Bà Rịa - Vũng Tàu thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển

22:24 | 21/12/2022

Lợi thế về cảng biển, nằm trong vùng kinh tế năng động Đông Nam bộ, Bà Rịa - Vũng Tàu hội đủ tiềm năng để phát kinh tế biển.
Chung tay vì các vùng biển hoà bình, thịnh vượng và phát triển bền vững Chung tay vì các vùng biển hoà bình, thịnh vượng và phát triển bền vững
Việt Nam kêu gọi vượt qua thách thức, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam kêu gọi vượt qua thách thức, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững
Chú thích ảnh
Tàu vào bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Hiện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh triển khai các giải pháp với mục tiêu trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và kinh tế cả nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chuyên sâu, công nghiệp gắn với lợi thế cảng biển. Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu này, vấn đề liên kết vùng được xem là một trong những giải pháp quan trọng trong quá trình triển khai các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nhằm ghi nhận các định hướng, lợi thế cũng như những vấn đề khó khăn, thách thức mà tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng, khu vực Đông Nam bộ nói chung trong việc thúc đẩy liên kết vùng, TTXVN thực hiện chùm 3 bài viết với chủ đề “Bà Rịa - Vũng Tàu thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển”.

Bài 1: Gắn kết trong phát triển vùng

Để có bước đột phá, nhất là phát huy thế mạnh về biển để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, kinh tế biển nói riêng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần đặt trong tổng thể phát triển toàn vùng. Tuy nhiên, sự kết nối giữa Bà Rịa - Vũng Tàu với các địa phương trong khu vực còn hạn chế, cần tiếp tục đẩy mạnh các công trình liên kết, đặc biệt là giao thông vận tải trong thời gian tới để phát huy thế mạnh của mình.

Yêu cầu từ thực tiễn

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 24-NQ/TW) chỉ rõ, vùng Đông Nam bộ còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức lớn. Cụ thể là việc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; một số chỉ tiêu quan trọng chưa đạt như đề ra; tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước; đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm, tốc độ tăng năng suất lao động thấp, việc quy hoạch và triển khai thực hiện các quy hoạch còn chậm. Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan tỏa của vùng. Một số công trình trọng điểm chậm tiến độ.

Từ thực tế trên, Nghị quyết 24-NQ/TW chỉ ra nguyên nhân, chủ yếu là do nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng chưa đầy đủ; một số mục tiêu đề ra khá cao trong khi huy động và sử dụng nguồn lực còn hạn chế; phân bổ nguồn lực còn thiếu trọng tâm, trọng điểm. Thể chế liên kết vùng chưa đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kết nối vùng quan trọng, quy mô lớn và cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Việc phân cấp, phân quyền chưa tạo được sự chủ động cho các địa phương.

Phân tích về những hạn chế liên kết phát triển vùng, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, hiện nay còn thiếu thể chế và cơ chế cũng chưa đủ mạnh, có tính pháp lý cao để quyết định, điều phối các vấn đề kinh tế - xã hội mang tính vùng, đồng thời điều phối các tỉnh, thành phố trong vùng, các doanh nghiệp trong vùng liên kết tạo nên không gian chính sách, thể chế, kinh tế vùng.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng, quy hoạch các ngành chưa thực sự là công cụ hữu hiệu, hiệu quả trong việc định hướng, điều phối, thu hút đầu tư, phân bổ ngân sách... Tình trạng tự phát, thiếu sự liên kết và phối hợp giữa các địa phương, giữa doanh nghiệp, phát triển có tính cục bộ cao và thiếu bền vững, chồng chéo trong chiến lược phát triển, tình trạng đầu tư trùng lắp chưa hoàn toàn được khắc phục, tình trạng "xé rào" về cơ chế, chính sách, phá vỡ quy hoạch, đầu tư dàn trải giữa các địa phương.

Cùng đó, hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ đặc biệt là hệ thống đường giao thông liên tỉnh, liên vùng. Chưa hình thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu sản phẩm đặc trưng của vùng trong thương mại quốc tế. Về cơ bản vẫn còn tồn tại tư duy cơ cấu kinh tế tỉnh. Từ thực tiễn phát triển của mình, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng không nằm ngoài những hạn chế đó.

Quan điểm phát triển vùng Đông Nam bộ theo Nghị quyết 24-NQ/TW là tập trung xây dựng các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics gắn với các hành lang giao thông. Đồng thời, huy động tối đa nguồn nội lực cho phát triển, kết hợp hài hòa với ngoại lực để phát triển nhanh, bền vững, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng. Đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương trong quy hoạch và quản lý phát triển vùng.

Nghị quyết 24-NQ/TW cũng xác định tăng cường đổi mới liên kết vùng trên cơ sở xây dựng cơ chế liên kết và điều phối vùng hiệu lực, hiệu quả, thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng với các vùng khác và các nước tiểu vùng sông Mekong, ASEAN và thế giới. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với năng lực, điều kiện thực tế của từng địa phương và tổ chức điều phối vùng; thực hiện thí điểm những mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao, tạo đột phá nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng.

Đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW đã nêu rõ nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là phát triển mạnh kinh tế biển, dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp hỗ trợ và các dịch vụ ngành dầu khí và du lịch biển.

Phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, bao gồm cả cảng biển du lịch và các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao, các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao.

Trong bối cảnh tổng thể của vùng Đông Nam Bộ, tiểu vùng ven biển được xác định gồm khu vực Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là khu vực phát triển mạnh các ngành kinh tế biển. Cụ thể, bao gồm phát triển cảng biển, logistics, khai thác dầu khí, hóa dầu, du lịch biển, đảo, khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản; hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ; phát triển thành phố Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế.

Còn không ít “điểm nghẽn”

Nhận thức, quan điểm về thúc đẩy liên kết vùng được chỉ rõ và các cấp chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã khẳng định sự cần thiết của việc này. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề triển khai vào thực tiễn còn không ít trở ngại với những “điểm nghẽn” cố hữu từ cơ chế, chính sách đến cơ sở hạ tầng, các nguồn lực.

Trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, theo Bộ Giao thông vận tải, sau 17 năm thực hiện Đề án tổng kết Nghị quyết số 53-NQ/TW và Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, nền tảng kinh tế - xã hội nói chung và hạ tầng giao thông vận tải nói riêng của vùng Đông Nam Bộ đã đạt được những kết quả nhất định. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đầy đủ cả 5 chuyên ngành; hình thành các tuyến đường bộ có vai trò kết nối vùng, liên vùng; hệ thống cảng hàng không được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo; các cảng biển cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế, các bến cảng được đầu tư chiều sâu đã góp phần không nhỏ đối với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng.

Tuy nhiên, những thành tựu, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đang là “điểm nghẽn” đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam bộ. Đó là hệ thống giao thông quá tải, tắc nghẽn, xuống cấp, nhất là các tuyến đường quốc lộ và đường nội đô, kết nối cảng biển; thiếu đồng bộ giữa phát triển các phương thức vận tải, giữa hệ thống giao thông với các bến cảng, trung tâm logistics, giữa kết cấu hạ tầng của các địa phương trong vùng dẫn đến làm chậm khả năng luân chuyển hàng hóa.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP Hồ Chí Minh (HLA), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn, cho rằng, hạ tầng giao thông đường bộ chưa đáp ứng nhu cầu bởi đường nhỏ, hẹp, tải trọng hạn chế, đặc biệt đối với hàng container và hàng công trình. Trong khi giao thông đường bộ chưa đáp ứng tải trọng phù hợp giao thương hàng hóa, kết nối cảng với các khu công nghiệp, nhà máy, kho hàng thì vận tải đa phương thức chưa phát huy hiệu quả vì thiếu kết nối giữa đường sắt – đường bộ - đường thủy nội địa. Đây là “điểm nghẽn” dẫn đến nhiều thách thức cho doanh nghiệp logistics.

Cùng góc nhìn này, theo ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dù đạt được nhiều thành tựu về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và cảng biển, tuy nhiên kết quả vẫn chưa theo đúng kỳ vọng. Cơ sở hạ tầng giao thông nội tỉnh phát triển tương đối đồng bộ nhưng giao thông kết nối vùng còn hạn chế, chưa theo kịp tiến độ quy hoạch và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội; chưa phát huy hiệu quả cao nhất về kết hợp vận tải đa phương thức và nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống cảng biển.

Chính mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng còn thiếu đã hạn chế sự phát triển và lan tỏa của vùng. Các tuyến đường cao tốc được quy hoạch hoàn thành trước năm 2020 nhưng mới thực hiện được khoảng 16%. Ba đường vành đai giao thông theo quy hoạch phải hoàn thành trước năm 2020 thì trên thực tế mới thực hiện được 78% đối với vành đai 2, 18% đối với vành đai 3 và chưa triển khai vành đai 4.

Theo các chuyên gia kinh tế, hệ thống đường bộ, đường sắt đô thị vẫn là nút thắt; trong đó, các tuyến đường bộ liên vùng, hướng tâm, vành đai, các tuyến nối cảng biển, cảng hàng không và các cửa khẩu quốc tế chưa hoàn chỉnh; đặc biệt là tuyến vành đai 3, vành đai 4 Tp. Hồ Chí Minh và các tuyến đường bộ cao tốc kết nối nội vùng và liên vùng; đường sắt quốc gia chỉ mới dừng ở mức nghiên cứu, chưa thu xếp được nguồn vốn; đường sắt đô thị được xác định là phương thức vận tải hành khách chủ đạo trong đô thị chưa phát triển.

Không chỉ hạn chế về hạ tầng, thực tế cho thấy liên kết vùng cũng còn nhiều hạn chế, chưa xây dựng không gian kinh tế thống nhất nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh của mỗi tỉnh, thành phố và toàn ùng, chưa có sự phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau hiệu quả giữa các địa phương.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, còn hình thức, liên kết nội vùng và liên vùng chưa có tính chiến lược, lâu dài theo hướng bổ trợ lẫn nhau để nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng. Liên kết vùng về xây dựng và thực hiện quy hoạch, đào tạo và sử dụng, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu, kết cấu hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông chưa hiệu quả.

Ngày hội Ngày hội "Hãy lên tiếng bảo vệ trẻ em" tại Bà Rịa Vũng Tàu
Ngày 22/11, Bà Rịa Vũng Tàu đã tổ chức ngày hội “Hãy lên tiếng bảo vệ trẻ em” năm 2022 và kỳ họp hội đồng trẻ em lần thứ 3, giai đoạn 2021-2026.
Mekong Connect 2022 tại Cần Thơ: Liên kết, tích hợp để phát triển bền vững Mekong Connect 2022 tại Cần Thơ: Liên kết, tích hợp để phát triển bền vững
Ngày 24/11, Diễn đàn Mekong Connect 2022 với Chủ đề “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững”, do các tỉnh, thành trong Mạng lưới liên kết ABCD Mekong (An Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Đồng Tháp), TP. Hồ Chí Minh và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức diễn ra tại TP Cần Thơ.

Theo Báo Tin tức

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/ba-ria-vung-tau-thuc-day-lien-ket-vung-trong-phat-trien-kinh-te-bien-180253.html

In bài viết