PGS, TS Đỗ Phú Hải, Giảng viên Cao cấp Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Chính phủ cần xây dựng chính sách ở cấp độ tổng thể, chẳng hạn như tạo ra quỹ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuyển đổi xanh, nhà nước có thể thúc đẩy hình thành các hệ sinh thái của doanh nghiệp, có sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong việc tham gia vào ESG để có thể giúp chiến lược của doanh nghiệp được thực hiện một cách hoàn chỉnh. Ở đây vai trò của ngân hàng rất lớn trong việc cấp tín dụng, có thể sử dụng cả công cụ tài chính như trái phiếu xanh”.

“Các quỹ phát triển trên thế giới luôn dành một tỷ lệ nhất định phục vụ cho phát triển bền vững và tín dụng cho phát triển xanh. Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận các nguồn vốn này để hỗ trợ cho các hoạt động chuyển đổi xanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên để tiếp cận được thì Chính phủ phải có chính sách thu hút nguồn vốn FDI vào quá trình này”, ông Hải nhấn mạnh.

Luật chơi mới về thương mại và đầu tư hiện nay chính là thực hiện các mục tiêu về kinh tế xanh. GS Andreas Freytag, Đại học Friedrich Schiller Jena, Đức khuyến nghị: “Chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đang là một trong những giải pháp quan trọng để hóa giải tác động của biến đổi khí hậu. Việt Nam mới bước vào quá trình này vì vậy chính sách xanh của Việt Nam cần được thiết kế một cách bao trùm nhất với cơ chế làm sao tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đổi một cách thuận lợi, đặc biệt có sự hỗ trợ hiệu quả về khoa học công nghệ chuyển đổi năng lượng xanh trong sản xuất và quan trọng là đừng để các doanh nghiệp một mình tự tìm tòi hướng chuyển đổi”.

Xây dựng nền kinh tế xanh phải có những doanh nghiệp xanh. Trên hành trình này, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ bằng những chính sách cụ thể, đặc biệt là “đòn bẩy” về tài chính để doanh nghiệp yên tâm và mạnh dạn thực hiện. Vì vậy, Chính phủ cần có hệ thống các chính sách một cách tổng thể và toàn diện cũng như những hành động chính sách mạnh mẽ, để thúc đẩy tài chính xanh đang bị “mắc kẹt”, gỡ khó cho doanh nghiệp.

Theo Báo Nhân dân

https://nhandan.vn/don-bay-tai-chinh-cho-doanh-nghiep-chuyen-doi-xanh-post873569.html

Lời giải nào giúp doanh nghiệp bứt phá trong năm 2025? Lời giải nào giúp doanh nghiệp bứt phá trong năm 2025?
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam, công tác cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp là những "chìa khóa" then chốt, giúp tăng khả năng hấp thụ vốn và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân để từng bước làm chủ công nghệ lõi, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo an sinh trước biến động kinh tế toàn cầu Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo an sinh trước biến động kinh tế toàn cầu
Ngày 18/4, tại Hà Nội, Phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đã được tổ chức nhằm thẩm tra các nội dung theo phân công, chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét theo thẩm quyền tại Phiên họp thứ 44 và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

Theo Báo Nhân dân

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/don-bay-tai-chinh-cho-doanh-nghiep-chuyen-doi-xanh-212788.html

In bài viết