“Xanh hóa” ngành công nghiệp thời trang

00:00 | 25/09/2023

Không sử dụng quần áo có chất liệu khó phân hủy, lựa chọn trang phục mặc được nhiều lần… là những giải pháp nhằm loại bỏ thời trang nhanh, hướng tới thời trang bền vững và góp phần làm “xanh hóa” ngành công nghiệp đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề này.
Nông nghiệp tuần hoàn: Giải pháp tăng trưởng xanh, bền vững
Nỗ lực “xanh hóa” của ngành hàng không thế giới

Vấn nạn “thời trang nhanh”

Thời trang nhanh là những bộ trang phục hợp xu hướng với mức chi phí thấp rất dễ tiếp cận. Tuy nhiên chúng rất nhanh lỗi thời và hầu hết được sản xuất với chất liệu rẻ tiền, có độ bền kém và khó để sử dụng lâu dài. Điều này khiến thời trang nhanh thường bị vứt bỏ chỉ sau vài lần mặc, tạo nên rác thải thời trang và góp phần gây ra ô nhiễm môi trường

Theo nghiên cứu, ngành dệt may và thời trang là một trong những ngành sử dụng lao động lớn nhất, nhưng cũng là ngành gây ô nhiễm lớn thứ hai sau ngành dầu mỏ. Do yêu cầu mức giá rẻ, các hãng sản xuất thời trang nhanh thường cố gắng cắt giảm tối đa các loại chi phí, trong đó là chi phí xử lý môi trường.

Thời trang nhanh thường sử dụng chất vải tổng hợp như polyester, nylon và acrylic – những chất liệu phải mất hàng trăm năm để phân hủy sinh học. Theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN), ước tính 35% các hạt vi nhựa không thể phân hủy phát thải trong đại dương đến từ quá trình giặt các loại vải dệt tổng hợp như polyester.

Vấn nạn thời trang nhanh gây nguy hại cho môi trường. (Ảnh minh họa)
Vấn nạn thời trang nhanh gây nguy hại cho môi trường. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp thời trang cũng chịu trách nhiệm cho 8-10% lượng khí thải carbon hàng năm trên toàn cầu. Trong tổng số lượng vải dùng để sản xuất thời trang, cuối cùng 87% sẽ bị đốt hoặc xử lý tại bãi chôn lấp sau khi sử dụng. Đến năm 2050, lượng khí thải nhà kính của ngành thời trang sẽ tăng hơn 26% nếu giữ nguyên tốc độ sản xuất như hiện tại.

Có thể thấy, mỗi bộ quần áo bị vứt đi sẽ không chỉ gây lãng phí tiền bạc mà còn gây ra gánh nặng trong việc xử lý rác thải ở các địa phương, quốc gia. Rác thải thời trang nếu không được xử lý có thể mất tới 200 năm để phân hủy trong bãi rác. Trong quá trình phân hủy, chúng có thể tạo ra khí metan, các hóa chất độc hại và thuốc nhuộm có thể ngấm vào đất, nguồn nước ngầm gây ô nhiễm.

Phát triển “thời trang bền vững”, “thời trang tuần hoàn”

Để góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến giảm tối đa tỷ lệ sử dụng “thời trang nhanh”, các doanh nghiệp thời trang đã dần chuyển sang mô hình thời trang bền vững và thời trang tuần hoàn.

Thời trang bền vững sẽ tập trung vào việc mang đến các sản phẩm sử dụng chất liệu xanh, chất liệu hữu cơ, tái chế, hoặc cắt giảm những chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất và vận chuyển. Các nhãn hiệu thời trang chỉ được coi là “bền vững” khi sử dụng chất liệu thân thiện môi trường, giảm thiểu khí CO2 trong quá trình sản xuất.

Theo các chuyên gia môi trường, việc “xanh hóa” chuỗi cung ứng cho ngành thời trang thực sự là một vấn đề lớn cần được nghiên cứu. Việc dùng các loại vải sợi tổng hợp gây ô nhiễm có thể thay thế bằng các loại vải thân thiện môi trường như: vải lanh, tơ lụa, gai dầu, bông hữu cơ…

Trong khi đó thời trang tuần hoàn tập trung vào việc kéo dài tuổi thọ của vật chất của sản phẩm, nhằm loại bỏ mọi tác động tiêu cực đến môi trường. Nói cách khác thời trang tuần hoàn tập trung vào việc tái sử dụng những sản phẩm cũ và dùng đi dùng lại trong một thời gian cố định lâu dài.

Có đến 90 thương hiệu thời trang và nhà bán lẻ như Nike, Adidas, Ganni, Reformation, Lacoste… đều đã ký kết vào Bảng cam kết Hệ thống Thời Trang Tuần hoàn 2020 (2020 Circular Fashion System Commitment) của Global Fashion Agenda.

Nhiều chương trình thời trang tuần hoàn được tổ chức và thu hút sự quan tâm của người dân. Thương hiệu H&M đã tổ chức thu gom hàng may mặc, khuyến khích người dùng mang quần áo không dùng đến để tái chế. Đổi lại, người dùng nhận được 1 phiếu chiết khấu 15% cho 1 sản phẩm của H&M. Tương tự, thương hiệu denim Levi’s giảm giá 20% khi khách hàng giao lại quần áo cũ không còn muốn dùng nữa. Nike có chương trình tái chế giày, biến những đôi giày cũ thành nguyên liệu thô để tái sử dụng làm chất cách điện, sàn cao su và nhiều thứ khác.

Những chiếc túi xách, balo được tái chế từ quần bò cũ. (Ảnh: Cleanipedia)
Những chiếc túi xách, balo được tái chế từ quần bò cũ. (Ảnh: Cleanipedia)

Về phía mỗi cá nhân, bằng hành động nhỏ như hạn chế chạy theo xu hướng mua những quần áo chỉ mặc 1 – 2 lần rồi bỏ; đem cho, tặng quần áo cũ, lỗi mốt; sử dụng đồ secondhand; giảm giặt giũ để tiết kiệm nước; giảm thải hoá chất… đều góp phần cứu lấy hành tinh đang bị “bủa vây” bởi rác thải nguy hại.

Trồng lúa carbon thấp: mô hình mới thời kinh tế xanh Trồng lúa carbon thấp: mô hình mới thời kinh tế xanh
Mô hình sản xuất lúa carbon thấp được thí điểm thành công ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã mở ra hướng phát triển mới cho nông nghiệp thời kinh tế xanh, nhất là trong bối cảnh nông nghiệp đang là nhân tố lớn góp phần vào việc phát thải khí nhà kính ở Việt Nam.
Việt Nam mong muốn Hoa Kỳ hỗ trợ xây dựng ngành công nghiệp năng lượng tái tạo Việt Nam mong muốn Hoa Kỳ hỗ trợ xây dựng ngành công nghiệp năng lượng tái tạo
Chiều 9/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu John Kerry đang thăm làm việc tại Việt Nam. Tại buổi tiếp, Thủ tướng đề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu bằng những chương trình, dự án cụ thể.

Theo Mai Anh/Vietnam.vn

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/xanh-hoa-nganh-cong-nghiep-thoi-trang-191534.html

In bài viết