Vietnam’s Autism Project: Vẽ tương lai tươi sáng cho người tự kỷ

11:09 | 23/12/2024

Đối với các gia đình có con em mắc chứng tự kỷ, quá trình chăm sóc và đồng hành cùng các em luôn chất chứa vô vàn thử thách. Thấu hiểu những khó khăn đó, dự án "Mô hình Kinh tế cho người tự kỷ" (Vietnam's Autism Project) đã được khởi xướng, nhằm tạo ra một môi trường riêng cho người tự kỷ.
5 bà mẹ có con tự kỷ lập kênh podcast: để con phát triển một cách lành mạnh và công bằng
Bản hùng ca phố: Chuyện kể về Hà Nội từ ký ức, ánh sáng và âm nhạc

Tự kỷ hay còn gọi là “rối loạn phổ tự kỷ” (Autism Spectrum Disorder - ASD), là một nhóm những rối loạn phức tạp của phát triển não bộ. Những người bị chứng tự kỷ có thể gặp khó khăn trong việc học tập, giao tiếp và tương tác với xã hội.

Theo báo cáo mới nhất từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 100 trẻ em trên toàn cầu thì có 1 trẻ được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ. Tại Việt Nam, dù chưa có số liệu thống kê chính thức, các cơ sở y tế nhi khoa và chuyên khoa tâm thần ghi nhận sự gia tăng đáng kể số lượng trẻ có dấu hiệu tự kỷ đến thăm khám trong những năm gần đây.

Từ những trăn trở tới quyết định thành lập dự án

Nhận thức được những khó khăn mà các bạn trẻ mắc chứng tự kỷ phải đối mặt, anh Nguyễn Đức Trung - nhà sáng lập và điều hành Dự án Vietnam Autism Project (VAPs) đã xây dựng những mô hình kinh tế sáng tạo nhằm tạo cơ hội việc làm cho người tự kỷ tại Việt Nam. Chia sẻ về khởi nguồn của dự án, anh Trung cho biết: “Khi tôi xây dựng các mô hình kinh tế dành cho người tự kỷ, thực sự đó là một cái duyên tình cờ. Khi tiếp xúc với các bạn tự kỷ, tôi mới đặt câu hỏi: Những người mắc chứng tự kỷ, sau này họ sẽ như thế nào, đặc biệt là khi bố mẹ các bạn ấy mất?”. Từ những trăn trở đó, anh bắt đầu nghiên cứu sâu về giáo dục, tâm lý và nhu cầu của người tự kỷ, nhằm triển khai mô hình kinh tế hỗ trợ họ.

Anh Nguyễn Đức Trung - nhà sáng lập và điều hành dự án VAPs (Ảnh: Hiểu Linh)
Anh Nguyễn Đức Trung - nhà sáng lập và điều hành dự án VAPs (Ảnh: Hiểu Linh)

Sau nhiều năm nghiên cứu về tự kỷ trên toàn cầu, anh Trung nhận thấy người tự kỷ tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn đặc thù. Anh đã đi khắp các vùng miền, từ Ninh Bình đến Đắk Lắk, Lâm Đồng, gặp gỡ các gia đình có con tự kỷ để lắng nghe và thấu hiểu, “Khi lắng nghe càng nhiều, kiến thức và chiều sâu trong lĩnh vực ngày càng tốt hơn”. Từ đó, anh quyết định tập trung vào việc tạo cơ hội nghề nghiệp và lao động cho người tự kỷ, xây dựng mô hình kinh tế bền vững để hỗ trợ họ hòa nhập cộng đồng.

Những nhân sự đặc biệt của “doanh nghiệp hạnh phúc”

Hiện tại, mô hình kinh tế của VAPs bao gồm nhà hàng, siêu thị và hiệu sách, được vận hành bởi những người tự kỷ. Các công việc tại đây được thiết kế linh hoạt, phù hợp với khả năng và sở thích của từng cá nhân, nhằm giúp các bạn phát huy tối đa năng lực của mình. Dự án được triển khai trong một căn nhà ba tầng, mỗi tầng là một mô hình khác nhau, lần lượt là siêu thị mini, nhà hàng và thư viện sách. Ba tầng với ba chức năng riêng nhưng cùng chung mục tiêu tạo nên một cộng đồng thân thiện, nơi giá trị tích cực được lan tỏa mạnh mẽ.

Mô hình thư viện - hiệu sách với không gian mở và được phục vụ bởi những người tự kỷ tại VAPs (Ảnh: Hiểu Linh)
Mô hình thư viện - hiệu sách với không gian mở và được phục vụ bởi những người tự kỷ tại VAPs (Ảnh: Hiểu Linh)

Chia sẻ về quãng thời gian làm việc tại đây, bạn Quang Anh (21 tuổi) - một trong những nhân viên hoạt bát nhất của dự án cho biết: “Điều khiến Quang Anh tự hào nhất về bản thân là dù có những lúc công việc áp lực và vất vả, mình vẫn hòa đồng với mọi người. Không ai bỏ rơi Quang Anh, mọi người luôn giúp mình cởi mở hơn, sống vui vẻ và biết trân trọng cuộc sống nhiều hơn ạ.”

Tương tự như người bạn thân của mình, Hoàng Lâm (19 tuổi) cũng chia sẻ về niềm tự hào lớn nhất của bản thân: “Điều khiến mình hạnh phúc là có thể mang niềm vui đến cho người khác. Bố mẹ mình cũng thấy tự hào khi mình có thể tự kiếm được một chút thu nhập.”

Hoàng Lâm và Quang Anh - đôi bạn “như hình với bóng” hiện đang làm việc tại dự án VAPs (Ảnh: Hiểu Linh)
Hoàng Lâm và Quang Anh - đôi bạn “như hình với bóng” hiện đang làm việc tại dự án VAPs (Ảnh: Hiểu Linh)

Bên cạnh đội ngũ nhân viên quen thuộc, dự án còn chào đón một nhân vật đặc biệt: một phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ với mong muốn tìm hiểu sâu hơn về cách thức hỗ trợ và đồng hành cùng con trong hành trình phát triển. Đó là chị Dương - một người mẹ có con trai 7 tuổi mắc chứng tự kỷ, hiện đang “học việc” tại dự án. Trong hành trình đầy hy vọng và kiên trì, chị Dương đã chia sẻ câu chuyện cá nhân và sự quyết tâm của mình trong việc hỗ trợ sự phát triển của con. “Ban đầu, tôi chỉ nhận thấy một số dấu hiệu như con chậm nói và khó khăn trong việc giao tiếp. Tôi nghĩ con chỉ hơi chậm so với các bạn đồng trang lứa, nhưng đến 20 tháng tuổi, một người bạn khuyên tôi nên đưa con đi khám, và đó là lúc chúng tôi phát hiện ra con mắc chứng tự kỷ.”, chị chia sẻ.

Chị Dương - phụ huynh có con trai mắc chứng tự kỷ chia sẻ về cơ duyên được biết tới và làm việc tại VAPs (Ảnh: Hiểu Linh)
Chị Dương - phụ huynh có con trai mắc chứng tự kỷ chia sẻ về cơ duyên được biết tới và làm việc tại VAPs (Ảnh: Hiểu Linh)

Khi được hỏi lý do vì sao lại lựa chọn tham gia vào dự án VAPs, chị Dương cho biết động lực của chị xuất phát từ mong muốn tìm kiếm sự hỗ trợ tốt nhất cho con mình. Mặc dù ban đầu còn nhiều hoài nghi, nhưng chị đã tìm thấy hy vọng và hướng đi rõ ràng thông qua mô hình can thiệp đầy sáng tạo của dự án. Đối với chị, đây không chỉ là việc dạy con những kỹ năng cơ bản mà còn là sự hình dung về một cuộc sống nơi trẻ em tự kỷ có thể phát triển, giao tiếp và xây dựng tương lai đầy hứa hẹn trong xã hội.

Chị Dương cũng chia sẻ về những khó khăn mà người tự kỷ phải đối mặt, đặc biệt là trong việc giao tiếp và hòa nhập xã hội. “Khi các bạn tự kỷ không thể giao tiếp được, họ gặp thất bại, và khi thất bại quá nhiều, các bạn ấy sẽ tự thu mình lại. Chính vì vậy, việc can thiệp và tạo cơ hội để các bạn ấy hòa nhập với cộng đồng là vô cùng quan trọng.” chị Dương cho biết.

Kỳ vọng về một xã hội hòa nhập hơn cho người tự kỷ

Trong suốt gần một thập kỷ hoạt động, VAPs đã đối mặt với không ít khó khăn. Có những bạn nhân viên đã đập phá đồ đạc, phá hoại tài sản, thậm chí gây tổn thương cho chính mình và người khác. Để khắc phục, anh Trung và đội ngũ đã thiết kế các chương trình đào tạo cá nhân hóa, phù hợp với từng người. Các kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và cả kỹ năng chuyên môn đều được lồng ghép vào từng giai đoạn đào tạo.

Anh Xuân Tùng - người mắc chứng tự kỷ hiện đang làm việc tại VAPs tổng kết sổ sách cuối ca làm (Ảnh: Thanh An)
Anh Xuân Tùng - người mắc chứng tự kỷ hiện đang làm việc tại VAPs tổng kết sổ sách cuối ca làm (Ảnh: Thanh An)

Theo anh Trung, người tự kỷ tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn so với các nước phát triển do thiếu các nguồn lực chuyên môn, đội ngũ nhân sự đào tạo bài bản và môi trường hỗ trợ chuyên sâu. Bên cạnh đó, khác biệt về môi trường sống, giáo dục và nhận thức xã hội cũng là một rào cản lớn. “Ở nước ngoài, các tập đoàn lớn đã có nền tảng vững chắc từ hàng chục năm, trong khi tại Việt Nam, chúng tôi phải xây dựng từ con số không.” anh Trung tâm sự.

Dù đối mặt với vô số thử thách, VAPs đã gặt hái được nhiều thành quả nhờ tinh thần đoàn kết của cả đội ngũ, phụ huynh và chính người tự kỷ. Anh khẳng định dự án VAPs luôn đặt kỷ luật lên hàng đầu, từ giờ giấc làm việc đến cách ứng xử với khách hàng. “Hồi đầu, không ai tin chúng tôi có thể vận hành một nhà hàng với nhân viên là người tự kỷ. Nhưng giờ đây, kết quả đã chứng minh rằng không gì là không thể nếu có ý chí và nỗ lực.”, anh tự hào chia sẻ.

Anh Trung không chỉ mong muốn duy trì các mô hình hiện tại mà còn đặt mục tiêu nhân rộng ra nhiều địa phương và quốc gia khác. Đối với anh, dự án này không chỉ đơn thuần là kinh doanh mà còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Anh nhấn mạnh vào việc muốn lan tỏa thông điệp rằng người tự kỷ cũng có khả năng và giá trị của riêng họ. Với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của các mô hình kinh tế hòa nhập, anh Trung tin rằng xu hướng này sẽ góp phần thay đổi thị trường lao động tại Việt Nam: “Đây là một bước đi dài hạn, cần sự đồng hành của cả xã hội. Nhưng nếu chúng ta cùng nhau cố gắng, tôi tin rằng tương lai sẽ tươi sáng hơn cho người tự kỷ tại Việt Nam”.

Quảng Trị và Ubon Ratchathani: quyết tâm, thiện chí tăng cường quan hệ từ ký kết hợp tác Quảng Trị và Ubon Ratchathani: quyết tâm, thiện chí tăng cường quan hệ từ ký kết hợp tác
Malaysia tổ chức lễ hội âm nhạc dành cho nghệ sĩ là người khuyết tật Malaysia tổ chức lễ hội âm nhạc dành cho nghệ sĩ là người khuyết tật

Thanh An - Hiểu Linh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/vietnams-autism-project-ve-tuong-lai-tuoi-sang-cho-nguoi-tu-ky-208938.html

In bài viết