Đào tạo nhân lực – yếu tố then chốt trong hợp tác y tế giữa Việt Nam và Liên bang Nga

06:45 | 05/10/2023

Đây là nhận xét của lãnh đạo các trường đại học Nga và chuyên gia y tế Việt Nam tại Diễn đàn học viên nước ngoài tốt nghiệp các trường đại học Liên Xô (trước đây) và Liên bang Nga (ngày nay). Sự kiện do Cơ quan hợp tác Liên bang Nga tổ chức tại Hà Nội, ngày 3-4/10.
Tăng sức trẻ trong xây dựng quan hệ hữu nghị Việt - Nga
Nhiều cơ hội, tiềm năng phát triển giáo dục ​​Liên bang Nga - Việt Nam

Đào tạo nhân lực – yếu tố then chốt trong hợp tác y tế giữa Việt Nam và Liên bang Nga
Các đại biểu chụp hình lưu niệm. Ảnh: Hoàng Yến

Tham dự sự kiện có gần 200 đại biểu đến từ 14 quốc gia là quan chức cấp cao, cán bộ, nhân viên của các tổ chức giáo dục đại học, đại diện các bộ ngành cũng như ban chấp hành hội cựu học viên Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Campuchia, Trung Quốc, Lào, Malaysia…

Đại học Y khoa quốc gia Stavropol được thành lập vào năm 1938, là một tổ chức giáo dục chuyên biệt theo hướng y khoa chuyên đào tạo các chuyên gia có trình độ trong các lĩnh vực có liên quan đến y tế và chăm sóc sức khỏe. Trường bao gồm 4 khoa giáo dục cơ bản: Khoa Y đa khoa, Nhi khoa, Nha khoa, Khoa Giáo dục Nhân văn và Y sinh.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Thời Đại, TSKH Y tế Victor Mazharow, Hiệu trưởng Đại học Y khoa quốc gia Stavropol thuộc Bộ Y tế Liên bang Nga cho biết, các chương trình đào tạo của trường được giảng dạy bằng tiếng Nga và tiếng Anh. Ngay từ năm nhất, sinh viên Đại học Y khoa quốc gia Stavropol ngoài lý thuyết còn dần có được những kỹ năng thực hành cho nghề nghiệp tương lai của mình. Tại Trung tâm Kỹ năng thực hành của trường, sinh viên được thao tác trực tiếp trên mô hình mô phỏng thực tế.

Theo ông Victor Mazharow, trong thời gian tới, trường sẽ thảo luận với các cơ sở đào tạo ngành y tại Việt Nam để ký kết thoả thuận hợp tác. Dự kiến, sẽ tổ chức nhiều hoạt động trao đổi sinh viên và giảng viên.

“Đại học Y khoa quốc gia Stavropol đã ký kết thoả thuận hợp tác với 387 cơ sở khám chữa bệnh về đào tạo nhân lực y tế. Hy vọng, trong thời gian tới, sinh viên, cán bộ y tế Việt Nam sẽ tới học tập tại trường chúng tôi”, ông Victor Mazharow chia sẻ.

Đào tạo nhân lực – yếu tố then chốt trong hợp tác y tế giữa Việt Nam và Liên bang Nga
Bác sĩ Đinh Thị Hoàng Anh tốt nghiệp chuyên ngành Y đa khoa tại Đại học Tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga (RUDN) và chuyên ngành Nhãn khoa tại Đại học Y khoa – Nha khoa Quốc gia Moscow mang tên Evdokimova. Ảnh: Hoàng Yến

Gắn bó với nước Nga 13 năm để học tập và nghiên cứu về nhãn khoa, TS Đinh Thị Hoàng Anh, hiện công tác tại Bệnh viện Mắt Trung ương đánh giá, việc đào tạo y học ở Nga được thực hiện rất bài bản. Nga là một trong những quốc gia có công nghệ tiên phong về điều trị các bệnh lý ở mắt như: phẫu thuật liên kết chéo collagen giác mạc, ghép giác mạc và điều trị Glôcôm.

Theo số liệu thống kê năm 2023 của Bộ Y tế, tỷ lệ bác sĩ là 11,5/10.000 dân, tỷ lệ điều dưỡng là 14/ 10.000 dân, trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước phát triển là trên 30 bác sĩ/ 10.000 dân. Do đó, hợp tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cán bộ y tế có vai trò quan trọng.

TS Đinh Thị Hoàng Anh cho biết, tại Việt Nam hiện đang phổ biến công nghệ ghép giác mạc nội mô DSAEK/DSEK. Công nghệ này có nhược điểm là mảnh ghép dày và thị lực sau phẫu thuật không cao. “Tôi và thầy giáo của mình đã nghiên cứu công nghệ ghép giác mạc nội mô PDEK. Ưu điểm của công nghệ này là mảnh ghép mỏng hơn, thị lực cao hơn, ít biến chứng trong lúc phẫu thuật, thời gian hồi phục của bệnh nhân nhanh hơn”, bác sĩ Hoàng Anh chia sẻ.

Nhằm phát triển hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong lĩnh vực đào tạo cán bộ y tế, TS Hoàng Anh đề xuất một số biện pháp, như: Chính phủ Nga xem xét tăng số lượng học bổng hằng năm chuyên ngành Y khoa cho sinh viên Việt Nam, phát triển khoá học đào tạo ngắn hạn nâng cao tay nghề cho bác sĩ, như khóa học bồi dưỡng kỹ năng phẫu thuật. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục hai nước xây dựng chương trình liên kết đào tạo. Theo đó, sinh viên học tập 2-3 năm tại Việt Nam và sau đó học tập tại Nga bằng tiếng Nga hoặc tiếng Anh.

Đào tạo nhân lực – yếu tố then chốt trong hợp tác y tế giữa Việt Nam và Liên bang Nga
Ông Trương Hùng (phải) tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật điện Quốc gia Saint-Peterburg (LETI) mang tên V.I. Ulyanov (Lenin). Ảnh: Hoàng Yến

Ông Trương Hùng, Phó Chủ tịch Hội thiết bị Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét, giảng viên người Nga có bề dày kinh nghiệm nghiên cứu. Vì vậy, sinh viên quốc tế được trang bị nền tảng kiến thức vững chắc.

Theo ông Trương Hùng, hợp tác giữa Nga và Việt Nam trong lĩnh vực y tế có nhiều dư địa phát triển. Hiện nay, công nghệ điều trị bằng oxy cao áp được áp dụng tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh tại Việt Nam. Buồng oxy cao áp do Nga sản xuất chất lượng rất tốt.

Tuy nhiên, Bộ Y Nga chưa ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng và cụ thể kiểm định chất lượng trang thiết bị y tế. Trong khi đó, Mỹ đã ban hành tiêu chuẩn FDA, Châu Âu ban hành tiêu chuẩn CE Marking. Do đó, sản phẩm do Nga sản xuất chưa thể đấu thầu nhập khẩu và lưu hành tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, thủ tục thanh toán giữa Việt Nam và Nga còn gặp khó khăn. Ông Trương Hùng hy vọng trong thời gian tới, chính phủ hai nước sẽ ban hành giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hai nước.

Trước đó, phát biểu tại khai mạc Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết: “Việt Nam luôn quan tâm đến việc quốc tế hóa giáo dục, đặc biệt là giáo dục y tế. Quan tâm đến y học, sức khỏe là chăm lo cho tương lai đất nước. Vì thế, hoạt động nâng cao trình độ chuyên môn và đào tạo cán bộ y tế luôn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu hợp tác Nga-Việt Nam”.

Hợp tác y tế giữa hai nước bao gồm các vấn đề về bảo vệ sức khỏe và khoa học y tế. Nổi bật trong đó có trao đổi kinh nghiệm về việc tổ chức hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia, bảo hiểm y tế; các quy định pháp lý liên quan đến tổ chức hệ thống y tế; triển khai ứng dụng các công nghệ và quy trình y học đổi mới; kinh nghiệm trong phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị và phục hồi một số bệnh truyền nhiễm và không truyền nhiễm.

Theo bà Nguyễn Thị Liên Hương, tại Nga có 168 cơ sở giáo dục đào tạo chuyên ngành y khoa. Do đó, sinh viên Việt Nam có nhiều cơ hội học tập ngành y khoa tại Nga. Điểm chung của việc đào tạo y, dược chuyên nghiệp ở cả hai quốc gia là đều phải tuân theo quy định pháp luật trong khuôn khổ chính sách y tế của nhà nước. Và đây là lĩnh vực tri thức đòi hỏi nền tảng kiến thức truyền thống vững chắc, nhưng cũng là môi trường yêu cầu các nhà nghiên cứu có những cải tiến về mặt công nghệ, thử sức với những thí nghiệm và giải pháp mới mẻ.

Du học sinh Việt lan tỏa Trung thu yêu thương tại Nga Du học sinh Việt lan tỏa Trung thu yêu thương tại Nga
Với tinh thần thiện nguyện không xin, 52 sinh viên Việt Nam thuộc nhóm “Vòng tay Việt Nga” đã tổ chức chương trình “Trung thu tròn vị” nhằm gây quỹ xây dựng trường học năm 2023-2024. Tết Trung thu của du học sinh giờ đây không chỉ gói gọn trong việc thưởng bánh, uống trà mà còn có nhiều hoạt động thiết thực với cộng đồng.
Khơi dậy niềm tự hào dân tộc của du học sinh tại LB Nga qua chuyến tham quan Toà nhà Quốc hội Khơi dậy niềm tự hào dân tộc của du học sinh tại LB Nga qua chuyến tham quan Toà nhà Quốc hội
Niềm tự hào dân tộc xen lẫn nỗi xúc động là cảm xúc của tất cả lưu học sinh Việt Nam tại Liên bang Nga khi được tham quan công trình hiện đại mang tầm vóc lịch sử, được khám phá hành trình lịch sử của dân tộc.

Hoàng Yến

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/dao-tao-nhan-luc-yeu-to-then-chot-trong-hop-tac-y-te-giua-viet-nam-va-lien-bang-nga-191837.html

In bài viết