Hồ trữ nước ngọt vùng Tứ giác Long Xuyên: Giải pháp ứng phó với hạn mặn ở ĐBSCL

16:00 | 08/09/2023

Dự án xây dựng hệ thống hồ trữ nước ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên được kỳ vọng cung cấp nước tưới tiêu cho An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ; góp phần giúp Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn.
Cấp bách chuẩn bị các phương án ứng phó với hạn mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long
Thủ tướng đồng ý vay ODA 2,53 tỷ USD cho 16 dự án vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Xây hồ trữ nước ngọt lớn nhất ở ĐBSCL

Tháng 7/2023, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về huy động vay vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài và tỷ lệ vay lại vốn vay nước ngoài của các dự án vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo nghị quyết này, Chính phủ đồng ý huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài cho 16 dự án phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhằm thích ứng với biến đối khí hậu.

Hồ chứa nước ngọt ở vùng cao tại huyện Tri Tôn tỉnh An Giang phục vụ nước tưới nông nghiệp trong mùa khô. (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)
Hồ chứa nước ngọt ở vùng cao tại huyện Tri Tôn tỉnh An Giang phục vụ nước tưới nông nghiệp trong mùa khô. (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

16 dự án này sẽ gồm các dự án giao thông, ứng phó biến đối khí hậu… với tổng số tiền vay vốn ODA là gần 2,5 tỷ USD. Trong số này có dự án xây dựng hệ thống hồ trữ ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên vay vốn KEXIM, có tổng mức đầu tư dự kiến 3.186 tỷ đồng.

Đây là dự án “thuận tự nhiên” để phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 120/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đề xuất ban đầu của tỉnh An Giang, dự án có quy mô hơn 3.050ha, nằm phía dưới hạ lưu cống Trà Sư, trong phạm vi tuyến thoát lũ Châu Đốc – Tịnh Biên, thuộc hệ thống kiểm soát lũ vùng Tứ giác Long Xuyên. Dự án có tổng chiều dài bờ bao trên 42,6km; tổng dung tích trữ nước là 94,53 triệu m3, trong đó dung tích trên kênh (gồm kênh Trà Sư và các kênh trục) 25,85 triệu m3, dung tích hồ 68,68 triệu m3.

Sau khi hoàn thành, hệ thống trữ nước ngọt gắn với hạ tầng phục vụ liên kết sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên có thể phục vụ tưới cho khoảng 30.000ha đất nông nghiệp trong vùng Tứ giác Long Xuyên gồm: An Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ, giúp tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, hệ thống này còn góp phần giúp ĐBSCL ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn.

Tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với UBND tỉnh An Giang về dự án trên vào tháng 3/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, dự án hệ thống trữ nước ngọt gắn với hạ tầng phục vụ liên kết sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên không phải là dự án của tỉnh An Giang mà là công trình nằm trong hệ thống thủy lợi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được quản lý bởi Hội đồng Quản lý thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Tổng cục Thủy lợi, UBND tỉnh An Giang, Kiên Giang và Thành phố Cần Thơ.

Chủ động trữ nước ở ĐBSCL

Việc trữ nước cho vùng Tứ giác Long Xuyên đã được các chuyên gia, nhà khoa học khuyến nghị từ lâu. Trong khuôn khổ Hợp tác Chiến lược giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với phía Hà Lan xây dựng Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long nhằm xây dựng chiến lược và tầm nhìn tới năm 2100 cho khu vực này trên cơ sở tích hợp các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phát triển kinh tế – xã hội.

Theo đó, ĐBSCL được chia ra ba vùng, đồng thời đề xuất các khuyến nghị về quản lý tài nguyên nước cho từng vùng nhằm phát triển bền vững vùng ĐBSCL, thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong đó có các giải pháp trữ nước.

Nông dân ở xã Quới Thiện huyện Vũng Liêm Vĩnh Long làm hồ chứa nước bằng tấm bạt ni lông để trữ nước ngọt (Ảnh:
Nông dân ở xã Quới Thiện huyện Vũng Liêm Vĩnh Long làm hồ chứa nước bằng tấm bạt ni lông để trữ nước ngọt. (Ảnh: Nhân Dân)

Giải pháp xây dựng các hồ chứa trên các đoạn sông ở đồng bằng để tích nước trong mùa lũ và cấp nước cho mùa khô là một trong những giải pháp quan trọng, đặc biệt khu vực Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười là những nơi rất thích hợp để tích trữ nước ngọt. Do vậy, cần thiết xây dựng các hồ chứa nước ngọt lớn để trữ nước cho vùng nhằm điều tiết nước ngọt cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước trong mùa khô hạn.

Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu Cần Thơ cũng cho rằng, một trong nhứng biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL là phải tiến hành trữ nước. Trước hết, cần phải khôi phục lại vùng đất ngập nước ở vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng Đồng Tháp Mười.

Song song với đó, chính quyền cần cố gắng vận động người dân mở thêm các vùng trữ nước phân tán trong gia đình, làng xã để khi cần nước có thể sử dụng ngay và hình thức trữ nước phân tán sẽ không tốn nhiều diện tích. Bên cạnh đó, ông Vinh đề xuất nghiên cứu để trữ nước xuống tầng nước ngầm vì hiện nay nước ngầm ở ĐBSCL đã cạn kiệt. Nếu không hành động kịp thời thì ngoài thiếu nước, việc sụt lún đất đồng bằng cũng sẽ diễn ra nhanh hơn.

Hàng trăm bồn nước đến với người dân ĐBSCL giữa mùa hạn mặn Hàng trăm bồn nước đến với người dân ĐBSCL giữa mùa hạn mặn
Cà Mau: Kết nối thúc đẩy ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển bền vững Cà Mau: Kết nối thúc đẩy ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển bền vững

Theo Thành Luân/Vietnam.vn

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/ho-tru-nuoc-ngot-vung-tu-giac-long-xuyen-giai-phap-ung-pho-voi-han-man-o-dbscl-190928.html

In bài viết