15:56 | 22/02/2025
Theo tờ báo Tempo của Indonesia, Việt Nam được ghi nhận có tốc độ phục hồi du lịch đầy ngoạn mục sau đại dịch Covid-19, dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á. Năm 2024, Việt Nam đón gần 17,6 triệu lượt khách quốc tế, phục hồi 98% so với mức kỷ lục năm 2019, tức giai đoạn trước đại dịch. Con số ấn tượng này đã vượt qua các điểm đến nổi tiếng khác như Thái Lan, Singapore, Indonesia.
Tiếp theo sau Việt Nam là Malaysia ở vị trí thứ hai với tỷ lệ phục hồi là 94%, Thái Lan 88%, Singapore 86%, Indonesia 86% và Philippines 72%.
![]() |
Khách Ấn Độ ngồi đò tham quan Tràng An, Ninh Bình dịp Tết Nguyên đán. (Ảnh: Báo VnExpress) |
Tempo cho biết, sự tăng trưởng ấn tượng này liên quan trực tiếp đến chính sách thị thực cởi mở của chính phủ Việt Nam. Theo đó, Việt Nam hiện đang áp dụng cấp thị thực điện tử đối với công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và miễn thị thực cho công dân 13 nước, kéo dài thời hạn tạm trú lên 45 ngày, tăng 30 ngày so với quy định trước đó, có hiệu lực từ ngày 15/8/2023. Thêm vào đó, năm 2024, Chính phủ cũng cho ra mắt cổng thông tin cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài, giúp quy trình xin thị thực điện tử trở nên đơn giản, thuận tiện hơn đối với khách du lịch quốc tế.
Bên cạnh chính sách thị thực cởi mở, Tempo chỉ ra những lợi thế về thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, ẩm thực của Việt Nam. Tờ báo khẳng định, không chỉ là điểm đến lịch sử nổi tiếng thế giới, Việt Nam còn là điểm đến hấp dẫn với những kỳ quan thiên nhiên ngoạn mục, dấu ấn văn hóa đặc sắc và nền ẩm thực phong phú. Du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm ngược dòng thời gian khám phá dấu ấn lịch sử và vẻ đẹp hoài cổ của phố cổ Hội An (Quảng Nam), Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Địa đạo Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) hay Kinh thành Huế. Những tâm hồn yêu thiên nhiên có thể đắm mình trong vẻ đẹp quyến rũ của vịnh Hạ Long, khám phá Tam Cốc - Bích Động, quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) non nước hữu tình, chinh phục đỉnh Fansipan (Lào Cai) - nóc nhà Đông Dương, hay chiêm ngưỡng tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát và tận hưởng sự thanh tịnh trong không gian yên bình tại chùa Linh Ứng (Đà Nẵng)...
Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, du lịch Việt Nam kỳ vọng năm 2025 đón 22 - 23 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Năm 2024, ngoài việc tăng thu nhập cho đất nước, ngành du lịch cũng góp phần tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Để đạt được con số mục tiêu này, du lịch Việt Nam sẽ tập trung khai thác các thị trường trọng điểm, các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á, Bắc Mỹ, Ấn Độ và Trung Đông. Chiến lược được đặt ra giúp thu hút nhiều du khách quốc tế hơn đó là lựa chọn các thị trường tiềm năng, nhất là các thị trường được hưởng chính sách miễn thị thực, có kết nối hàng không thuận tiện, bên cạnh đó Việt Nam cũng sẽ tiếp tục cải thiện cơ sở dịch vụ phục vụ khách. Theo kế hoạch năm nay, Việt Nam sẽ tham gia các hội chợ, triển lãm xúc tiến du lịch hàng đầu thế giới nhằm quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp, thương hiệu du lịch Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Trao đổi trên báo Tuổi trẻ, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Vietravel cho rằng, để tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2025, ngành du lịch Việt Nam cần phát triển bền vững, thân thiện môi trường và áp dụng công nghệ số để giữ vững đà tăng trưởng. Cụ thể là số hóa hệ thống dữ liệu du lịch quốc gia, áp dụng AI và Big Data để cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng. Phát triển các nền tảng du lịch trực tuyến, hỗ trợ thông tin, đặt phòng, thanh toán và hướng dẫn du lịch tự động. Mở rộng thị trường du lịch quốc tế tiềm năng như Đông Bắc Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Ấn Độ; phát triển du lịch chất lượng cao như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện). Ngoài ra, cần cải thiện hạ tầng và dịch vụ du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và start-up du lịch, tăng cường hợp tác quốc tế và liên kết vùng; phát triển du lịch cộng đồng và nâng cao bản sắc văn hóa địa phương.
Còn đại diện Vietluxtour khuyến nghị cần tận dụng lợi thế nền tảng số, tăng quảng bá hình ảnh đất nước. Ngoài ra, đội ngũ nhân lực du lịch Việt Nam cần được "nâng hạng": đào tạo bài bản, kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp; năng lực chuyên môn mọi thứ chuẩn quốc tế.
Ngày 19/2, theo thông tin Trung tâm Thông tin, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, hiện Việt Nam đang là điểm đến có sức hút cao trên bản đồ du lịch thế giới. Kết quả trên được rút ra từ số liệu tổng hợp dữ liệu tìm kiếm trên Google trong thời gian gần 3 tháng vừa qua. Cụ thể, theo dữ liệu từ Google, lượng tìm kiếm quốc tế về cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam từ cuối tháng 11/2024 tới hết tháng 1/2025 tăng từ 15% - 30% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, trong nửa đầu tháng 2/2025, lượng tìm kiếm quốc tế các thông tin về du lịch Việt Nam tiếp tục tăng ở mức 30% - 45%. Trong số các quốc gia tìm kiếm nhiều nhất thông tin về du lịch Việt Nam, Hoa Kỳ đứng đầu bảng. Tiếp đến là nguồn tìm kiếm thông tin xuất phát từ: Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Vương quốc Anh, Canada, Đức và Malaysia. Những quốc gia trên đều là những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam ở các khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Theo thống kê, 10 điểm đến của Việt Nam được khách quốc tế tìm kiếm nhiều nhất theo thứ tự là: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Hội An, Đà Lạt, Phan Thiết, Huế và Vũng Tàu. |
Minh Thái (tổng hợp)