Xung đột Nga - Ukraine có vượt tầm kiểm soát?

17:31 | 18/11/2022

Vụ tên lửa rơi trên lãnh thổ Ba Lan đang tạo ra một cơn xoáy lốc nguy hiểm, có thể đẩy cuộc xung đột quân sự hiện nay giữa Nga và Ukraine vượt tầm kiểm soát, trở thành cuộc đối đầu trực diện giữa Nga với liên minh quân sự NATO.
Long An: Tăng cường kiểm soát biên giới, cửa khẩu Long An: Tăng cường kiểm soát biên giới, cửa khẩu
Việt Nam kêu gọi chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình ở Ukraine Việt Nam kêu gọi chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình ở Ukraine

Dù vụ tên lửa rơi xuống làng Przewodow ở đông nam Ba Lan, tiếp giáp biên giới với Ukraine, vào ngày 15-11 khiến 2 dân thường thiệt mạng, vẫn đang tiếp tục được điều ra và chưa có kết luận cuối cùng, song xem ra đã tương đối rõ ràng. Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg sau cuộc họp với đại sứ các quốc gia thành viên của liên minh quân sự này đã cho rằng, vụ nổ do tên lửa rơi vào lãnh thổ Ba Lan - một thành viên của NATO - có khả năng do hệ thống phòng thủ tên lửa của Ukraine gây ra.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trong phát biểu được truyền thông quốc tế dẫn lời đã cho rằng, vụ nổ có nhiều khả năng là do 1 tên lửa được các lực lượng của Ukraine sử dụng. Ông Andrzej Duda cũng nêu rõ, không có dấu hiệu nào cho thấy đây là một vụ tấn công có chủ đích nhằm vào Ba Lan, và gọi đây là một tai nạn đáng tiếc.

Binh sĩ Ukraine khai hỏa một khẩu pháo về phía lực lượng Nga ở Bakhmut, miền Đông (Ảnh: AFP).
Binh sĩ Ukraine khai hỏa một khẩu pháo về phía lực lượng Nga ở Bakhmut, miền Đông (Ảnh: AFP).

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu với báo giới ngay sau trở lại Nhà trắng sau chuyến công du châu Á đã phản bác bình luận của người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky rằng tên lửa rơi ở Ba Lan không có nguồn gốc từ Ukraine. Washington cũng lên tiếng ủng hộ đánh giá của Warsaw cho rằng tên lửa rơi trên lãnh thổ Ba Lan là do các lực lượng Ukraine phóng.

Thế nhưng, ngay từ khi có thông tin về tên lửa rơi ở Ba Lan khiến 2 người thiệt mạng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã khẳng định đó không phải tên lửa của Ukraine mà là tên lửa của Nga. Ông Volodymyr Zelensky đã có những cáo buộc như: “tên lửa của lực lượng Nga tập kích Ba Lan”, “đây là hành vi tấn công lãnh thổ NATO và cam kết an ninh tập thể”.

Kể từ khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine, Kiev đã kêu gọi Mỹ và phương Tây hậu thuẫn tối đa về tiền bạc và vũ khí trang bị cũng như thúc giục liên minh quân sự này can dự trực tiếp vào cuộc xung đột. Thực tế, các thành viên NATO do Mỹ đã cung cấp ngày càng nhiều các vũ khí hiện đại cho Ukraine. Tuy nhiên, cả Mỹ và NATO đều bác bỏ thẳng thừng bất cứ đề nghị nào về việc trực tiếp can dự vào cuộc xung đột quân sự giữa Ukraine và Nga.

Giới quan sát cho rằng việc Kiev đổ lỗi cho phía Nga trong vụ tên lửa nổ trên lãnh thổ Ba Lan là nhằm lôi kéo liên minh quân sự NATO dính líu vào cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga. Điều này có thể thấy rõ khi ông Volodymyr Zelensky cáo buộc “tên lửa của lực lượng Nga tập kích Ba Lan”, và đó là “hành vi tấn công lãnh thổ NATO và cam kết an ninh tập thể”.

Việc Ukraine cáo buộc như trên khiến người ta liên tưởng tới Điều 4 của Hiến chương NATO. Điều khoản này cho phép bất cứ quốc gia thành viên nào thảo luận với các nước còn lại trong liên minh về mọi vấn đề được quan tâm, đặc biệt là về “sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hoặc an ninh” khi họ bị đe dọa.

Theo giới phân tích, nếu Ba Lan viện dẫn Điều 4, vụ tên lửa rơi trên lãnh thổ nước này sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bắc Đại Tây Dương, cơ quan ra quyết định chính trị của NATO. Trong quá khứ, Điều 4 đã được kích hoạt 7 lần kể từ khi NATO thành lập vào năm 1949. Gần đây nhất, các thành viên Latvia, Litva, Ba Lan, Bulgaria, Cộng hòa Czech, Estonia, Romania và Slovakia đã viện dẫn điều khoản này để tổ chức các cuộc họp của khối sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2 năm nay.

Bất kỳ thành viên của NATO cũng có quyền phản ứng quyết liệt hơn khi bị tấn công như vụ tên lửa rơi trong lãnh thổ Ba Lan là kích hoạt Điều 5 Hiến chương NATO, trong đó nêu rõ “một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều thành viên NATO sẽ được coi là đòn tấn công chống lại tất cả các thành viên” và liên minh có thể sử dụng vũ lực để đáp trả. Hơn 70 năm qua kể từ khi thành lập, Điều 5 về phòng thủ tập thể của NATO mới chỉ được kích hoạt một lần sau các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ ngày 119-2001. Lực lượng NATO do Mỹ dẫn đầu sau đó đã mở cuộc tấn công quân sự vào Afghanistan, quốc gia mà Washington cho rằng là nơi tổ chức khủng bố Ai Qaeda của “trùm khủng bố” Bin Laden vạch kế hoạch tấn công khủng bố nước Mỹ.

Trở lại với vụ tên lửa rơi ở Ba Lan, nước này chưa có những tuyên bố chính thức liên quan đến những quy định của Hiến chương NATO, song giới quan sát cho rằng hầu như không có khả năng Warsaw đẩy đối đầu với Nga leo lên nấc thang căng thẳng mới. Bởi điều này có thể dẫn tới những hệ lụy, nguy cơ bất ổn định và an ninh không lường hết nổi cho không chỉ châu Âu mà toàn thế giới.

Cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine hiện nay dù chỉ là cuộc giao tranh giữa hai bên và hầu như chỉ diễn ra trên lãnh thổ Ukraine, song đã đưa lại những hậu quả vô cùng nặng nề, trước hết là cho hai bên tham chiến với số thương vong rất lớn cùng hàng triệu người phải bỏ nhà đi lánh nạn. Đồng thời gây ra cuộc khủng hoảng về an ninh năng lượng và an ninh lương thực, nguy cơ đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái.

Leo thang xung đột quân sự, biến thành cuộc đối đầu trực diện giữa liên minh quân sự NATO và Nga sẽ đưa lại hậu quả còn nghiêm trọng gấp bội phần. Nga có thể chưa sánh bằng NATO về vũ khí thông thường, nhưng không ai được phép quên rằng đây là quốc gia sở hữu kho vũ khí hủy diệt hàng loạt ngang ngửa với Mỹ.

Bởi thế, phần nào những người yêu hòa bình trên thế giới có thể tạm yên tâm khi Tổng thống Andrzej Duda khẳng định, vụ tên lửa rơi chỉ là “một tai nạn đáng tiếc” và rằng không phải là “một vụ tấn công có chủ đích nhằm vào Ba Lan”.

Giáo sư Nhật Bản đánh giá cao việc Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập Giáo sư Nhật Bản đánh giá cao việc Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập
Việc Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là “bước tiến lớn” hướng tới việc xây dựng cơ chế chống tham nhũng hiệu quả ở Việt Nam. Trên đây là khẳng định của Giáo sư Hirofumi Takada, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS), trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Tokyo về vấn đề này.
Tân Tổng thống Philippines Tân Tổng thống Philippines "tìm các biện pháp giải quyết xung đột" với Bắc Kinh
Tân Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr nói rằng ông muốn quan hệ với Trung Quốc không chỉ xoay quanh tranh chấp Biển Đông, và muốn mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực khác như trao đổi quân sự.

Dương Hà

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/xung-dot-nga-ukraine-co-vuot-tam-kiem-soat-178682.html

In bài viết