Hà Nội: Vinh danh 66 Nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

09:20 | 21/12/2022

Qua ba lần phong tặng, thành phố Hà Nội đã có 131 nghệ nhân với 18 Nghệ nhân Nhân dân và 113 Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Nước mắm Phú Quốc đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nước mắm Phú Quốc đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Đắk Lắk có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Đắk Lắk có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Ha Noi: Vinh danh 66 Nghe nhan linh vuc di san van hoa phi vat the hinh anh 1

Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao tặng bằng vinh danh Nghệ nhân nhân dân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Tối 20/12, thành phố Hà Nội đã trang trọng tổ chức lễ trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3 năm 2022. Sự kiện diễn ra tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Trong tổng số 66 nghệ nhân của Hà Nội được Chủ tịch nước phong tặng năm 2022 (11 Nghệ nhân Nhân dân và 55 Nghệ nhân Ưu tú), huyện Phú Xuyên có số lượng nghệ nhân được phong tặng nhiều nhất với 20 nghệ nhân (2 Nghệ nhân Nhân dân, 18 Nghệ nhân Ưu tú).

Loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian ca trù có tới 9 nghệ nhân được phong tặng với 3 Nghệ nhân Nhân dân, 6 Nghệ nhân Ưu tú; trong đó nghệ nhân trẻ tuổi nhất là Vũ Thị Ngân của Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn, sinh năm 1989 và nghệ nhân lớn tuổi là Nghệ nhân Nhân dân Ngô Văn Đảm, sinh năm 1928 thuộc Câu lạc bộ Ca trù Trung tâm phát triển âm nhạc Việt Nam.

Đặc biệt, lần đầu tiên, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian hát tuồng có tới 18 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Ở loại hình tri thức dân gian nặn tò he có 9 nghệ nhân được phong tặng với 2 Nghệ nhân Nhân dân và 7 Nghệ nhân Ưu tú.

Ở loại hình hát văn có 7 nghệ nhân được phong tặng với 1 Nghệ nhân Nhân dân và 6 Nghệ nhân Ưu tú; trong đó, Nghệ nhân Hoàng Trọng Kha, sinh năm 1923, là nghệ nhân lớn tuổi nhất thành phố Hà Nội được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú đợt này.

Phát biểu tại lễ trao tặng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng khẳng định, đây là sự tôn vinh các nghệ nhân đã có đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, cũng là dịp động viên, khích lệ, tuyên truyền đến thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống, duy trì và phát huy các di sản văn hóa quý báu của cha ông truyền lại.

Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng mong muốn, các nghệ nhân bằng tâm huyết và lòng say mê nghề nghiệp, tiếp tục đóng góp tài năng, trí tuệ của mình cho văn hóa Thủ đô, luôn gương mẫu trong đời sống hàng ngày, là nhân tố tích cực trong giữ gìn, truyền dạy di sản.

Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng nghệ nhân được phong tặng qua mỗi lần. Qua ba lần phong tặng, thành phố Hà Nội đã có 131 nghệ nhân với 18 Nghệ nhân Nhân dân và 113 Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Ha Noi: Vinh danh 66 Nghe nhan linh vuc di san van hoa phi vat the hinh anh 2

Trao tặng bằng vinh danh Nghệ nhân ưu tú cho các nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Đây là niềm vinh dự và tự hào, đồng thời cũng là trọng trách để thành phố có những chính sách quan tâm thiết thực hơn nữa tới các nghệ nhân, những báu vật nhân văn sống, những người giữ vai trò quan trọng trong sáng tạo, sở hữu, bảo tồn và truyền dạy các giá trị văn hóa dân gian.

Tại lễ trao tặng, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Minh Tám (tổ 2, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) nghệ thuật trình diễn dân gian trống hội xúc động chia sẻ, danh hiệu là niềm vinh dự và là động lực để bà cố gắng hơn trong việc giữ gìn, truyền dạy loại hình nghệ thuật độc đáo này. Bà cũng mong muốn nghệ thuật trống hội ngày càng lan tỏa rộng rãi, ngày càng nhiều người biết tới và tham gia trình diễn trống hội.

Cùng chung cảm xúc, Nghệ nhân Ưu tú Lê Thị Nhuệ Phái (thôn Trung Lập, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên), nghệ thuật trình diễn hát chèo cho biết, bà gắn bó với nghệ thuật chèo từ năm 13 tuổi.

50 năm qua, bà mang tiếng hát của mình đi biểu diễn nhiều nơi, giới thiệu loại hình nghệ thuật truyền thống đến với đông đảo mọi người. Không chỉ say mê với giai điệu chèo, bà còn đi truyền dạy cho nhiều lớp học ở mọi nơi.

Với những đóng góp to lớn của các nghệ nhân, ngày 8/12/2022, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ nghệ nhân, câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Nghị quyết nhằm bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố đúng định hướng, phát huy có hiệu quả, tránh nguy cơ mai một, thất truyền, hỗ trợ giáo dục lịch sử, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của nhân dân; góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nghệ nhân, các câu lạc bộ hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể có điều kiện thuận lợi trong việc thực hành, bảo vệ, phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể.

Ba lĩnh vực hợp tác tiềm năng thúc đẩy giao lưu nhân dân Việt Nam – Nam Phi Ba lĩnh vực hợp tác tiềm năng thúc đẩy giao lưu nhân dân Việt Nam – Nam Phi
Ngày 14/12, tại Hà Nội, trong cuộc gặp Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) Nguyễn Phương Nga, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam Vuyiswa Tulelo cho biết, có ba lĩnh vực tiềm năng góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân Việt Nam – Nam Phi, đó là: xuất nhập khẩu than đá, giáo dục và giới thiệu di sản.
Lan tỏa giá trị di sản văn hóa chiêng Mường Lan tỏa giá trị di sản văn hóa chiêng Mường
Cồng chiêng là loại hình văn hóa đặc sắc, đầy sức hấp dẫn của dân tộc Mường, tỉnh Hòa Bình. Từ bao đời nay, âm thanh cồng chiêng luôn gắn liền với phong tục, tập quán, lễ nghi trong đời sống tâm linh của người Mường. Văn hóa cồng chiêng được sáng tạo và lưu truyền hàng nghìn năm trong đời sống cộng đồng người Mường, góp phần quan trọng làm nên bản sắc văn hóa riêng của dân tộc.

Theo TTXVN

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/ha-noi-vinh-danh-66-nghe-nhan-linh-vuc-di-san-van-hoa-phi-vat-the-180222.html

In bài viết