08:00 | 24/01/2025
Trong căn gác rộng chừng 30m2, ông Phong đang tỉ mỉ quét keo lên lớp giấy bồi đã được bọc quanh khung đầu rồng. Sau khi quét keo, ông lại cắt một lớp vải phi đỏ tỉ mỉ miết từng đoạn một, để lớp vải đỏ dính chắc với phần giấy trên khung. Xung quanh ông là la liệt nguyên liệu để làm nên đầu lân, rồng thủ công từ mây và tre, ngoài ra có vải mùng, giấy, lông...
![]() |
Nghệ nhân Trần Anh Phong. (Ảnh: Bảo Ngọc) |
Theo lời kể của ông Phong, lân, rồng... là những con vật tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng, hạnh phúc và khơi mở điềm lành. Múa lân, múa sư tử từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong dịp lễ, Tết của dân tộc. Người làm nghề không chỉ phải tỉ mỉ, khéo léo mà còn rất cần cái tâm, đặc biệt phải có năng khiếu hội họa cùng khả năng sáng tạo.
Để làm ra những chiếc đầu lân, sư, rồng, vật liệu cần thiết gồm: khung bằng mây, tre, giấy báo, hồ dán... Hồ dán được làm từ bột củ rong nấu chín. Giấy báo được đắp, bồi nhiều lớp. Ở ngoài cùng sẽ dùng loại giấy bản trắng để tiện cho việc vẽ tạo hình.
Những đầu lân, sư, rồng và thân của những con vật này đều được chế tác thủ công. "Công đoạn đầu tiên là đan tre thành khung, sau đó phất, bọc, trang trí. Trang trí là công đoạn đòi hỏi sự tập trung của người thợ và trải qua quá trình luyện tập lâu dài trước đó. Để vẽ linh vật đẹp phải hiểu được màu sắc, phối màu, loại linh vật. Trong đó vẽ mắt là công đoạn khó nhất, phải làm sao mỗi đôi mắt toát lên được thần thái riêng. Đôi mắt phải có hồn thì đầu lân, đầu rồng hay đầu sư tử mới đạt tiêu chuẩn", ông nói.
![]() |
Nghệ nhân Trần Anh Phong đang chế tác tại tầng 2 của ngôi nhà cổ. |
Mỗi chiếc đầu lân, rồng hay sư tử từ khâu thiết kế đến hoàn thiện phải tốn khoảng 5-10 ngày hoặc hơn, nên khách hàng muốn mua sản phẩm thường sẽ đặt hàng trước.
Trước đây, gia đình ông Phong chủ yếu chế tác đầu sư tử truyền thống. Ông Phong là đời thứ tư theo nghề. "Ngày nhỏ, đồ chơi của tôi là những chiếc đầu sư tử tự làm bằng giấy. Tôi bắt chước ông nội và bố làm đầu sư tử để chơi, nguyên liệu ít ỏi, khan hiếm, nhiều khi phải tước cả bao xác rắn ra để làm. Sau này, tôi mày mò học làm thêm cả đầu rồng, lân với hình dáng và màu sắc độc đáo lạ mắt để đáp ứng nhu cầu của thị trường", ông kể.
![]() |
Những đầu lân, sư tử luôn toát lên vẻ sống động có “hồn” của một linh vật, đây là nét đặc trưng trong sản phẩm của nghệ nhân Trần Anh Phong (Ảnh: Lê Việt Khánh) |
Nhiều năm gắn bó, nghề chế tác lân, sư, rồng... đã không chỉ là công việc mưu sinh của những nghệ nhân như ông Phong mà còn là nơi để họ gửi gắm tình yêu, cảm xúc của mình vào những nguyên vật liệu vốn vô tri, vô giác nhưng mang lại niềm vui cho con trẻ và cả người lớn mỗi dịp lễ, Tết.
![]() |
Hình dáng những đầu lân, sư, rồng qua các quy trình chế tác của nghệ nhân Trần Anh Phong (Ảnh: Bảo Ngọc) |
"Thế hệ trẻ giờ ít người thích và theo nghề này, nhưng tôi tin rằng những nét đẹp văn hóa sẽ không dễ gì mai một đi. Để tiếp tục bảo tồn và phát triển nghề chế tác lân, sư, rồng thủ công, đưa những giá trị này góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng, chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho những người quan tâm", ông Phong cho biết.
Bảo Ngọc