Tin quốc tế sáng 19/4: Mỹ cân nhắc công nhận Crimea là của Nga

09:16 | 19/04/2025

Mỹ cân nhắc công nhận Crimea là của Nga trong thỏa thuận hòa bình với Ukraine; Mỹ công bố 10.000 trang hồ sơ liên quan đến vụ ám sát Robert F. Kennedy năm 1968; Ukraine-Nga sẽ trao đổi gần 500 tù nhân... là những tin tức quốc tế đáng chú ý sáng 19/4.
Tin tức quốc tế sáng 18/4: Tổng thống Trump lạc quan về đàm phán thương mại với Trung Quốc
Biên giới và thuế quan - Niềm tự hào của tổng thống Donald Trump trong 100 ngày đầu cầm quyền

Bloomberg: Mỹ cân nhắc công nhận Crimea là của Nga trong thỏa thuận hòa bình với Ukraine

Ngày 19/4, hãng tin Bloomberg (Mỹ) dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Mỹ đang cân nhắc khả năng công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với khu vực Crimea như một phần trong thỏa thuận hòa bình giữa Moscow và Kyiv.

Đây là một tín hiệu cho thấy Tổng thống Trump muốn thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn. Trước đó một ngày, ông Trump và Ngoại trưởng Rubio đã phát đi thông điệp rằng Mỹ có thể rút khỏi vai trò trung gian hòa giải nếu các cuộc đàm phán không sớm đạt được tiến triển rõ rệt.

Người dân đi ngang qua biểu ngữ có hình Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Sevastopol, Crimea, vào ngày 22/3/2025.
Người dân đi ngang qua biểu ngữ có hình Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Sevastopol, Crimea, vào ngày 22/3/2025. (Ảnh: Reuters)

Theo Bloomberg, trong cuộc họp tại Paris (Pháp) ngày 17/4 với đồng minh châu Âu, các quan chức Mỹ đã đưa ra những đề xuất sơ bộ nhằm tạo điều kiện cho một thỏa thuận hòa bình. Những đề xuất này bao gồm các điều khoản chấm dứt giao tranh, khả năng nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Moscow nếu đạt được ngừng bắn lâu dài.

Đề xuất này về cơ bản sẽ duy trì nguyên trạng trên chiến trường, tức Nga tiếp tục kiểm soát các vùng lãnh thổ đang nắm giữ hiện nay. Tham vọng gia nhập NATO của Kyiv cũng sẽ không được đưa ra thảo luận.

Một số quốc gia châu Âu bày tỏ quan ngại rằng kế hoạch dỡ bỏ trừng phạt trong khi Nga vẫn kiểm soát lãnh thổ Ukraine có thể khiến Kyiv rơi vào thế bất lợi trong đàm phán.

Đặc phái viên của Mỹ về Ukraine, ông Steve Witkoff, cho rằng việc công nhận các vùng do Nga kiểm soát là “chìa khóa” để đạt được thỏa thuận hòa bình - một phát biểu gây tranh cãi tại Kyiv. Giới chức Ukraine lập tức bác bỏ quan điểm này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nhấn mạnh rằng “không ai có quyền đàm phán về lãnh thổ Ukraine, ngoại trừ người dân Ukraine”. Ông cho biết Ukraine chỉ sẵn sàng thảo luận các vấn đề lãnh thổ sau khi đạt được một lệnh ngừng bắn toàn diện và việc Nga rút quân khỏi các khu vực chiếm đóng.

Mỹ công bố 10.000 trang hồ sơ liên quan đến vụ ám sát Robert F. Kennedy năm 1968

Ngày 19/4, AP (Mỹ) đưa tin: Ngày 18/4, khoảng 10.000 trang hồ sơ liên quan đến vụ ám sát Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy năm 1968 đã được công bố theo lệnh của Tổng thống Donald Trump.

Các tài liệu bao gồm ghi chú viết tay của hung thủ Sirhan Sirhan, người thừa nhận bị ám ảnh với việc giết ông Kennedy và từng viết “RFK (Robert F. Kennedy - PV) phải bị xử lý giống như anh trai của ông ta”.

Tổng thống Donald Trump cầm một sắc lệnh hành pháp đã ký nhằm giải mật hồ sơ liên bang về các vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy, Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy và Martin Luther King Jr., tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, ngày 23/1/2025. (Ảnh: AP)
Tổng thống Donald Trump cầm một sắc lệnh hành pháp đã ký nhằm giải mật hồ sơ liên bang về các vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy, Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy và Martin Luther King Jr., tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, ngày 23/1/2025. (Ảnh: AP)

Robert F. Kennedy bị bắn chết ngày 5/6/1968 tại Los Angeles sau khi giành chiến thắng trong bầu cử sơ bộ bang California. Sirhan Sirhan bị kết tội giết người cấp độ một và hiện đang thụ án tù chung thân.

Cơ quan Lưu trữ và Hồ sơ Quốc gia Mỹ đã công bố 229 tập tài liệu lên trang web công khai. Một số tài liệu từng chưa được số hóa và lưu giữ nhiều thập kỷ trong kho lưu trữ liên bang.

Con trai ông Kennedy, Bộ trưởng Y tế Mỹ Robert F. Kennedy Jr., hoan nghênh việc công bố hồ sơ, coi đó là bước cần thiết để khôi phục lòng tin vào chính phủ.

Tài liệu cũng chứa lời khai từ người từng tiếp xúc với Sirhan, mô tả ông ta là người dễ bị ảnh hưởng và từng tuyên bố có ý định giết Robert F. Kennedy sau vụ ám sát Mục sư Martin Luther King Jr.

Học giả Larry Sabato nhận định việc công bố hồ sơ có thể giúp làm sáng tỏ vụ án, nhưng nhiều khả năng sẽ không cung cấp bằng chứng mới cho các thuyết âm mưu.

Đây là một phần trong nỗ lực minh bạch thông tin dưới thời ông Trump, bao gồm cả hồ sơ liên quan đến vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy.

Tổng thống Trump đẩy nhanh việc cấp phép cho 10 dự án khai khoáng trên toàn nước Mỹ

Ngày 19/4, Reuters (Anh) đưa tin: Ngày 18/4, Nhà Trắng cho biết sẽ đẩy nhanh quá trình cấp phép cho 10 dự án khai thác mỏ trên khắp nước Mỹ, như một phần trong nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm tăng cường sản xuất khoáng sản quan trọng trong nước.

Các dự án này bao gồm đồng, antimon, lithium, than luyện kim và các khoáng sản khác, đưa vào quy trình FAST-41 - sáng kiến liên bang nhằm rút ngắn thời gian phê duyệt các dự án hạ tầng thiết yếu. Chính quyền cho biết việc công khai tiến độ trên trang web liên bang sẽ tăng tính minh bạch và hiệu quả.

Đầu tuần này, ông Trump cũng ra lệnh điều tra khả năng áp thuế với tất cả khoáng sản quan trọng nhập khẩu, nhằm tăng sức ép lên Trung Quốc, quốc gia đứng đầu ngành này.

Mỹ sẽ cắt giảm gần một nửa số binh sĩ tại Syria

Ngày 19/4, Reuters (Anh) đưa tin: Người phát ngôn chính của Lầu Năm Góc Sean Parnell ngày 18/4 cho biết, Mỹ sẽ giảm gần một nửa số binh sĩ đang triển khai tại Syria xuống mức dưới 1.000 người trong những tháng tới.

Hiện quân đội Mỹ có khoảng 2.000 binh sĩ tại nhiều căn cứ ở Syria, chủ yếu ở khu vực đông bắc, phối hợp với lực lượng địa phương để ngăn chặn sự trỗi dậy trở lại của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Theo ông Sean Parnell, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth đã chỉ đạo "hợp nhất các lực lượng Mỹ tại Syria... đến các địa điểm lựa chọn", song không nêu rõ những nơi sẽ diễn ra hành động này.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc nhấn mạnh: "Khi quá trình hợp nhất diễn ra, phù hợp với cam kết của Tổng thống Trump về hòa bình thông qua sức mạnh, Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ vẫn sẽ sẵn sàng tiếp tục những cuộc tấn công nhằm vào tàn dư của IS tại Syria".

Ukraine, Nga sẽ trao đổi gần 500 tù nhân

Ngày 18/4, Sky News (Anh) dẫn nguồn tin giấu tên cho biết, Ukraine và Nga sẽ tiến hành trao đổi tù binh chiến tranh vào ngày 19/4. Theo kế hoạch, khoảng 500 người sẽ được trao đổi, gồm 246 tù nhân từ mỗi bên và 46 binh sĩ bị thương.

Người thân chúc mừng một binh sĩ Ukraine được trao trả từ Nga đúng vào ngày sinh nhật của anh, tại Chernihiv Oblast, Ukraine, ngày 19/3/2025. (Ảnh: Getty)
Người thân chúc mừng một binh sĩ Ukraine được trao trả từ Nga đúng vào ngày sinh nhật của anh, tại Chernihiv Oblast (Ukraine), ngày 19/3/2025. (Ảnh: Getty)

Đây là một phần trong các đợt trao đổi tù nhân thường xuyên giữa hai nước, được thực hiện với sự trung gian của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Tính đến nay, tổng số tù nhân được trao đổi thông qua UAE đã lên tới 3.233 người.

Cuộc trao đổi lần này diễn ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ngày 18/4 cảnh báo Washington sẽ từ bỏ vai trò trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine nếu không có tín hiệu rõ ràng về khả năng đạt được lệnh ngừng bắn trong vài ngày tới.

Ba tháng cầm quyền của Tổng thống Donald Trump: Những tín hiệu bất ổn do tác động của chính sách thuế Ba tháng cầm quyền của Tổng thống Donald Trump: Những tín hiệu bất ổn do tác động của chính sách thuế
Chính sách thuế quan của Mỹ: đòn bẩy khiến EU và Trung Quốc xích lại gần nhau? Chính sách thuế quan của Mỹ: đòn bẩy khiến EU và Trung Quốc xích lại gần nhau?

Phan Anh (tổng hợp)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/tin-quoc-te-sang-194-my-can-nhac-cong-nhan-crimea-la-cua-nga-212763.html

In bài viết