09:50 | 02/04/2025
Ngày 31/3, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt xác nhận Tổng thống Trump sẽ công bố kế hoạch áp thuế vào ngày 2/4 (giờ Mỹ).
"Thứ Tư sẽ là 'Ngày Giải phóng' tại Mỹ như Tổng thống Trump đã nói. Tổng thống sẽ công bố một kế hoạch thuế quan đảo ngược các hoạt động thương mại không công bằng đã bóc lột đất nước chúng ta trong nhiều thập kỷ", bà Leavitt cho biết.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick. (Ảnh: POLITICO) |
Tuy nhiên, bà Leavitt không tiết lộ chi tiết về mức thuế cụ thể và cho biết ông Trump đang tiếp tục thảo luận kế hoạch với đội ngũ của mình. "Ông ấy có đội ngũ cố vấn thương mại tài giỏi, gồm: Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick, Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer, Cố vấn thương mại Peter Navarro, Trợ lý cấp cao Stephen Miller và Phó Tổng thống JD Vance. Tất cả những cá nhân này đều đã trình bày kế hoạch với Tổng thống về cách thực hiện điều này và quyết định là của Tổng thống", bà Leavitt nói.
Cũng trong ngày 31/3, chính quyền Tổng thống Trump công bố một báo cáo chi tiết về các chính sách và quy định của các nước mà Washington coi là rào cản thương mại.
Báo cáo này đánh giá mức thuế suất trung bình đối với hàng hóa Mỹ, các rào cản phi thuế quan như: quy định về kiểm dịch thực vật, tiêu chuẩn kỹ thuật số, yêu cầu báo cáo môi trường, các chính sách về tỷ giá hối đoái và đăng ký sản phẩm. Ngoài ra, mức thâm hụt thương mại giữa một quốc gia với Mỹ cũng là cơ sở để chính quyền Trump quyết định áp thuế.
Báo cáo này được xem là bất lợi cho các đối tác thương mại của Mỹ, vì các nước có quá ít thời gian để phân tích và phản hồi trước khi chính quyền Trump công bố kế hoạch.
Lo ngại gia tăng sau khi ông Trump tuyên bố vào ngày 30/3 rằng thuế quan sẽ áp dụng cho "tất cả các quốc gia". Ông chỉ nói rằng thuế quan của ông sẽ "hào phóng hơn nhiều" so với mức thuế mà các nước khác áp lên hàng hóa Mỹ.
Trước động thái mới từ ông Trump, nhiều quốc gia đã nhanh chóng đưa ra đối sách nhằm bảo vệ nền kinh tế và giảm thiểu tác động tiêu cực.
Tại châu Á, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã đạt thỏa thuận tăng cường thương mại tự do để giảm bớt ảnh hưởng từ hàng rào thuế quan của Mỹ.
Ấn Độ trong nỗ lực tránh căng thẳng thương mại kéo dài đang xem xét việc giảm một số thuế quan. Nước này cũng đang nối lại đàm phán thương mại với Anh và đặt mục tiêu ký kết hiệp định thương mại tự do với New Zealand trong vòng hai tháng tới.
Giới chuyên gia kinh tế dự đoán đợt thuế mới có thể nhắm vào 15% số đối tác có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Mỹ ghi nhận thâm hụt thương mại lớn nhất với Trung Quốc, EU, Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Ấn Độ. |
Tại châu Âu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nhấn mạnh sự cần thiết phải hướng tới độc lập về kinh tế, gọi đây là "thời khắc quyết định" của khu vực.
Liên minh châu Âu (EU) cũng đang đẩy nhanh tiến trình đàm phán các hiệp định thương mại nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định: "EU sẽ phản ứng rõ ràng và kiên quyết với chính sách thuế quan của Mỹ. Chúng tôi không coi thuế quan là công cụ phù hợp để thúc đẩy thương mại nhưng chúng tôi cũng sẵn sàng hợp tác và thỏa hiệp để bảo vệ sự thịnh vượng chung".
Thủ tướng Canada Mark Carney tuyên bố sẽ loại bỏ các rào cản đối với sự di chuyển tự do của người lao động, hàng hóa và dịch vụ, nhằm giảm chi phí thương mại tới 15% và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ 4% đến 8% trong dài hạn.
Trong khi đó Anh theo đuổi một hướng tiếp cận linh hoạt hơn. Ngày 30/3 Văn phòng Thủ tướng Anh thông báo rằng Thủ tướng Keir Starmer đã thảo luận với Tổng thống Trump về “các cuộc đàm phán hiệu quả" nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại song phương.
Theo chuyên gia Ryan Sweet của công ty tư vấn Oxford Economics, các nước cần "chuẩn bị cho những điều bất ngờ". Ông nhấn mạnh rằng vấn đề mấu chốt hiện nay là phạm vi áp thuế và liệu đây chỉ là một chiến thuật đàm phán hay một sự thay đổi chính sách mang tính quy mô.
![]() Thủ tướng Canada Mark Carney đã công bố một loạt biện pháp nhằm giảm thiểu tác động từ thuế quan của Mỹ, đồng thời thúc đẩy các cải cách “xây dựng quốc gia” để gia tăng thương mại và đầu tư. Đây được xem là chiến lược then chốt của chính phủ Canada nhằm bảo vệ nền kinh tế trước sức ép từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. |
![]() Căng thẳng thương mại giữa Canada và Trung Quốc tiếp tục gia tăng khi Ottawa chính thức đệ đơn kiện Bắc Kinh lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bắc Kinh tuyên bố đây là biện pháp mang tính đối phó, không có ý định duy trì lâu dài, nhằm đáp trả những hành động mà họ cho là phân biệt đối xử từ phía Ottawa. |
Thu Phượng (Theo The Guardian, AFP)