Nghị quyết 57: Mỗi cơ quan, cá nhân chủ động triển khai với tinh thần trách nhiệm cao nhất

16:00 | 24/01/2025

Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Để Nghị quyết được triển khai hiệu quả, sớm đi vào cuộc sống cần hoàn thiện thể chế, chính sách và hành động một cách thực chất, tránh hình thức.
Tổng Bí thư Tô Lâm: Cơ hội rất lớn để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đưa đất nước phát triển
Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Hoàn thiện thể chế

Tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Trung ương về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra 3 vấn đề cốt lõi cần ưu tiên giải quyết trong giai đoạn 2025 - 2030: hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng và nâng cao chất lượng nhân lực. Nếu năm 2025 không tạo đột phá về 3 vấn đề này thì mục tiêu đến năm 2030 không đạt được. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, cần phải ưu tiên giải quyết các vấn đề cấp bách như hoàn thiện thể chế, chính sách để thúc đẩy đầu tư cho khoa học công nghệ.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh, để Nghị quyết 57 thực sự đi vào cuộc sống, một hệ thống thể chế đồng bộ, linh hoạt và phù hợp với tốc độ phát triển của khoa học - công nghệ được coi là điều kiện tiên quyết.

Nghị quyết 57: Mỗi cơ quan, cá nhân chủ động triển khai với tinh thần trách nhiệm cao nhất
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy.

Việc hiện thực hóa Nghị quyết 57 đòi hỏi phải vượt qua 3 thách thức lớn. Trước tiên là làm thế nào để đưa nghị quyết vào thực tiễn một cách hiệu quả, không chỉ dừng lại ở những văn bản chỉ đạo. Tiếp đến là tốc độ triển khai, bởi trong bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển với tốc độ cấp số nhân, sự chậm trễ có thể khiến chính sách nhanh chóng trở nên lỗi thời. Cuối cùng là làm sao để lan tỏa tinh thần đổi mới đến toàn bộ hệ thống chính trị, từ các cấp ủy Đảng, cơ quan quản lý nhà nước đến doanh nghiệp và người dân, bảo đảm triển khai đồng bộ, liên tục và có sức lan tỏa rộng rãi.

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, để cụ thể hóa Nghị quyết 57, cách thức làm việc của đội ngũ cán bộ cần có sự thay đổi mạnh mẽ. Trước đây, quy trình sửa đổi luật, nghị định, thông tư diễn ra theo chu kỳ hàng năm, nhưng giờ đây phải được rút ngắn theo tháng, thậm chí theo tuần, để kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tương tự, việc triển khai các đề án, dự án cũng cần có sự linh hoạt và nhanh chóng hơn, không còn theo tiến độ tháng mà phải theo tuần, thậm chí theo ngày, nhằm đảm bảo hiệu quả và tính thích ứng cao. Việc ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo trong quá trình ra quyết định và quản lý cũng là yêu cầu bắt buộc, giúp nâng cao năng suất, tính chính xác và hiệu quả trong thực thi chính sách.

Nghị quyết 57 không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn phải trở thành động lực đổi mới phương thức làm việc của toàn xã hội. Mỗi cán bộ quản lý, đảng viên, doanh nghiệp và người dân cần thay đổi tư duy, ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình, tăng cường hiệu quả làm việc. Chuyển đổi số trong hành chính công sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục, giảm tải gánh nặng giấy tờ và tăng cường tính minh bạch. Các doanh nghiệp cần được khuyến khích đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện để ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh. Đồng thời, giáo dục và đào tạo nhân lực số cũng phải được đẩy mạnh, trang bị cho người lao động các kỹ năng mới về dữ liệu, công nghệ và tư duy đổi mới, giúp họ thích ứng với xu thế chuyển đổi số toàn cầu.

Hành động thực chất, hiệu quả

Cũng tại phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu cụ thể hóa trách nhiệm của từng thành viên để triển khai Nghị quyết 57 một cách hiệu quả, tránh hình thức, chờ đợi hoặc thực hiện một cách đối phó. Mỗi cá nhân, mỗi cơ quan cần phát huy tối đa vai trò của mình, chủ động đưa ra giải pháp thực tiễn, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả cao nhất.

Thường trực Ban Bí thư và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam cần sớm xây dựng kế hoạch, chương trình hành động chi tiết, gắn với các mục tiêu thực tiễn và có lộ trình rõ ràng, bảo đảm tính đồng bộ giữa các cấp, các ngành. Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cần nghiên cứu và trình Ban Bí thư hướng dẫn cụ thể về việc kiện toàn, bố trí cán bộ có trình độ khoa học công nghệ vào cấp ủy các cấp. Đây là yếu tố then chốt để khoa học công nghệ trở thành động lực phát triển trong hệ thống chính trị và quản lý nhà nước. Ban Cán sự đảng Chính phủ phải chủ trì rà soát các quy hoạch chiến lược về năng lượng, tài nguyên, môi trường và các lĩnh vực liên quan, bảo đảm tính đồng bộ và khả thi khi thực hiện Nghị quyết 57. Các quy hoạch cần được cập nhật phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

Tổng Bí thư nêu quan điểm chung là phát huy vai trò cá nhân, từng thành viên và tận dụng những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, những sáng tạo từ cơ sở, đảm bảo các giải pháp mang tính thực tiễn, khoa học cao. Kể cả những vấn đề chính sách, những tư vấn chuyên môn sâu, kể cả những vấn đề cụ thể cũng phải tập trung vào giải quyết. Tinh thần chỉ đạo là “không chờ nhau”, tránh tình trạng chờ đợi, chậm trễ giữa các bộ, ngành. Mỗi cơ quan, cá nhân cần chủ động triển khai nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Nghị quyết 57: Mỗi cơ quan, cá nhân chủ động triển khai với tinh thần trách nhiệm cao nhất
Cần nghiên cứu phương án quản lý tài chính hiệu quả hơn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. (Ảnh minh họa)

Tổng Bí thư yêu cầu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng phát động phong trào thi đua trong toàn hệ thống chính trị - xã hội về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Cùng với đó, cần nghiên cứu phương án quản lý tài chính hiệu quả hơn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Hiện nay, nhiều nhà khoa học mất đến 50% thời gian để xử lý các thủ tục hành chính, thanh toán chứng từ, thậm chí phải tìm cách hợp pháp hóa hóa đơn, gây lãng phí nguồn lực và làm giảm hiệu suất nghiên cứu. Do đó, cần có cơ chế linh hoạt hơn để các nhà khoa học có thể tập trung tối đa vào công tác chuyên môn.

Tổng Bí thư cũng lưu ý việc sắp xếp lại các tổ chức khoa học công nghệ, tập trung đầu tư trọng điểm phát triển các tổ chức nghiên cứu mạnh, có kế hoạch xây dựng đội ngũ nhà khoa học chất lượng cao, nhân tài khoa học công nghệ. Có cơ chế tập hợp, thu hút đội ngũ này để huy động sức mạnh, đóng góp cho sự phát triển.

Hội thảo khoa học Hội thảo khoa học "Tôn giáo qua các nền văn hoá": tôn trọng sự khác biệt, thúc đẩy hòa hợp
Ngày 11/3 tại Hà Nội, Viện Dân tộc và Tôn giáo thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Hội Việt - Mỹ (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam), Viện Liên kết Toàn cầu (Hoa Kỳ), Đại học Brigham Young (Hoa Kỳ) tổ chức hội thảo khoa học “Tôn giáo qua các nền văn hoá”.
Cách làm đổi mới sáng tạo của một số quốc gia trên thế giới Cách làm đổi mới sáng tạo của một số quốc gia trên thế giới
Đổi mới sáng tạo đang ngày càng khẳng định vai trò mấu chốt trong chiến lược phát triển của mọi quốc gia. Nhưng hầu như không có mẫu số chung cho bất cứ mô hình đổi mới sáng tạo nào để có thể áp dụng một cách cứng nhắc và khiên cưỡng lại đem về kết quả. Mỗi quốc gia phải tự tìm cho mình con đường để đổi mới sáng tạo phù hợp nhất với điều kiện riêng của mình.

Phương Anh (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nghi-quyet-57-moi-co-quan-ca-nhan-chu-dong-trien-khai-voi-tinh-than-trach-nhiem-cao-nhat-211258.html

In bài viết