Ngôi nhà thứ hai của lưu học sinh Lào tại Đà Nẵng

07:25 | 11/12/2023

Thông qua chương trình "Ở nhà dân" (homestay), nhiều quan hệ kết nghĩa bố mẹ - con, anh - chị - em Việt - Lào được hình thành, là hạt nhân nuôi dưỡng và phát triển quan hệ khăng khít giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào anh em.
Trường Hữu nghị T78: Cầu nối gắn kết tình đoàn kết, hữu nghị Lào - Việt
Hà Tĩnh ban hành Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ đào tạo lưu học sinh Lào

Ngày 10/12, UBND quận Hải Châu (thành phố Đà Nẵng) tổ chức ngày hội “Kết nối vòng tay bè bạn” và tổng kết chương trình “Ở nhà dân” (homestay) dành cho sinh viên Lào năm 2023 trên địa bàn quận.

Tại chương trình, các sinh viên Lào, Việt Nam cùng tham gia các trò chơi dân gian, múa sạp, giao lưu ẩm thực Việt - Lào… Tổng Lãnh sự quán Lào tại thành phố Đà Nẵng trao giấy khen cho UBND quận Hải Châu. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố trao giấy chứng nhận cho 13 hộ gia đình, chùa Tam Bảo và 20 sinh viên Lào tham gia chương trình homestay năm 2023.

Hai tuần ở nhà dân giúp các sinh viên Lào trau dồi thêm tiếng Việt, tiếp xúc học hỏi phong tục, tập quán và đời sống của người Việt Nam nói chung, người dân thành phố Đà Nẵng nói riêng. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên quận, các hội đoàn thể và UBND 13 phường thuộc quận Hải Châu cũng tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, góp phần kết nối, thắt chặt tình hữu nghị tốt đẹp giữa nhân dân trên địa bàn quận và sinh viên Lào.

Năm nay có 147 sinh viên Lào đang học tập tại các trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tham gia chương trình homestay kéo dài từ ngày 26/11 đến 10/12. Tùy theo điều kiện mỗi gia đình, mỗi em được bố trí phòng riêng để sinh hoạt cá nhân và cùng sử dụng không gian chung với gia đình - là những người bố, người mẹ thứ hai tại đây.

Ba con gái người Lào được mẹ Trần Thị Lan Thành hướng dẫn làm món ăn Việt - Ảnh: VGP/Minh Trang
Ba con gái người Lào được bà Trần Thị Lan Thành hướng dẫn làm món ăn Việt. (Ảnh: VGP)

Xaisomphou Khaikeo (tên Việt Nam là Ngọc Lan, sinh viên trường Đại học Duy Tân) cùng với hai người bạn Lào về ở nhà bà Trần Thị Lan Thành (phường An Khê, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng). Xaisomphou Khaikeo kể: "Những ngày ở với ba mẹ, mẹ hướng dẫn cho làm nhiều món Việt truyền thống và sau vài ngày em đã biết tự tay nấu nhiều món ăn Việt. Mỗi ngày, chúng em cũng được các anh chị Đoàn Thanh niên hoặc ba đưa đón đi học. Rồi còn được dẫn đi thăm hàng xóm, được tặng quà, áo dài truyền thống người Việt Nam".

Cô cho biết, đến Việt Nam theo học và có khoảng thời gian được ở cùng với gia đình người Việt thực sự rất có ý nghĩa. Xa nhà nhưng học sinh, sinh viên Lào cảm nhận được tình cảm đầm ấm của các cô chú, ba mẹ Việt Nam và hiểu sâu sắc hơn về phong tục tập quán Việt Nam.

Trao đổi với báo chí, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Bình cho biết: chương trình homestay dành cho sinh viên Lào được tổ chức từ năm 2011 đến nay. Mỗi năm, có khoảng 100 em tham gia, qua đó có rất nhiều quan hệ kết nghĩa bố mẹ - con, anh chị em Việt - Lào được hình thành, là hạt nhân nuôi dưỡng và phát triển quan hệ khăng khít giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào anh em.

“Chương trình homestay góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung, giữa thành phố Đà Nẵng với các địa phương Lào nói riêng. Trong thời gian tới, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố sẽ tích cực vận động, phối hợp với các đơn vị để tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, trau dồi ngôn ngữ tiếng Việt dành cho sinh viên Lào”, ông Bình nói.

Thống kê cho thấy những năm qua Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và Hội hữu nghị Việt Nam - Lào thành phố Đà Nẵng đã trực tiếp vận động được hàng chục tỷ đồng học bổng dành cho sinh viên Lào theo học tại các trường đại học trên địa bàn thành phố; duy trì hợp tác và ghi nhớ với 7 địa phương của Lào như: Thủ đô Vientiane, tỉnh Xaynhaburi, Savannakhet, Champasak, Sekong, Salavan và Attapeu.

Giai đoạn 2023 - 2027, Đà Nẵng tiếp tục duy trì chương trình học bổng cho cán bộ, lưu học sinh Lào, bao gồm các bậc nghiên cứu sinh, cao học, đại học; thống nhất tiêu chuẩn tiếp nhận, thông báo các ngành học, thời gian nhập học, thủ tục nhập học, kinh phí, ký túc xá, đón tiếp, hỗ trợ học viên… để thông báo cho các tỉnh nhằm tuyển chọn và triển khai hiệu quả, chất lượng chương trình này; triển khai chương trình hợp tác dạy tiếng Việt và hỗ trợ trang thiết bị cho các trung tâm tiếng Việt tại 5 tỉnh Nam, Trung Lào.

Quảng Trị hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho nước bạn Lào Quảng Trị hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho nước bạn Lào
Lưu học sinh Lào dưới mái ấm gia đình Việt Lưu học sinh Lào dưới mái ấm gia đình Việt

Minh Thái (T/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/ngoi-nha-thu-hai-cua-luu-hoc-sinh-lao-tai-da-nang-194257.html

In bài viết