Đại sứ Nguyễn Văn Thảo: Thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - EU lên tầm cao mới

09:57 | 08/12/2022

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU tại Brussels, Vương quốc Bỉ, vào ngày 14/12/2022 và thăm chính thức Đại Công quốc Luxembourg, Vương quốc Hà Lan và Vương quốc Bỉ từ ngày 9 đến ngày 15/12/2022.
Đại sứ Tredene Dobson: Thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - New Zealand Đại sứ Tredene Dobson: Thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - New Zealand
Việt Nam luôn coi trọng, thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với New Zealand Việt Nam luôn coi trọng, thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với New Zealand

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Brussels đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, kiêm nhiệm Đại Công quốc Luxembourg, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) về chuyến thăm này. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Chú thích ảnh
Đại sứ Nguyễn Văn Thảo (Ảnh: Hương Giang - PV TTXVN tại Bỉ).

Xin Đại sứ cho biết mục đích và ý nghĩa chuyến thăm EU lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính?

Chuyến thăm và làm việc tại châu Âu, dự Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa ASEAN và EU, thăm chính thức Đại Công quốc Luxembourg, Hà Lan và Bỉ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam có 3 ý nghĩa hết sức cơ bản.

Thứ nhất, đây là chuyến thăm để tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam là một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Thời gian gần đây, cả thế giới đều đang chứng kiến những biến động khó lường, từ đại dịch COVID-19 đến cạnh tranh chiến lược, xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là những vấn đề liên quan đến sự phát triển của thế giới và đã thu hút sự quan tâm. Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng với các hoạt động đối ngoại cấp cao với tần suất dày đặc và hiệu quả trong thời gian gần đây của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm và sẵn sàng có những sáng kiến, những giải pháp để đóng góp một cách thiết thực, hiệu quả vào quá trình ổn định và phát triển của thế giới cũng như khu vực.

Thứ hai, chuyến thăm này cũng một lần nữa tái khẳng định uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Thời điểm này, lãnh đạo của EU cũng như lãnh đạo một số nước thành viên mà Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến đến thăm đều đang có những lịch trình hoạt động dày đặc, bận rộn với nhiều vấn đề nóng hổi. Tuy nhiên, khi được biết Thủ tướng Chính phủ có kế hoạch thăm và dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-EU, lãnh đạo bạn đều hoan nghênh và mong muốn được gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính để cùng trao đổi, chia sẻ những vấn đề mà họ đang quan tâm hiện nay trong khu vực và thế giới. Đây cũng là một điều hết sức quan trọng vì họ kỳ vọng rằng Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm và có nhiều sáng kiến, có thể có những đóng góp tích cực. Một số nhà lãnh đạo các nước đã thay đổi lịch trình hoạt động để phù hợp với chương trình công tác của Thủ tướng Chính phủ. Điều quan trọng hơn, đó là những nội dung mà hai bên dự kiến sẽ trao đổi, khẳng định uy tín và vị thế của Việt Nam.

Đại sứ quán được biết, lãnh đạo của EU mong muốn được cùng trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính về những vấn đề mà họ đang quan tâm. Đó là thúc đẩy thương mại, đầu tư toàn cầu, liên kết kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, phát triển kinh tế biển, phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế số. Đây là những vấn đề mà EU rất mong muốn sẽ được trao đổi với Việt Nam. EU đánh giá Việt Nam là một đối tác quan trọng của khu vực và đã có những thành công nhất định trong phát triển kinh tế cũng như kiểm soát đại dịch COVID-19 vừa qua.

Tôi được biết có những nhà lãnh đạo đã bày tỏ mong muốn được gặp, lắng nghe những chia sẻ của Thủ tướng Phạm Minh Chính về những tầm nhìn, chiến lược, sáng kiến, bài học kinh nghiệm của Việt Nam trong những năm qua, cả về chiến lược về đối ngoại, cách giữ được môi trường hòa bình, ổn định về chính trị cũng như những vấn đề về kiểm soát dịch bệnh và thúc đẩy phát triển kinh tế. Những điều này cho thấy EU thực sự coi trọng Việt Nam như một đối tác quan trọng ở khu vực.

Thứ ba, với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Phạm Minh Chính, những hoạt động này cần phải hướng tới sự thực chất và hiệu quả. Do đó, từ nội dung trao đổi cho đến các kết quả của chuyến thăm đều phải đảm bảo được lợi ích của đất nước cũng như đảm bảo đóng góp vào sự phát triển ổn định của thế giới. Từ phía EU, một trong những chủ đề EU muốn trao đổi với Việt Nam là thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, gắn kết thương mại toàn cầu. Việt Nam là một trong 4 nước châu Á có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU và trong 2 năm đại dịch COVID-19 hoành hành, trong khi kim ngạch thương mại của tất cả các nước đều suy giảm, trao đổi thương mại giữa Việt Nam với EU vẫn tăng lên và đây cũng là lĩnh vực mà EU rất mong muốn được tiếp tục thúc đẩy hợp tác để khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian vừa qua. Biến đổi khí hậu là một ưu tiên cao của EU và họ đánh giá cao cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) tại Glasgow (Vương quốc Anh) vào năm ngoái. Đồng thời, EU cũng đánh giá rất cao chương trình hành động và quyết tâm rất lớn của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo EU sẽ trao đổi về những chủ đề đang được quan tâm hiện nay. Đó là vấn đề về an ninh lương thực, an ninh năng lượng, kinh tế biển, kinh tế tuần hoàn. Đây là những vấn đề mà Việt Nam đang rất quan tâm, trong khi EU có kinh nghiệm và thế mạnh nhất định. Chúng tôi tin rằng điều này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của Việt Nam.

Với một số quốc gia EU mà Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ thăm trong chuyến này, vấn đề hiệu quả thiết thực thể hiện rất rõ. Tuy là một quốc gia có nền kinh tế nhỏ bé, Luxembourg là một trung tâm tài chính của châu Âu. Do vậy, điểm nhấn quan trọng nhất trong chuyến thăm của Thủ tướng là thúc đẩy hợp tác về phát triển thị trường tài chính. Luxembourg có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính. Họ cũng đã phát triển thành nước có thu nhập bình quân đầu người cao hàng đầu thế giới hiện nay và chúng ta đang có nhu cầu rất lớn về thu hút các nguồn tài chính phục vụ cho quá trình phát triển của đất nước.

Với Bỉ, Việt Nam sẽ tập trung phát triển quan hệ hợp tác mà nước này có thế mạnh và chúng ta có nhu cầu. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Bỉ và Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác về nông nghiệp từ năm 2018 và Bỉ là một nước ở châu Âu có thế mạnh xuất khẩu nông sản. Những sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam và Bỉ có tính bổ trợ cho nhau và họ hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái bền vững và có chất lượng cao. Đây chính là điều mà chúng ta đang tìm kiếm để thúc đẩy phát triển nền kinh tế nông nghiệp của Việt Nam.

Bên cạnh đó là lĩnh vực công nghệ cao. Bỉ cũng là một trung tâm công nghệ cao hàng đầu châu Âu, trong đó có sản xuất chip điện tử. Đây là vấn đề đang nóng trên toàn cầu. Trong các hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sẽ đề cập các biện pháp thúc đẩy lĩnh vực này.

Ngoài ra, Bỉ có những thế mạnh về logistic, vấn đề về cảng biển cũng như năng lượng tái tạo. Bạn rất mong muốn hợp tác với Việt Nam và chúng ta cũng có nhu cầu này. Vì thế, trong chương trình, Đại sứ quán thiết kế rất nhiều hoạt động theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Đó là vừa trao đổi với lãnh đạo của Bỉ ở cấp liên bang và vừa có những trao đổi rất cụ thể với từng vùng theo những thế mạnh riêng của họ. Đồng thời, chúng tôi tổ chức những hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp để tạo cơ hội hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.

Thưa Đại sứ, đâu là những kết quả cụ thể nhất mà chúng ta hy vọng đạt được trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính?

Các chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến EU và Bỉ, dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ giữa ASEAN -EU và hoạt động của Thủ tướng thăm chính thức một số nước EU lần này cũng là một trong những hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và một số quốc gia ở châu Âu. Tuy nhiên, mục đích chính sẽ là tập trung thúc đẩy, nâng quan hệ hợp tác Việt Nam-EU lên một tầm cao mới và phù hợp với bối cảnh tình hình mới hiện nay. Những vấn đề về an ninh lương thực, an ninh năng lượng hiện đang rất nóng trên toàn cầu. Tuy nhiên, trong khó khăn vẫn sẽ có cơ hội và chúng ta hoàn toàn có thể tạo dựng được cơ hội từ những khó khăn, thách thức. Điều này được thể hiện không chỉ là các cuộc tiếp xúc, trao đổi mà là hàng chục các bản thỏa thuận hợp tác cùng biên bản ghi nhớ. Hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác phát triển nông nghiệp, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre và một tập đoàn của Bỉ hợp tác đẩy mạnh sản xuất than hoạt tính làm từ gáo dừa và các sản phẩm năng lượng sinh khối từ cây dừa. Hai bên sẽ thúc đẩy thỏa thuận hợp tác về thiết lập một trung tâm logistic và cabine lạnh để phục vụ xuất khẩu nông sản của Việt Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là những dự án trọng điểm góp phần củng cố quan hệ hợp tác thực chất giữa Việt Nam và các nước EU.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ.

Đưa quan hệ song phương Việt Nam-Australia lên tầm cao mới Đưa quan hệ song phương Việt Nam-Australia lên tầm cao mới
Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành chia sẻ về quan hệ hợp tác nghị viện giữa hai nước và ý nghĩa chuyến thăm Australia của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Đan Mạch Thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Đan Mạch
Chiều 28/11/2022, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Nicolai Prytz, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam nhân dịp nhận nhiệm vụ công tác tại Việt Nam.

Theo Báo Tin tức/TTXVN

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/dai-su-nguyen-van-thao-thuc-day-quan-he-hop-tac-viet-nam-eu-len-tam-cao-moi-179658.html

In bài viết