Hãy là những người bạn để các em gái có thể chia sẻ những khó khăn

10:01 | 10/10/2023

Câu chuyện của cô giáo Sải Thị Chúc, dân tộc Nùng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang đã truyền cảm hứng về tầm quan trọng của việc học đối với cuộc sống của chúng ta.
"Việt Nam có thể chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu cho các nước ASEAN"
Phiên chợ 0 đồng chia sẻ khó khăn với gần 1.000 trẻ em Mù Cang Chải (Yên Bái)
Hãy là những người bạn để các em gái có thể chia sẻ những khó khăn

Cô giáo Sải Thị Chúc (dân tộc Nùng)

Trường PTDTBT TH&THCS Bản Máy, Hoàng Su Phì, Hà Giang (Ảnh: UNESCO Việt Nam).

Thời Đại xin chia sẻ câu chuyện của cô giáo Sải Thị Chúc, dân tộc Nùng, giáo viên Trường Phổ thông DTBT TH&THCS Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Cô Chúc từng rơi vào định kiến con gái học làm gì nhiều, lấy chồng sinh con là được rồi. Nhưng với nghị lực thay đổi cuộc sống cùng với sự động viên của bố, cô Chúc đã thực hiện được ước mơ của mình. Giờ đây, cô bé Chúc ngày nào đã trở thành cô giáo vùng cao, ngày ngày gieo ước mơ cho những cô cậu học trò với hoài bão vượt ra khỏi bản làng.

“Vốn sinh ra từ bản làng, chính tôi cũng là nạn nhân của định kiến phân biệt giới tính nên tôi hiểu rõ tâm lí của người dân và học sinh nơi đây. Khó khăn chồng chất khó khăn, cái nghèo vẫn luôn đeo bám họ. Thấu hiểu những khó khăn đó, tôi đã tích cực đến từng nhà, chia sẻ những điều tôi biết, về chính câu chuyện của tôi để Nhân dân quê tôi hiểu được sự quan trọng của việc học” cô giáo Sải Thị Chúc chia sẻ.

Tôi cũng như bao đứa trẻ khác ở quê, sinh ra trong một gia đình ở vùng thôn quê với biết bao gian khó. Bố mẹ tôi sinh được 2 cô con gái. Đối với dân tộc Nùng, việc không có con trai là một sự xấu hổ với dòng họ, sau này không ai thờ cúng tổ tiên, coi như gia đình mất người nối dõi. Tôi cũng chính là nạn nhân của sự kỳ thị, sự hắt hủi trong mắt mọi người. Khi đó tôi còn nhỏ, chưa hiểu chuyện nên cũng không quan tâm.

Tôi may mắn tôi có người bố tuyệt vời, bố luôn bên tôi khi tôi bị chúng bạn trêu chọc là vịt giời. Khi tôi hết cấp 2 với biết bao ấp ủ, khát khao được đi học cũng là lúc tôi rơi xuống vực sâu của sự tuyệt vọng. Ngày ấy, người dân quê tôi vẫn luôn cho rằng con gái là con nhà người ta, nuôi đi học chỉ tốn tiền, mẹ tôi cũng đã muốn cho tôi nghỉ học ở nhà, đợi lớn hơn rồi gả đi về nhà chồng. Lúc ấy đối với tôi giống như thế giới đang khép lại. Tôi sợ hãi khi ở chính trong ngôi nhà của mình, sợ hãi khi đối diện với bố mẹ. Thế nhưng bố lại là người thay tôi chống lại những định kiến của xã hội và gia đình, giúp tôi thay đổi vận mệnh của cuộc đời mình.

Ngày ấy bố giấu cả gia đình đăng ký để tôi thi vào trường Nội trú huyện để học. May mắn tôi đã được lựa chọn. Ngày tôi bước chân vào ngôi trường nội trú, họ hàng nói với gia đình tôi nói rằng: “Tôi chống mắt lên xem, con gái nhà này đi học sẽ làm được gì, chẳng mấy mà hư hỏng thôi”. Tôi chỉ thấy mẹ lặng im, bố lặng lẽ cầm túi đồ dắt tay tôi đi ra khỏi con đường làng thân thuộc, không xe nên bố con tôi phải đi bộ mất 20 cây số (20km) mới đến được trường để nhập học. Từ đấy cuộc sống tôi bước sang một trang mới. Tôi đã lấy những ánh mắt dò xét, những câu nói hắt hủi, trêu ghẹo của mọi người làm động lực để phấn đấu mỗi ngày. Sau khi tốt nghiệp cấp 2, những người bạn thời chăn trâu của tôi lần lượt lấy vợ, lấy chồng hết. Thấy những người bạn của mình không thể chống nổi những thành kiến lạc hậu của dân tộc mình, tôi đã quyết tâm sẽ thay đổi suy nghĩ của người dân quê mình. Từ đó tôi ấp ủ ước mơ trở thành một người thầy, đem con chữ, sự hiểu biết về quê hương, giúp cho người dân quê tôi thay đổi suy nghĩ, giúp những đứa trẻ tội nghiệp, đặc biệt là trẻ em gái không phải chịu nạn tảo hôn và được đến trường.

Sự cố gắng, nỗ lực của tôi cũng được đền đáp xứng đáng. Ra trường với tấm bằng Khá, tôi xin về quê nhà để công tác và phát triển sự nghiệp. Vốn sinh ra từ bản làng, từ những định kiến của xã hội, chính tôi cũng là nạn nhân của định kiến đó nên tôi hiểu rõ tâm lí của người dân và học sinh nơi đây. Khó khăn chồng chất khó khăn, cái nghèo vẫn luôn đeo bám họ. Chính vì vậy những đứa trẻ ở đây không được đến trường thường xuyên, các em gái còn bận theo mẹ lên nương làm việc, con trai được chiều chuộng hơn nên được đến trường.

Thấu hiểu những khó khăn đó, là một người con dân tộc Nùng, tôi đã tích cực đến từng nhà, chia sẻ những điều tôi biết, về chính câu chuyện của tôi để nhân dân quê tôi hiểu được sự quan trọng của việc học. Con trai hay con gái đều cần được quan tâm như nhau và được bố mẹ tôn trọng. Đặc biệt quê tôi 100% đều là DTTS nên trình độ hiểu biết còn thấp. Nhưng dần dần bằng những chia sẻ thật lòng, những ví dụ xác thực, minh chứng từ chính tôi, bố mẹ các em đã cởi mở hơn với thầy cô và với những đứa con của mình, có cách nhìn nhận đúng đắn hơn về quyền của các con.

Là một người cô, người chị, tôi thường xuyên trao đổi với các em về sức khỏe, giới tính, về học tập, về vấn đề giới, để từ đó tôi lắng nghe, hiểu hơn về các em và có hướng giúp đỡ khi các em gặp phải khó khăn trong cuộc sống. Là một người dân tộc thiểu số, sinh ra ở vùng quê nghèo với rất nhiều những phong tục còn lạc hậu nên tôi thấu hiểu được những khó khăn, phong tục mà các trẻ em gái phải đối mặt.

“Mong muốn lớn nhất không chỉ của riêng tôi mà cả nhà trường, đó là các em gái có cơ hội được đến trường học tập, được phát triển năng lực cá nhân, được tham gia các hoạt động có ích cùng cộng đồng… không chỉ có nam giới mà nữ giới cũng sẽ tham gia vào các công việc xã hội nhiều hơn, tích cực hơn để tạo nên một cuộc sống cân bằng, ổn định”.

"Công nghệ chưa thể tạo ra máu, nhưng tình người có thể giúp những người đang cần máu"

Gặp mặt những người hiến máu tình nguyện tiêu biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, khoa học, công nghệ ngày hôm nay chưa đủ khả năng để tạo ra máu, nhưng tình người có thể giúp những người đang cần máu.

Câu chuyện của những cô gái trẻ vùng cao bị lừa bán sang xứ người

Câu chuyện của những cô gái trẻ vùng cao bị lừa bán sang xứ người

Có một thực tế, chỉ vì muốn thoát khỏi cảnh nghèo khó, có cuộc sống tốt hơn, muốn kiếm được nhiều tiền để thay đổi cuộc sống, nhiều cô gái trẻ vùng cao đã tin vào lời hứa hẹn về một công việc tốt, để rồi từ đó từng bước sa chân vào cái bẫy của bọn buôn người.

Anh Vũ (T/H)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/hay-la-nhung-nguoi-ban-de-cac-em-gai-co-the-chia-se-nhung-kho-khan-192026.html

In bài viết