Việt Nam chủ động thích ứng trước thay đổi chính sách kinh tế và thuế quan của các nước

15:57 | 16/03/2025

Những thay đổi về chính sách thuế quan của Mỹ cùng nhiều quốc gia khác đang tác động mạnh mẽ đến thương mại toàn cầu. Trước tình hình này, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng chỉ đạo các bộ, ngành triển khai hàng loạt chính sách linh hoạt nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo đảm sự ổn định của nền kinh tế và thúc đẩy quan hệ thương mại bền vững.
Thương chiến Trump: Việt Nam cần làm gì để không “mạnh người yếu ta”?
Mỹ áp thuế 25% với nhôm, thép, doanh nghiệp Việt ứng phó ra sao?

Chủ động xây dựng kịch bản cho khả năng chiến tranh thương mại thế giới

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025 diễn ra ngày 5/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, bối cảnh thế giới hiện nay diễn biến khó lường, tác động trực tiếp tới nước ta, nhất là tới xuất khẩu, sản xuất kinh doanh, kinh tế vĩ mô. Ông đề nghị các thành viên Chính phủ dự báo, phân tích thật sát tình hình, các vấn đề mới nổi lên. Đó là khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới, nếu có sẽ làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, thu hẹp các thị trường xuất khẩu. Từ đó đề xuất giải pháp để phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, không bị động, bất ngờ, không để lỡ thời cơ và giữ đà, giữ nhịp, giữ khí thế đang có để tiếp tục phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025 diễn ra ngày 5/2. (Ảnh: Báo Chính phủ)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025 diễn ra ngày 5/2. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Thủ tướng gợi ý một số giải pháp như: tiếp tục tập trung làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhất là các thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ…

Phản ứng kịp thời, linh hoạt với thay đổi về chính sách kinh tế, thuế quan của các nước

Ngày 8/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế khu vực và thế giới, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 và hai con số trong những năm tiếp theo.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hợp tác kinh tế với nước ngoài có vai trò quan trọng, góp phần cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 và 2 con số trong những năm tiếp theo. Thủ tướng đặc biệt lưu ý tiến hành các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với các nước, trong đó tập trung thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác thương mại, đầu tư với các đối tác, nhất là các đối tác lớn như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Theo đó, cùng với nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch, hấp dẫn, sức chống chịu của nền kinh tế và nâng cao tính tự lực, tự cường, hội nhập chủ động, sâu rộng, hiệu quả của nền kinh tế, phải có giải pháp chủ động cân bằng thương mại, thúc đẩy ký kết các hiệp định bảo hộ đầu tư với các đối tác.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 - Ảnh: VGP
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2025. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục theo dõi sát, nắm chắc diễn biến tình hình, phản ứng, ứng xử kịp thời, phù hợp, linh hoạt, khả thi, hiệu quả với từng thị trường, nhất là trong bối cảnh có những thay đổi về chính sách kinh tế, thuế quan của các nước.

Nhấn mạnh phải huy động được sức mạnh, nguồn lực của dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, tranh thủ sự ủng hộ cả ở trong nước và ngoài nước, Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế để tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Theo Thủ tướng, phải kiên trì, chủ động, linh hoạt, tích cực, thúc đẩy hợp tác bằng các biện pháp, hình thức, phương thức hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; ưu tiên xử lý dứt điểm, kịp thời, thoả đáng, hiệu quả các vấn đề quan tâm của các đối tác, thể hiện thiện chí của Việt Nam, dựa trên cơ sở hợp tác tốt đẹp, sự hiểu biết, chân thành, tôn trọng lẫn nhau; trong quá trình thực thi chú ý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tất cả các bên, trên cơ sở thương mại công bằng.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xây dựng kế hoạch cân bằng thương mại với các đối tác lớn, chú ý khai thác bổ sung thiếu hụt, hỗ trợ lẫn nhau; khai thác tối đa các FTA đã ký và xúc tiến ký mới các FTA để đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá chuỗi cung ứng; rà soát lại các sắc thuế, nhất là các đối tác lớn để điều chỉnh nếu thấy cần thiết và phù hợp với lợi ích của các bên; rà soát, đề xuất thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhất là các ngành mới nổi.

Bộ, ngành, địa phương chủ động giải quyết vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI mở rộng đầu tư, kinh doanh, giúp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến giấy phép lao động, visa.

Các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư phải công khai, minh bạch, các cơ quan chức năng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kiểm soát xuất xứ hàng hóa, tránh việc hàng hóa đi vào thị trường Việt Nam thông qua thẩm lậu, buôn lậu, rồi núp bóng để xuất khẩu đi các nước khác, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam.

Ban hành chỉ thị về chủ động thích ứng với tình hình thế giới và khu vực

Ngày 10/3, Thủ tướng ký ban hành Chỉ thị 06/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để chủ động thích ứng linh hoạt, kịp thời, phù hợp, hiệu quả với tình hình thế giới, khu vực nhằm đạt được các mục tiêu tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Trong Chỉ thị, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "coi trọng thời gian, phát huy trí tuệ, quyết đoán, kịp thời". Trong đó, ông yêu cầu tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với các đối tác, nhất là các nước láng giềng, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống, các nước đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện.

Bộ Ngoại giao chủ động thúc đẩy mạnh mẽ các biện pháp nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố và tăng cường quan hệ tốt đẹp với các nước, nhất là các nước lớn, các nước đối tác chiến lược toàn diện.

Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện kế hoạch hành động về cân bằng thương mại hài hòa, bền vững với các đối tác lớn, trong đó lưu ý tính chất bổ sung trong cơ cấu thương mại giữa Việt Nam với các nước thay vì cạnh tranh trực tiếp.

Tiếp tục khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu, thúc đẩy xúc tiến thương mại; khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, thúc đẩy ký các FTA mới với các thị trường tiềm năng (Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latin, Trung Á, Ấn Độ, Brazil…).

Nâng cao năng lực, kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhằm giảm thiểu tác động từ các dòng đầu tư bên ngoài có dấu hiệu không lành mạnh, lẩn tránh thuế quan có thể gây ảnh hưởng đến uy tín của nước ta; tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính rà soát các sắc thuế đang áp dụng với các nước, nhất là các nước có quan hệ đối tác chiến lược/đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, trong đó có Mỹ, trên tinh thần bảo đảm hài hòa, cân bằng lợi ích. Bộ này khẩn trương trình Chính phủ việc sửa nghị định 26/2023 để điều chỉnh thuế suất một số nhóm mặt hàng bảo đảm hài hòa, hợp lý, có lợi cho cả hai bên theo trình tự thủ tục rút gọn, hoàn thành trong tháng 3/2025.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương xây dựng các phương án, biện pháp phù hợp trong giải quyết các vấn đề liên quan đến hợp tác với các đối tác trong thanh toán, tiền tệ; áp dụng các biện pháp cân bằng, hợp lý, hài hòa. Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung giải quyết dứt điểm quan tâm của các đối tác về giấy phép lao động, thị thực.

Thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại với Mỹ

Tại cuộc tiếp Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper ngày 13/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, các bộ, ngành của Việt Nam đang tích cực giải quyết các quan tâm hiện nay của phía Mỹ trong quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư, trong đó có việc cử Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Đặc phái viên sang làm việc tại Mỹ để đồng chủ trì cơ chế họp Hội đồng Thương mại và Đầu tư (TIFA). Các bộ, ngành, cơ quan hữu quan của Việt Nam đang tích cực rà soát biểu thuế nhập khẩu hàng hoá từ Mỹ, khuyến khích gia tăng nhập khẩu các sản phẩm thế mạnh của Mỹ mà Việt Nam có nhu cầu, đặc biệt là nông sản, khí hoá lỏng và sản phẩm công nghệ cao.

Ký kết biên bản ghi nhớ về thiết lập khuôn khổ hợp tác tạo thuận lợi cho giao dịch và nhập khẩu nhiên liệu sinh học giữa Petrolimex và Marquis Energy
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên (thứ tư từ phải sang) chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ về thiết lập khuôn khổ hợp tác tạo thuận lợi cho giao dịch và nhập khẩu nhiên liệu sinh học giữa Petrolimex và Marquis Energy tại Washington D.C (Mỹ). (Ảnh: Bộ Công thương)

Cùng ngày, tại Washington D.C (Mỹ), Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã làm việc với Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson L. Greer để trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ.

Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã thông tin về các nhóm giải pháp cụ thể mà Chính phủ Việt Nam đang chủ động triển khai thực hiện nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với Mỹ một cách toàn diện, hài hoà và bền vững. Ông đề nghị cấp kỹ thuật hai nước tiếp tục trao đổi để Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam và cho rằng đây sẽ là quyết định quan trọng, tương xứng với tầm vóc của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hiện nay giữa hai nước.

Đề cập đến những quan ngại về diễn biến chính sách thuế quan của Mỹ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer nhận định đây là lúc Việt Nam và Mỹ cần cùng nhau phối hợp chặt chẽ để tạo ra môi trường kinh doanh công bằng, bền vững thông qua việc chủ động rà soát, xem xét loại bỏ các rào cản thương mại, gây cản trở cho hoạt động đầu tư kinh doanh; xây dựng cơ chế kiểm soát hiệu quả các hoạt động gian lận thương mại, gian lận nguồn gốc xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Dịp này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng có cuộc làm việc với Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chris Wright; Thượng nghị sỹ Dan Sullivan của bang Alaska. Nhiều thỏa thuận hợp tác có ý nghĩa quan trọng giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Mỹ với tổng giá trị 4,15 tỷ USD đã được ký kết trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.

Tăng thuế nhôm, thép: nước cờ bảo hộ hay Tăng thuế nhôm, thép: nước cờ bảo hộ hay "con dao hai lưỡi" cho kinh tế Mỹ?
Hiểu về thuế quan của ông Trump qua năm biểu đồ Hiểu về thuế quan của ông Trump qua năm biểu đồ

Phan Anh (tổng hợp)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/viet-nam-chu-dong-thich-ung-truoc-thay-doi-chinh-sach-kinh-te-va-thue-quan-cua-cac-nuoc-211326.html

In bài viết