Hè sôi động của các lớp học chữ Khmer

09:20 | 11/06/2023

Tại Sóc Trăng dịp hè, các lớp dạy chữ Khmer lại mở cho con em đồng bào theo học. Bên cạnh đó là các lớp dạy chữ dành cho người lớn mà chủ yếu là các... cán bộ. Họ học để hiểu và gần gũi hơn với người dân.
Thêm địa chỉ học tiếng Khmer miễn phí cho người Việt Thêm địa chỉ học tiếng Khmer miễn phí cho người Việt
Nhiều năm qua, từ hội viên các hội hữu nghị, doanh nghiệp có quan hệ kinh doanh và đầu tư với Campuchia hay các cá nhân, tổ chức khác có nhu cầu học tiếng Khmer đều có thể tìm đến các lớp học của Trung tâm Ngoại ngữ tiếng Khmer trực thuộc Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia. Nhờ xã hội hóa mạnh mẽ trong việc vận động hỗ trợ kinh phí hoạt động, việc dạy học của Trung tâm hoàn toàn miễn phí.
Lên chùa Tà Mơn học chữ Khmer Lên chùa Tà Mơn học chữ Khmer
Ở chùa Tà Mơn (Trần Đề, Sóc Trăng) có 4 lớp học cho trẻ em Khmer. Lớp ít nhất là 7 học sinh, nhiều nhất là 50 học sinh, các em được học hoàn toàn miễn phí trong 2,5 tháng hè. Tại Chùa, các em học sinh không chỉ học tiếng, chữ viết mà còn được chia sẻ về phong tục, tập quán, văn hóa của dân tộc Khmer.

Lớp học nơi cửa Phật

Hè sôi động của các lớp học chữ Khmer
Lớp Pali 2 nằm trong chùa Chén Kiểu (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng).

Sáng 9/6, trong căn phòng chừng 20 m2, khoảng 10 nhà sư đang học về 4 điều Đức Phật dạy. Theo Danh Đông (21 tuổi; lớp Pali 2, chùa Chén Kiểu) cho biết: Nội dung chữ Khmer trên bảng xanh viết rằng: Thứ nhất, hãy học cách làm những điều tốt cho bản thân, cho người đối diện và người xung quanh. Thứ hai là có lòng tôn kính với mọi người xung quanh. Thứ ba là hãy làm những điều tốt, tránh những điều xấu, xa lạ. Thứ tư là cố gắng học tập Kinh giáo lý của đức Phật để tránh những điều xấu, làm việc thiện sẽ tốt cho bản thân. Cũng theo nhà sư Danh Đông, ngoài chữ viết, kiến thức Phật pháp, các nhà sư cũng được chia sẻ về nguồn cội, văn hóa của người Khmer trong những giờ học.

Thạch Huy Sa (13 tuổi) vừa từ Campuchia trở về Việt Nam được chừng 5 tháng. Nhà có 3 anh chị em, Huy Sa là út, còn nhỏ tuổi nên được gửi nương tựa chùa Prey Chóp. Huy Sa nói: trước đây, em chưa từng được học chữ. Ở chùa, em mới có bạn bè cùng trang lứa. Ngoài giờ học, Huy Sa quét dọn, giúp đỡ những việc vặt trong nhà chùa. Huy Sa khoe: “Con biết chữ rồi, con biết viết tên con. Ở đây, con có bạn nên được chơi trốn tìm, tắm mưa thích lắm”.

Hè sôi động của các lớp học chữ Khmer
Thạch Huy Sa (13 tuổi) đang học chữ Khmer tại chùa Prey Chóp (Sóc Trăng).

Cùng lớp với Huy Sa, Thạch Phương Sang (13 tuổi) cũng tới chùa Prey Chóp được hơn 1 tháng. Vào các buổi chiều, Sang được học chữ Khmer do các nhà sư trong chùa dạy. Ngoài giờ học, các em làm những việc nhỏ như: quét dọn khuôn viên, trải chiếu chuẩn bị nghi lễ… Sang cho biết, lớp của em có 8 bạn đều đến chùa học chữ sau khi được nghỉ hè.

Tại Sóc Trăng, các chùa Sro Lôn (chùa Chén Kiểu), chùa Tà Mơn và chùa Prey Chóp cứ vào hè sẽ mở những lớp học chữ Khmer miễn phí. Thông qua giữ gìn chữ viết, tiếng nói mẹ đẻ, hoạt động này giúp bảo tồn, nuôi dưỡng văn hóa của một trong số 54 dân tộc anh em ở Việt Nam.

Biết chữ để gần dân, hiểu dân

Cũng ở Sóc Trăng, lớp học chữ Khmer không chỉ dành cho các em nhỏ biết tiếng mà chưa biết chữ. Tại đây, rất nhiều cán bộ lãnh đạo, nhà quản lý cũng được tiếp tục đào tạo để tăng cường gần dân, hiểu dân, làm tốt vai trò trách nhiệm của mình.

Hè sôi động của các lớp học chữ Khmer
Lớp học chữ Khmer nâng cao dành cho cán bộ tại Trường bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ (Sóc Trăng).

Anh Lâm Văn Tiền, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Phú Tân (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) đã học lớp chữ Khmer năm 2023 được hơn 1 tháng, lớp này sẽ học 7 tháng rưỡi, học vào thứ 6 và chủ nhật hàng tuần. Anh Tiền nhấn mạnh: Xã Phú Tân hiện có trên 75% là dân tộc Khmer. Bản thân tôi là người Khmer nhưng chỉ biết tiếng. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc tại các chùa với các vị có chức sắc, ban quản trị, nhà sư thì họ sử dụng các văn bản chữ Khmer nên tôi gặp khó khăn để hiểu, giải quyết các vấn đề. Sau khi học xong các lớp chữ viết, tôi giao tiếp, làm việc với bà con dễ dàng hơn.

Trường bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ là một đơn vị sự nghiệp sử dụng kinh phí toàn bộ của nhà nước xây dựng năm 1994. Ngoài chức năng giảng dạy cho các tăng sinh, trường cũng thực hiện đề án đào tạo tiếng Khmer cho các cán bộ công chức viên chức của tỉnh. Trường được tỉnh ủy chọn là cơ sở đào tạo đến nay là 4 khóa với số lượng trên dưới 1000 học viên là các cán bộ công chức viên chức. Chương trình giảng dạy với 3 cấp: căn bản, nâng cao và biên phiên dịch để phục vụ cho các cơ quan, sở, ngành cần biên phiên dịch như Tòa án, Viện kiểm sát, Đài truyền hình…

(Thầy Lâm Nhưm, Hiệu trưởng Trường bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ tại Sóc Trăng)

Cũng theo anh Tiền, sau khi được học chữ Khmer, cán bộ sẽ dễ nắm bắt được những ý kiến, kiến nghị, cũng như nguyện vọng của người dân. “Theo tôi, vấn đề học tiếng Khmer cần được nhân rộng, cán bộ biết được tiếng, chữ Khmer càng nhiều càng tốt. Không chỉ cán bộ dân tộc Khmer, cán bộ các dân tộc khác tại địa phương cũng cần biết thêm những vấn đề bản sắc, văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc Khmer,” anh Tiền khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Diện - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng cũng đang theo học lớp Pali nâng cao 2. Bà Diện cho biết: “Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng đang thực hiện dự án bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cán bộ hội phụ nữ thường xuyên đi công tác cơ sở và tiếp xúc với đồng bào nên phải trang bị kiến thức tiếng Khmer để phục vụ cho công việc của mình. Trong quá trình mình đi cơ sở thường sẽ hỏi thăm đồng bào về điều kiện, hoàn cảnh sống, nắm tâm tư tình cảm của đồng bào. Đồng bào nhiều nơi biết ít tiếng Kinh nên hai bên khó tương tác, trò chuyện”.

“Khi mình tuyên truyền vận động đồng bào, mình chào hỏi bằng tiếng Khmer cũng đã tạo được sự gần gũi, thân thiết khiến đồng bào dễ dàng cởi mở với mình”, bà Diện nhấn mạnh.

Nhằm hỗ trợ giữ gìn và phát triển tiếng nói, chữ viết, năm 2019 và 2020 HĐND và UBND đã có những chính sách đặc thù hỗ trợ người dạy tiếng và chữ Khmer vào dịp hè. Cụ thể, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí người dạy tiếng và chữ Khmer vào dịp hè là 874.880.000 đồng cho 158 nhà sư, Achar. Chương trình tiếng Khmer được phát sóng trên Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh 03 buổi/ngày và trên sóng truyền thanh của thành phố Sóc Trăng và thị xã Vĩnh Châu 02 buổi/ngày, Tòa soạn Báo Sóc Trăng xuất bản ấn phẩm Tạp chí Khmer Sóc Trăng và Báo Sóc Trăng bằng chữ Khmer.

(Ông Lâm Sách, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng)

Sóc Trăng: Bảo tồn nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng: Bảo tồn nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer
Chiều 12/4, Hội thi văn nghệ các trường Phổ thông Dân tộc nội trú lần thứ 3 năm 2023 đã bế mạc. Đây là cuộc thi thiết thực chào mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, qua đó góp phần bảo tồn nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer.
Chôl Chnăm Thmây - Lễ hội lớn, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer Chôl Chnăm Thmây - Lễ hội lớn, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer
Tết Chôl Chnăm Thmây vừa là ngày mở đầu năm mới, mở đầu thời vụ, cũng là ngày hạnh phúc, tươi vui nhất trong năm của đồng bào Khmer ở Nam Bộ.

Hải Dương

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/he-soi-dong-cua-cac-lop-hoc-chu-khmer-187097.html

In bài viết