Văn hoá đa dạng của Việt Nam thu hút người nước ngoài

10:40 | 20/03/2023

Việt Nam có một nền văn hóa rất đẹp và trù phú. Học giả Thái Lan Songrit Pongern đã mở đầu như vậy trong cuộc trò chuyện với phóng viên TTXVN tại Bangkok về văn hóa Việt Nam.
Lễ chùa đầu năm - Tín ngưỡng văn hoá của người Việt Lễ chùa đầu năm - Tín ngưỡng văn hoá của người Việt
Từ xưa đến nay, việc đi lễ chùa ngày đầu năm mới đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt. Không chỉ mong cầu những điều may mắn cho bản thân, gia đình, mà còn bày tỏ tấm lòng thành kính với đức Phật, tổ tiên.
Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển là ưu tiên cao Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển là ưu tiên cao
Chiều 16/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp và giao nhiệm vụ cho các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026.
Chú thích ảnh
Học giả Thái Lan Songrit Pongern trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. Ảnh: Huy Tiến/Pv TTXVN tại Thái Lan

Là người đã nhiều lần đến Việt Nam, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hoá Songrit nói rằng Việt Nam trong cảm nhận của ông có sự đa dạng bản địa độc đáo thể hiện ở tín ngưỡng, lối sống sinh hoạt của người dân, phương thức sản xuất, đặc biệt là sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo ông Songrit, sự đa dạng trong nền văn hoá Việt Nam còn thể hiện ở sự phong phú về các tập tục, truyền thống và loại hình nghệ thuật vùng miền. Minh chứng của sự đa dạng này là việc Việt Nam đã có hàng chục nét văn hoá được Tổ chức Văn hoá, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, ví dụ như Nhã nhạc Cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, hát Xoan Phú Thọ, Đờn ca tài tử vùng Đồng bằng Sông Cửu Long hay Dân ca Ví Dặm Nghệ Tĩnh.

Từng đặt chân đến Bản Lác ở Mai Châu, Hoà Bình, trong lần đầu đến thăm Việt Nam cách đây hơn 30 năm, ông Songrit đến giờ vẫn còn ấn tượng với khung cảnh tuyệt đẹp nơi đây với bầu không khí trong lành, hồ nước trong xanh bao quanh bởi những dãy núi và đặc biệt là những cánh đồng lúa xanh rì. Những ngày thăm thú Bản Lác, ông Songrit đã có trải nghiệm sống như một người địa phương.

Ông nhớ lại từng học người dân bản cách dệt vải và đan giỏ tre, dùng bữa bằng món cá nướng với xôi. Ông nhớ không khí hạnh phúc vui vẻ khi cùng nhảy múa trong tiếng trống, tiếng chiêng và cảm giác thân thuộc ở làng quê khi ngủ trong nhà sàn. Theo ông, đây là một ví dụ về thế mạnh đa văn hoá mà Việt Nam có thể thúc đẩy để thêm nhiều người nước ngoài biết đến nền văn hoá đa dạng của mình.

Học giả Songrit cũng nêu kinh nghiệm của Thái Lan trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá. Một điểm mạnh của Thái Lan là du lịch và nước này từ lâu đã gắn việc quảng bá văn hoá vào các chiến dịch xúc tiến du lịch. Thái Lan rất tích cực quảng bá các lễ hội của mình và khuyến khích người nước ngoài tìm hiểu về các lễ hội văn hoá được tổ chức quanh năm ở nước này. Các lễ hội Thái Lan quen thuộc nhất với người nước ngoài chính là Tết Songkran vào tháng Tư và Tết Loi Krathong vào tháng 11 hàng năm.

Hai lễ hội này luôn xuất hiện trong mọi chiến dịch quảng bá du lịch của Thái Lan cả trong và ngoài nước. Đặc biệt theo ông, Tết Songkran hay Tết Năm mới của Thái Lan được coi là một lễ hội vừa để cầu ước cho một cuộc sống tốt đẹp hơn vừa là dịp có nhiều niềm vui nhất. Bởi vì thế, Tết Songkran được nhiều khách du lịch nước ngoài yêu thích và họ muốn có cơ hội tham gia vào lễ hội này không chỉ một lần mà nhiều lần.

Theo ông, Việt Nam với nền văn hoá đa dạng của mình cũng không thiếu các lễ hội để quảng bá với du khách quốc tế. “Việt Nam cũng có thể làm tương tự Thái Lan. Các bạn có thể chọn những lễ hội mà có thể phổ biến cho người nước ngoài cùng tham dự và cảm thấy vui vẻ”, ông Songrit nói. “Trên thực tế, cộng đồng dân tộc Thái ở miền Bắc Việt Nam cũng có lễ hội Songkran tương tự. Đây là lễ hội mừng mùa vụ mới. Các bạn cũng có thể thúc đẩy tổ chức lễ hội Songkran ở khu vực phía Bắc”.

Học giả Songrit cho rằng đa dạng văn hoá là một nhân tố quan trọng để hai nước Việt Nam và Thái Lan có thể hợp tác với nhau theo nhiều cách nhằm thúc đẩy hiểu biết văn hoá giữa các nước thành viên ASEAN. Ví dụ như 2 nước có thể cùng nhau tổ chức các lễ hội có những điểm tương đồng như Lễ hội đèn lồng ở Hội An và Lễ hội hoa đăng Yi Peng dịp Trăng tròn ở Chiang Mai. Bên cạnh đó, hai nước cũng có thể tổ chức các sự kiện giao lưu văn hoá về âm nhạc truyền thống, hay múa rối nước truyền thống của Việt Nam với múa rối Joe Luis của Thái Lan...

Học giả Songrit tin tưởng rằng nếu có một khởi đầu nghiêm túc về hợp tác văn hoá giữa Việt Nam và Thái Lan ngay từ hôm nay, hai quốc gia Đông Nam Á chắc chắn sẽ chứng kiến một tương lai tốt đẹp trong mối quan hệ song phương đang ngày càng thân thiết.

Theo Đỗ Sinh - Huy Tiến (TTXVN)

https://baotintuc.vn/van-hoa/van-hoa-da-dang-cua-viet-nam-thu-hut-nguoi-nuoc-ngoai-20230320075853764.htm

Thể chế, chính sách phải tạo động lực phát triển văn hóa, con người Việt Nam Thể chế, chính sách phải tạo động lực phát triển văn hóa, con người Việt Nam
Tiếp tục Hội thảo Văn hóa 2022, chiều 17/12, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (tỉnh Bắc Ninh) đã diễn ra Phiên họp toàn thể. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp này.
Ngoại giao văn hóa đa phương giúp Việt Nam tỏa sáng ở diễn đàn UNESCO Ngoại giao văn hóa đa phương giúp Việt Nam tỏa sáng ở diễn đàn UNESCO
Năm 2022 tiếp tục là một năm thành công về ngoại giao văn hóa trên quy mô đa phương và toàn cầu. Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Paris đã có cuộc phỏng vấn trực tiếp Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), về những thành tựu đạt được trong năm qua.

Theo baotintuc.vn

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/van-hoa-da-dang-cua-viet-nam-thu-hut-nguoi-nuoc-ngoai-183539.html

In bài viết