Nâng cao vai trò làm chủ kinh tế của phụ nữ dân tộc Hà Giang

14:51 | 07/10/2023

Dự án AWEEV đã góp phần tăng cường thúc đẩy các quyền về kinh tế, đặc biệt cho phụ nữ nông thôn nghèo và dân tộc thiểu số ở Việt Nam; tăng cường sự tham gia của phụ nữ nông thôn nghèo và dân tộc thiểu số vào các hoạt động kinh tế có thu nhập.
Khám phá nét ẩm thực dân tộc tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam
Điện Biên: Chủ động đấu tranh với các hoạt động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc

Vừa qua, Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam phối hợp với UBND Tỉnh Hà Giang đã tổ chức chuyến thăm và làm việc, đánh giá các hoạt động trong năm thứ hai và lập kế hoạch hoạt động năm thứ ba của dự án “Nâng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam – AWEEV”.

Dự án AWEEV được chính phủ Canada tài trợ từ tháng 9/2021 tại huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, với mong muốn giúp phụ nữ vùng dân tộc thiểu số được làm việc tạo thu nhập, tham gia quyết định kinh tế hộ gia đình. Dự án đã tác động hỗ trợ các điểm trường mầm non, cung cấp trang thiết bị giảm làm việc nhà để phụ nữ yên tâm gửi con và có nhiều thời gian hơn để tham gia làm kinh tế hộ gia đình và các hoạt động xã hội.

Nâng cao vai trò làm chủ kinh tế của phụ nữ dân tộc Hà Giang
Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil giao lưu cùng các em nhỏ. Ảnh: CARE

Đoàn đã tới thăm một số hoạt động, mô hình nổi bật trong dự án AWEEV. Trong đó, đoàn đã đến thăm điểm trường mầm non thôn Thượng Sơn.

Được biết, trước năm 2023, hơn 30 em nhỏ phải học trong hai phòng đã xuống cấp tại điểm trường mầm non thôn Thượng Sơn. Trường cũng không tổ chức được ăn trưa do điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng, khiến người nhà, chủ yếu là mẹ các em phải dành nhiều thời gian cho bốn lượt đưa đón.

Để góp phần giảm nhẹ gánh nặng này, dự án AWEEV đã hỗ trợ nhà trường cải tạo các lớp học và trang thiết bị phục vụ hoạt động ăn bán trú. Giờ đây, cha mẹ của 45 trẻ có thể yên tâm các em được học và chơi an toàn, thoải mái tại trường, có bữa trưa đầy đủ dinh dưỡng mà lại không tốn nhiều công sức, thời gian đưa đón.

Nâng cao vai trò làm chủ kinh tế của phụ nữ dân tộc Hà Giang
Giải bóng đá nữ "Đá bay định kiến" tạo ra không gian an toàn để phụ nữ có thể chơi thể thao, giao lưu kết bạn và trở nên tự tin hơn. Ảnh: CARE

Lấy thể thao làm đòn bẩy

Đoàn cũng tham dự và cổ vũ cho Giải bóng đá nữ "Đá bay định kiến" của phụ nữ xã Yên Thành, huyện Quang Bình được tổ chức trong khuôn khổ dự án của CARE. Thông qua những giải đấu này, CARE thách thức những định kiến giới và thúc đẩy chia sẻ việc nhà và việc chăm sóc không được trả công trong các cộng đồng.

Dọc các con đường dẫn vào sân bóng trên bãi đất trống của xã Yên Thành là những băng-rôn “Ở nhà là nông dân, lên sân thành cầu thủ”, “Cùng làm việc nhà, tránh xa bạo lực”, báo hiệu cho không khí rộn ràng của giải bóng “Đá bay định kiến”.

Nâng cao vai trò làm chủ kinh tế của phụ nữ dân tộc Hà Giang
Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil cùng thành viên trong đoàn cổ vũ cho các cầu thủ nữ. Ảnh: CARE

Một nghiên cứu của Tổ chức CARE tại các cộng đồng dân tộc thiểu số vào năm 2021 cho thấy phụ nữ dân tộc thiểu số phải dành khoảng 5 giờ mỗi ngày cho công việc chăm sóc không được trả công, gần gấp đôi so với nam giới.

Nếu không đá bóng, có thể những nữ cầu thủ đang nấu cơm, cho vật nuôi ăn hay trông con. Nhưng khi họ đang hết mình với trái bóng thì những người đàn ông trong gia đình cũng sẵn sàng đảm nhận những công việc ấy. Không chỉ nhận thêm phần việc nhà, những người chồng còn theo sát để hướng dẫn, cổ vũ bên sân cùng con, thậm chí còn vào sân nâng váy giúp vợ khi những nữ cầu thủ chơi bóng với trang phục truyền thống.

Từ những hỗ trợ của dự án, thời gian nam giới dành cho chăm sóc gia đình, làm việc nhà đã tăng từ 2,9 lên 3,4 giờ mỗi ngày, thời gian phụ nữ dành cho các hoạt động kinh tế/tạo thu nhập tăng từ 8,2 lên 11,1 giờ mỗi ngày.

Giúp phụ nữ được làm việc tạo thu nhập

Bên cạnh việc tăng cường thúc đẩy các quyền về kinh tế, đặc biệt cho phụ nữ nông thôn nghèo và dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Dự án AWEEV còn góp phần tăng cường sự tham gia của phụ nữ nông thôn nghèo và dân tộc thiểu số vào các hoạt động kinh tế có thu nhập.

Nâng cao vai trò làm chủ kinh tế của phụ nữ dân tộc Hà Giang
Đoàn thăm một cơ sở thu mua, sản xuất và chế biến trà tại thông Thượng Bình, xã Yên Thành. Ảnh: CARE

Ấp ủ trong mình giấc mơ làm trà từ lâu, chị Hủng Thị Dạng, một người phụ nữ Pà Thẻn luôn chăm chỉ, nỗ lực để đạt được mong mỏi ấy. Hiểu rõ những thế mạnh và khó khăn của việc sản xuất trà tại địa phương, Dạng đã kêu gọi những người xung quanh cùng cô mở xưởng trà. Cùng với đó, chị Dạng cũng cùng hơn 20 phụ nữ khác trong thôn lập nên nhóm tài chính tự quản VSLA để các thành viên có thể vay vốn sản xuất.

Thông qua hợp phần hỗ trợ các mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ của dự án AWEEV, hoạt động xưởng trà trở nên thuận lợi hơn, chất lượng trà sản xuất ra cũng tốt hơn.

Khi được Đại sứ Canada hỏi về thu nhập, chị Dạng tự hào trả lời: “Tất nhiên những điều này đã giúp thu nhập của em tăng lên, nhưng em vui nhất là khi thu nhập của những phụ nữ trong thôn cũng tăng và sản xuất trà có thể trở thành sinh kế bền vững cho mọi người.”

Trong chương trình làm việc, ngoài chuyến thăm tới địa bàn dự án, tham gia một số hoạt động thực tế tại địa phương, đoàn công tác đã chia sẻ các kết quả hoạt động trong năm thứ hai và đề ra phương hướng, kế hoạch cụ thể cho năm thứ ba của dự án, tập trung các hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế do phụ nữ làm chủ, thúc đẩy các thực hành sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao tiếng nói, sự đại diện của phụ nữ trong các hoạt động kinh tế.

Tại Hà Giang, dự án AWEEV được triển khai tại 6 xã, thị trấn của huyện Quang Bình với mục tiêu cải thiện đời sống kinh tế cho phụ nữ nông thôn nghèo, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số.

Tính đến cuối tháng 5/2023, dự án đã hỗ 6 tổ nhóm với sự tham gia của 150 phụ nữ dân tộc thiểu số thực hiện mô hình sinh kế nuôi gà, lợn, dê và trồng lạc. Hiện nay, các mô hình sinh kế đang được người dân đón nhận và phát triển tốt, góp phần cải thiện thu nhập, kinh tế hộ gia đình.

Trong năm 2022, dự án thực hiện 6 mô hình tại 23 thôn/6 xã. Tháng 6/2023, tiếp tục khảo sát thêm 8 mô hình sinh kế mới, mở rộng thêm 2 thôn của xã Yên Thành và Tiên Nguyên.

Ngoài ra, dự án đã hỗ trợ cải tạo, nâng cấp các lớp học bán trú, cung cấp thiết bị, dụng cụ phục vụ học sinh ăn uống, ngủ trưa tại 10 điểm trường mầm non với 540 học sinh; hỗ trợ và cung cấp 573 máy thái rau, cỏ, chuẩn bị thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Những người Những người "giữ lửa" nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc S’tiêng
Việt Nam và Indonesia trao đổi kinh nghiệm đoàn kết dân tộc, tôn giáo Việt Nam và Indonesia trao đổi kinh nghiệm đoàn kết dân tộc, tôn giáo

Ngọc Ánh (T/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nang-cao-vai-tro-lam-chu-kinh-te-cua-phu-nu-dan-toc-ha-giang-191946.html

In bài viết