Truyền thống hoà hiếu của dân tộc Việt Nam

07:28 | 08/11/2022

"Việt Nam là một đất nước tuyệt đẹp, một dân tộc anh hùng, dũng cảm trong chiến tranh, một dân tộc yêu chuộng hòa bình, tự do". Đó là nhận xét sau khi đến thăm Việt Nam của Terry Pratchett - nhà văn nổi tiếng người Anh có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới.
Người làm rạng danh dân tộc Việt Nam Người làm rạng danh dân tộc Việt Nam
Người giới thiệu trang phục dân tộc Việt Nam qua búp bê với thế giới Người giới thiệu trang phục dân tộc Việt Nam qua búp bê với thế giới

Là đất nước có vị trí địa - văn hóa giao thoa nên trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Việt Nam đã tiếp xúc và giao lưu với nhiều nền văn hóa và văn minh. Trong quá trình giao lưu và tiếp xúc ấy, Việt Nam trở thành miền đất lành cho nhiều cộng đồng dân cư, với những truyền thống lịch sử, văn hóa khác nhau dừng chân xây cơ, dựng nghiệp, tạo nên một quốc gia đa dân tộc.

Cho đến nay, trên dải đất hình chữ S có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống hòa hợp và gắn bó với nhau trong vận mệnh chung của dân tộc Việt Nam. Tính hỗn dung (dung nạp mọi sự khác biệt) có ngay trong cơ tầng văn hóa truyền thống Việt Nam từ xa xưa.

Lê Lợi từng tha chết cho 100.000 quân giặc. (Ảnh: Internet)
Lê Lợi từng tha chết cho quân giặc. (Ảnh: Internet)

Lấy hòa hiếu làm đầu

Cũng do vị trí chiến lược về địa - chính trị, Việt Nam thường xuyên phải tiến hành các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm mà kẻ thù luôn là các thế lực hùng mạnh và hung hãn. Các đế chế phong kiến phương Bắc suốt từ thời Tần, Hán (trước Công nguyên) cho đến Mãn Thanh (cuối thế kỷ XVIII), không có triều đại nào không ít nhất một lần tấn công xâm lược Việt Nam. Đến khi các thế lực thực dân phương Tây tràn sang đánh chiếm phương Đông, Việt Nam lại phải đương đầu với những cường quốc đế quốc hàng đầu thế giới.

Liên tục trải qua chiến tranh và chịu nhiều hậu quả nặng nề của chiến tranh, Việt Nam là quốc gia hơn ai hết hiểu thế nào là giá trị của hòa bình. Chính vì vậy mà cùng với truyền thống hòa hiếu, hữu nghị, người Việt luôn tìm cách gìn giữ hòa bình, tránh nạn binh đao.

Theo giáo sư Vũ Minh Giang, lịch sử đã chỉ ra rằng, các chính quyền phong kiến Việt Nam từ ngàn xưa luôn lấy hòa hiếu làm đầu, ứng xử theo cách nhún nhường, tránh đối đầu. Từ thời Đinh - Lê đến các triều đại phong kiến sau này, các chính quyền quân chủ của Việt Nam luôn lấy lễ của nước nhỏ, khiêm nhường để đối đãi với các đế chế Trung Hoa thông qua các nghi thức tiến cống, xin thụ phong…

Ngay cả khi dã tâm xâm lược của họ đã lộ rõ, người Việt cũng tìm cách làm lắng dịu hoặc trì hoãn xung đột vũ trang. Chỉ đến khi không còn bất cứ cơ hội nào để giữ hòa bình, người Việt mới buộc đứng lên chiến đấu. Và một khi đã phải cầm vũ khí thì tinh thần bất khuất, ngoan cường của người Việt đã khiến cho tất cả các thế lực ngoại xâm đều khiếp sợ.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào thế kỷ X, sau khi thống nhất toàn cõi Trung Hoa lập ra đế chế Đại Tống, chính quyền phong kiến phương Bắc đã nuôi ý đồ thôn tính nước ta. Trước khi đem quân xâm lược, Tống Thái Tông đã viết thư với lời lẽ hết sức xấc xược: "Ngươi có theo về không? Chớ chuốc lấy tội lỗi. Ta đương chỉnh bị xe ngựa quân lính, sắp sửa các thứ chiêng trống, nếu quy phục thì ta tha cho, nếu trái mệnh thì ta quyết đánh. Theo hay không, lành hay dữ tự ngươi nghĩ lấy".

Nhưng Lê Hoàn vẫn nín nhịn sai người đem lễ vật đến Yên Kinh dâng biểu cầu phong với lời lẽ hết sức nhún nhường: "Cúi mong được chính thức lĩnh mệnh, đủ được dự hạng phiên bang để yên ủi tấm lòng tận trung của kẻ tôi mọn, nêu cao thịnh điển ban khen của thánh triều". Nhưng quân Tống vẫn không từ bỏ ý đồ xâm lược. Và lịch sử đã cho thấy quân Tống đã bị quân dân Đại Cồ Việt dưới sự chỉ huy của Lê Hoàn đánh tan tành trên sông Bạch Đằng năm 981.

Dưới thời Lý, chỉ trong vòng hơn 60 năm trị vì của các hoàng đế đầu triều, 23 đoàn sứ thần đã lần lượt được phái sang triều Tống để thực thi chính sách kết giao, hòa hiếu. Đại Việt luôn muốn hòa bình giữa hai nước. Thậm chí ngay cả khi nhà Tống đem quân sang xâm lược vào năm 1075, triều Lý một mặt kiên quyết đánh trả, nhưng mặt khác vẫn tìm mọi cách kết thúc chiến tranh.

Vào thời điểm quân Tống lâm vào tình thế khốn quẫn, ý chí xâm lược đã lung lay, không đủ sức tiếp tục tấn công, nhưng rút lui thì sợ mất thể diện, Lý Thường Kiệt đã chủ động đưa ra giải pháp chấm dứt chiến tranh trong danh dự cho nhà Tống với tư tưởng "Không nhọc tướng tá, khỏi tốn máu xương mà vẫn bảo toàn được tông miếu". Ông đã sai sứ giả tới nói với chủ tướng của quân Tống là Quách Quỳ: "Xin hạ chiếu rút đại binh về, thì lập tức sai sứ sang tạ tội và tu cống".

Đến thế kỷ XIII, quân và dân Đại Việt lại phải đối phó với một đạo quân hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Mặc dù đã giành được thắng lợi trong trận thử sức đầu tiên vào năm 1258, nhưng nhà Trần cũng đã hiểu rõ thế nào là sức mạnh và sự hung hãn của một đạo quân chinh phục khắp lục địa Á, Âu nên đã tìm mọi cách tránh đương đầu với quân Mông Nguyên.

Để thực thi kế sách hòa hoãn, triều đình đã buộc phải chấp nhận những yêu sách ngạo ngược, nhà vua phải cho chú ruột thay mình sang chầu. Năm 1281, nhà Nguyên thành lập An Nam tuyên úy ty, ngang nhiên coi Đại Việt như thuộc quốc của mình. Viên Tuyên úy phó sứ Sài Thung được cử đến tỏ ra hết sức hống hách, "đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ… đòi ngọc lụa để thoả lòng tham không cùng,... thu vàng bạc để vét của kho có hạn" (Lời Trần Hưng Đạo trong Hịch tướng sĩ), triều đình vẫn nhẫn nhịn. Đổi lại, Đại Việt có 27 năm hòa bình quý giá để chuẩn bị cho cuộc một cuộc kháng chiến không thể tránh khỏi. Và khi giới hạn cuối cùng là chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc bị xâm phạm thì cả đất nước lại nhất tề đứng dậy, trên dưới đồng lòng làm nên những chiến công hiển hách.

Truyền thống nhân ái, vị tha và bao dung

Những bài học lịch sử tương tự như vậy có thể tìm thấy rất nhiều trong các giai đoạn lịch sử tiếp theo. Đơn cử như việc Lê Lợi, Nguyễn Trãi đang trên thế thắng, xiết chặt vòng vây, có thể tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Đông Quan, nhưng đã chủ trương mở lối thoát cho quân địch để sớm vãn hồi hòa bình. Trong bài Phú núi Chí Linh, Nguyễn Trãi viết:

"Nghĩ kế nước nhà trường cửu

Tha cho mười vạn hàng binh

Gây lại hòa hảo hai nước

Dập tắt chiến tranh cho muôn đời".

Hay như đối với nhà Thanh cuối thế kỷ XVIII, ngay sau khi đại phá 29 vạn quân xâm lược ở Ngọc Hồi và Đống Đa, Quang Trung đã cử sứ giả sang Trung Quốc để giữ thể diện cho thiên triều với mong muốn không để họ chỉ vì sĩ diện mà động binh trở lại.

“Từ một nền văn minh lúa nước đậm chất làng xã với đặc trưng nổi trội là hòa đồng, dân tộc Việt Nam đã tiếp biến được nhiều giá trị của các nền văn minh nhân loại, trong đó sớm nhất là văn minh Trung Hoa và văn minh Ấn Độ. Nếu như những giá trị của văn minh Nho giáo đã giúp người Việt nâng tầm văn hiến thì những giá trị Phật giáo lại góp phần làm sâu sắc thêm truyền thống nhân ái, vị tha và bao dung của người Việt Nam…”, Giáo sư Vũ Minh Giang nhận xét.

Truyền thống hòa hiếu của dân tộc Việt Nam không chỉ được biểu hiện trong các phương sách đối ngoại của các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc mà truyền thống văn hóa ấy còn được in đậm dấu ấn trong đời sống văn hóa, phong tục, tập quán của người dân Việt Nam và đặc biệt là trong kho tàng di sản văn hoá của mỗi dân tộc, văn học dân gian luôn có vị trí quan trọng đặc biệt, vì đây là sáng tạo của quần chúng nhân dân, thường là những đúc kết mang tính khái quát cao được truyền từ đời này sang đời khác.

Chính vì vậy, ca dao, tục ngữ có thể xem là một nguồn tư liệu quý để nghiên cứu về truyền thống ứng xử hòa hợp - khoan dung,... của người Việt từ trong gia đình đến ngoài xã hội và ở trong mọi hoàn cảnh khác nhau. "Tình làng nghĩa xóm", "Lá lành đùm lá rách" ,"Chia ngọt xẻ bùi", "Đồng cam cộng khổ", "Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ", "Uống nước nhớ nguồn"... luôn được đề cao.

Truyền thống văn hóa quý báu đó ngay từ khi còn nằm trong vành nôi, không có ai lại không được nghe lời ru giản dị, trong sáng và đầy tình nghĩa của người mẹ "Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"... Lẽ sống Việt Nam, thông qua hình tượng bầu bí trong lời ru ấy, cùng với biết bao lời ru răn dạy khác bên nôi của người mẹ, đã dẫn dắt đứa con còn phôi thai nhập thân vào văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy tinh thần hòa hiếu đã thấm sâu vào trong dòng máu nóng của mỗi người dân nước Việt cả trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước giữ vững môi trường hòa bình của khu vực và trên toàn thế giới và trong cả đời sống thường nhật. Tinh thần ấy không bao giờ ngừng tắt mà nó luôn có sức thôi thúc, lan tỏa trong đời sống con người. Và bất cứ ở đâu, khi nào có làn gió mới, ngọn lửa ấy lại được thổi bùng lên mãnh liệt.

Tổ chức Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam vào tháng 11/2022 Tổ chức Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam vào tháng 11/2022
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 2143/KH-BVHTTDL về việc tổ chức Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2022 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Sự kiện sẽ diễn ra trong 6 ngày từ 18 - 23/11/2022.
Vun đắp tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Đan Mạch ngày càng phát triển Vun đắp tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Đan Mạch ngày càng phát triển
Chiều 06/7/2022, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp Đại sứ Đan Mạch Kim Højlund Christensen đến chào từ biệt nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.

GS, TSKH, NGND Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/truyen-thong-hoa-hieu-cua-dan-toc-viet-nam-178108.html

In bài viết