Ủy ban Hòa bình Việt Nam đóng góp thiết thực, trách nhiệm vào hòa bình thế giới

14:16 | 11/11/2022

Các hoạt động của Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã đóng góp chung cho công tác đối ngoại nhân dân của Việt Nam, cho việc thúc đẩy, bảo vệ hình ảnh, lợi ích quốc gia dân tộc của Việt Nam cũng như cho phong trào nhân dân khu vực và quốc tế.
Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước trong hoạt động gìn giữ hòa bình Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước trong hoạt động gìn giữ hòa bình
Chiêm ngưỡng những vẻ đẹp hòa bình rất đỗi nên thơ của Hà Nội Chiêm ngưỡng những vẻ đẹp hòa bình rất đỗi nên thơ của Hà Nội

Giữ vai trò tích cực trong các phong trào hòa bình của nhân dân khu vực và quốc tế

Theo báo cáo của Ủy ban Hòa bình Việt Nam, trong nhiệm kỳ 2013 - 2020, Ủy ban đã chủ động bám sát tình hình trong nước và quốc tế, triển khai các hoạt động trên tinh thần thực hiện chỉ thị 28-CT/TW ngày 02/12/2008 và hiện nay là Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 19/9/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Liên hiệp hữu nghị) trong tình hình mới, Chương trình hành động của Liên hiệp Hữu nghị nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc Liên hiệp Hữu nghị lần thứ V, VI và Nghị quyết Đại hội UBHB VN nhiệm kỳ 2013 - 2020, đóng góp chung cho công tác đối ngoại nhân dân của Việt Nam nói riêng, cho việc thúc đẩy, bảo vệ hình ảnh, lợi ích quốc gia dân tộc của Việt Nam nói chung, cũng như cho phong trào nhân dân khu vực và quốc tế.

Ủy ban Hòa bình Việt Nam hội đàm với Đoàn đại biểu Ủy ban Hòa bình và Đoàn kết Lào hồi tháng 10/2022 (Ảnh: Thu Hà).
Ủy ban Hòa bình Việt Nam hội đàm với Đoàn đại biểu Ủy ban Hòa bình và Đoàn kết Lào hồi tháng 10/2022 (Ảnh: Thu Hà).

Các hoạt động chính trị đối ngoại của Uỷ ban Hòa bình Việt Nam đa dạng trên lĩnh vực hòa bình, an ninh. Ủy ban Hòa bình Việt Nam tiếp tục giữ vai trò tích cực trong các phong trào hòa bình của nhân dân khu vực và quốc tế, các diễn đàn nhân dân đa phương; duy trì và mở rộng quan hệ đối tác với các tổ chức hoà bình và tiến bộ; chú trọng mở rộng các hoạt động trao đổi song phương nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, giới thiệu về tình hình Việt Nam và vận động đoàn kết, ủng hộ và hợp tác với Việt Nam; đóng góp cho phong trào nhân dân thế giới và khu vực vì hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững.

Trong công tác đối ngoại nhân dân đa phương, nhiệm kỳ vừa qua, Ủy ban Hòa bình Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực và có trách nhiệm các hoạt động của Hội đồng Hòa bình thế giới (Hội đồng). Tại Đại hội của Hội đồng năm 2016, Ủy ban Hòa bình Việt Nam tiếp tục được bầu là Phó Chủ tịch của Hội đồng. Năm 2017, Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Ban Chấp hành Hội đồng), được đánh giá là một trong những Hội nghị thành công nhất từ trước tới nay của Hội đồng.

Với các phong trào phản đối vũ khí hạt nhân, đặc biệt là các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị thế giới chống Bom A&H, Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã có những đóng góp sâu hơn, thiết thực hơn, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì hòa bình - an ninh của nhân dân thế giới.

Trong những năm gần đây, Ủy ban Hòa bình Việt Nam luôn tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Hội đồng chống bom Nguyên tử và Khinh khí Nhật Bản (GENSUIKYO) thu thập chữ ký phản đối vũ khí hạt nhân. Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Hòa bình và Liên hiệp hữu nghị các địa phương và các tổ chức nhân dân Việt Nam thu thập hơn 1,5 triệu chữ ký (năm 2015), gần 1 triệu chữ ký (năm 2019-2020) trên phạm vi cả nước, đóng góp chung cho phong trào hòa bình thế giới trong cuộc chiến chống vũ khí hạt nhân, khẳng định được lòng tin cũng như tranh thủ sự ủng hộ từ bạn bè quốc tế.

Ủy ban Hòa bình Việt Nam cũng đã tích cực tham gia các hoạt động đối ngoại nhân dân đa phương như: Diễn đàn nhân dân ASEAN, Diễn đàn Nhân dân Á – Âu với nhiều nội dung và hình thức hoạt động phong phú, hiệu quả như: đồng chủ trì một số hội thảo về hòa bình và an ninh, giới thiệu về Việt Nam với bạn bè khu vực và quốc tế, thúc đẩy những vấn đề phù hợp với lợi ích của Việt Nam (như vấn đề Biển Đông, chất độc da cam, an ninh nguồn nước sông Mekong…), đấu tranh với các lực lượng chống phá Việt Nam trên các lĩnh vực dân chủ, nhân quyền.

Trong quan hệ song phương, Ủy ban Hòa bình Việt Nam tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống như Ủy ban Hòa bình và Đoàn kết Lào, Hiệp hội nhân dân Trung Quốc vì hòa bình và tài giảm quân bị (Hòa Tài), GENSUIKYO, Ủy ban Hòa bình Triều Tiên, Tổ chức Hòa bình và Đoàn kết toàn Ấn Độ…

Bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam

Một trong những điểm đáng chú ý trong các hoạt động đối ngoại của Ủy ban Hòa bình Việt Nam là những đóng góp trong công tác bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc trong vấn đề chủ quyền biển đảo. Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã có nhiều hình thức lồng ghép vấn đề chủ quyền biển đảo khi tham gia các hoạt động quốc tế và khu vực cũng như trong các cuộc tiếp xúc các đối tác.

Uỷ ban chủ động gửi các Thông báo, Thư kêu gọi ủng hộ Việt Nam và đã nhận được nhiều phản hồi, tuyên bố ủng hộ nhân dân Việt Nam của các tổ chức đối tác. Nhờ những hoạt động tích cực đó, trong hầu hết các văn kiện, tuyên bố, thông cáo chung của các hội nghị, diễn đàn liên quan mà Ủy ban Hòa bình tham gia (Hội đồng Hòa bình thế giới, các diễn đàn nhân dân Á – Âu và ASEAN, nội dung về Biển Đông luôn được đề cập đến theo hướng phù hợp với lợi ích của ta. Đặc biệt, Hội đồng Hòa bình thế giới luôn chia sẻ quan điểm với ta trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển.

Trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, trong nhiệm kỳ qua, trong khuôn khổ kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền (UPR) chu kỳ II và III (2014 và 2018), Uỷ ban Hòa bình đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến và vận động một số tổ chức bạn bè quốc tế như Hội đồng Hòa bình Thế giới, Hội đồng Hòa bình Băng-la-đét và Hòa Tài đã có báo cáo về việc thực hiện nhân quyền của Việt Nam gửi lên Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc vào năm 2014 và 2018. Hội đồng Hòa bình Thế giới đã cử đại diện tham dự phiên đóng góp ý kiến cho Báo cáo kiểm điểm định kỳ về nhân quyền (UPR) của Việt Nam tại Liên hợp quốc năm 2015 và 2019. Hội đồng Hòa bình Venezuela cũng đã tham gia phát biểu đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận chung về nhân quyền ở Việt Nam năm 2019.

Các hoạt động trong nước của Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã có những bước đột phá; sôi nổi, đa dạng, có chiều sâu hơn. Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã phối hợp tốt với các tổ chức thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, các tổ chức nhân dân khác trong quá trình tổ chức, tham gia các hoạt động, đặc biệt các hoạt động hòa bình, nâng cao nhận thức của người dân nói chung và thế hệ trẻ nói riêng về hòa bình, đoàn kết quốc tế.

Những thành tựu của Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã đóng góp một phần vào thành công trong công tác đối ngoại nhân dân của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, công tác bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, cũng như cho phong trào chung của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Sự tham gia của Việt Nam vào hoạt động gìn giữ hòa bình tạo cơ sở cho việc giải quyết thách thức về nhân quyền Sự tham gia của Việt Nam vào hoạt động gìn giữ hòa bình tạo cơ sở cho việc giải quyết thách thức về nhân quyền
Nhóm tình nguyện viên đầu tiên của Chương trình Hòa bình tới Việt Nam Nhóm tình nguyện viên đầu tiên của Chương trình Hòa bình tới Việt Nam

Thành Luân

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/uy-ban-hoa-binh-viet-nam-dong-gop-thiet-thuc-trach-nhiem-vao-hoa-binh-the-gioi-178295.html

In bài viết