Chuyên gia hiến kế phát triển công nghệ chiến lược quốc gia

16:21 | 18/04/2025

Tại Tọa đàm “Chính sách đặc biệt để phát triển công nghệ chiến lược quốc gia” do Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức ngày 17/4, nhiều nhà khoa học, chuyên gia hiến kế.
Học giả Anh: Việt Nam có lợi thế để trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tới Việt Nam tìm cơ hội hợp tác về công nghệ cao

Cần đặt những "bài toán lớn" cho nhà khoa học

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Tú Bảo - Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu, Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán chỉ ra sự chênh lệch lớn trong phân bổ ngân sách khoa học công nghệ giữa Việt Nam và các quốc gia phát triển. Theo số liệu được công bố, Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản dành hơn 60% và Trung Quốc 83% nguồn lực khoa học công nghệ cho nghiên cứu phát triển (R&D). Trong khi đó, nền khoa học công nghệ của Việt Nam còn mang tính hàn lâm, nặng về nghiên cứu cơ bản và chưa chuyển hóa vào trong sản xuất.

tọa đàm “Chính sách đặc biệt để phát triển công nghệ chiến lược quốc gia”. (Ảnh: VietNamNet)
Tọa đàm “Chính sách đặc biệt để phát triển công nghệ chiến lược quốc gia”. (Ảnh: VietNamNet)

Giáo sư Bảo dẫn số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tính đến tháng 8/2024, Việt Nam có khoảng 743 giáo sư, hơn 91.000 giảng viên đại học và 23.776 tiến sĩ. Từ đó, ông đặt vấn đề: “Bao nhiêu người trong số này thực sự gắn bó với sản xuất và sự phát triển của đất nước?".

Ông cũng chỉ ra một số thách thức mà lĩnh vực khoa học công nghệ Việt Nam đang đối mặt, đặc biệt là sự thiếu gắn kết với thực tiễn sản xuất. "Khoa học công nghệ hiện chưa có đủ động lực từ nhu cầu thực tế của nền kinh tế và doanh nghiệp. Khi nhắc đến R&D, chúng ta vẫn nghiêng nhiều về nghiên cứu (R – research), trong khi phần phát triển (D – development) lại chưa được chú trọng đúng mức".

Giáo sư Hồ Tú Bảo cũng nhấn mạnh việc Việt Nam đang thiếu các chương trình trọng điểm cấp quốc gia theo hướng tiếp cận từ trên xuống (Top-down). Ông nhận định; "Chúng ta thiếu những 'bài toán lớn' do nhà nước đặt ra nhằm tập trung nguồn lực tinh hoa để giải quyết. Trong khi đó, cách tiếp cận phổ biến hiện nay là từ dưới lên (Bottom-up). Các đề tài nghiên cứu chủ yếu xuất phát từ ý tưởng, sở trường cá nhân của nhà khoa học. Cách làm này thiên về tính xây dựng lực lượng là chính nhưng khó tạo đột phá lớn hoặc giải quyết những vấn đề cấp thiết mang tính chiến lược quốc gia".

Trung tâm hệ sinh thái của khoa học công nghệ phải là doanh nghiệp

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng Việt Nam cần xác định rõ danh mục công nghệ chiến lược, tập trung vào những lĩnh vực mũi nhọn, thay vì dàn trải như trước. Theo ông, việc lựa chọn công nghệ cần được phân tích kỹ lưỡng điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của từng lựa chọn công nghệ, học hỏi từ cả kinh nghiệm thành công và thất bại trên thế giới. Đặc biệt, ông nhấn mạnh rằng, không thể phát triển công nghệ nếu không có con người vận hành và sáng tạo. Vì vậy, cần có chính sách đồng bộ để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời khẩn trương hành động trước sự thay đổi nhanh chóng của thị trường công nghệ toàn cầu.

Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, để thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, Nhà nước cần có chính sách "kiến tạo" để khuyến khích sự sáng tạo trong cả doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu.

"Trong thời gian tới chúng ta phải đẩy mạnh doanh nghiệp tư nhân; phải nuôi dưỡng doanh nghiệp tư nhân, tạo tầm nhìn rất dài. Trung tâm hệ sinh thái của khoa học công nghệ phải là doanh nghiệp, nhà khoa học sẽ đồng hành như một bộ phận nghiên cứu, phát triển của doanh nghiệp", ông Trình đề xuất.

Tập trung vào công nghệ chiến lược và đổi mới sáng tạo

Các chuyên gia cũng chia sẻ nhiều sáng kiến để phát triển công nghệ chiến lược. Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Bán dẫn (Đại học Quốc gia Hà Nội), gợi ý Việt Nam có thể tập trung vào hệ vi xử lý dựa trên mã nguồn mở RISC-V, giúp giảm lệ thuộc vào mã nguồn đóng độc quyền của nước ngoài. Ông cũng đề xuất thành lập một ngân hàng IP dành riêng cho các thiết kế của người Việt để chia sẻ miễn phí hoặc chi phí thấp. Ngân hàng này sẽ hỗ trợ các nhóm nghiên cứu, trong khi người cung cấp thiết kế nhận được phản hồi trong quá trình sử dụng thực tế để tiếp tục hoàn thiện.

Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có một nhà máy chế tạo bán dẫn, dù quy mô lớn hay nhỏ, để phục vụ an ninh quốc phòng và nên tập trung vào công nghệ đóng gói tiên tiến (advanced packaging).

Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội khuyến nghị cần có những cơ chế như: đặt hàng chiến lược thông qua chương trình nghiên cứu trọng điểm; thành lập quỹ đổi mới sáng tạo theo hình thức nhà nước đầu tư - doanh nghiệp vận hành; thành lập liên minh đổi mới sáng tạo các trường đại học. Ngoài ra, cần có cơ chế huy động nguồn lực tài chính từ xã hội và doanh nghiệp, kết hợp đội ngũ tri thức từ các cơ sở nghiên cứu như trường đại học, viện nghiên cứu.

Nghị quyết 57: Bước đi phát triển bền vững, hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng Nghị quyết 57: Bước đi phát triển bền vững, hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng
Bộ Khoa học và Công nghệ lập Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ Bộ Khoa học và Công nghệ lập Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ

Minh Thái (tổng hợp)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/chuyen-gia-hien-ke-phat-trien-cong-nghe-chien-luoc-quoc-gia-212734.html

In bài viết