Đặc sắc lễ cúng Thu

11:48 | 26/09/2022

Việc tế tự tại các đình trên địa bàn TP Tuy Hòa theo phong tục truyền thống vào tháng 8 âm lịch hàng năm dưới hình thức cúng Thu là dịp bà con tề tựu về đình, cầu nguyện mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, làm ăn phát đạt; cầu cho dân giàu nước mạnh, Nhân dân được bình yên và cầu siêu cho các vị tiền nhân, anh hùng liệt sĩ đã có công xây dựng vùng đất thế hệ hôm nay thừa hưởng với lòng biết ơn sâu sắc.
Dấu ấn đặc sắc Ngày Văn hóa Việt Nam tại Thụy Sỹ Dấu ấn đặc sắc Ngày Văn hóa Việt Nam tại Thụy Sỹ
Thúc đẩy quảng bá các giá trị đặc sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội Thúc đẩy quảng bá các giá trị đặc sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội

Mới hai giờ sáng, ông Lê Văn Ba cùng một số người cao tuổi ở khu phố Ninh Tịnh 2 và Ninh Tịnh 5 (phường 9, TP Tuy Hòa) đã có mặt tại đình Ninh Tịnh. Ngôi đình này được xây dựng vào năm 1934, đại tu năm 2006. Tính ra, tuổi của đình Ninh Tịnh còn cao hơn tuổi các bậc cao niên vận áo dài khăn đóng, đang chuẩn bị cho lễ Chánh tế.

Cúng tế các bậc tiền nhân và liệt sĩ trong lễ cúng Thu tại đình Ninh Tịnh, phường 9, TP Tuy Hòa. Ảnh: YÊN LAN
Cúng tế các bậc tiền nhân và liệt sĩ trong lễ cúng Thu tại đình Ninh Tịnh, phường 9, TP Tuy Hòa (Ảnh: Yên Lan).

Nghi thức truyền thống

Sau hai năm gián đoạn do đại dịch COVID-19, lễ cúng Thu được tổ chức trang nghiêm tại đình Ninh Tịnh với đầy đủ các lễ thức theo phong tục cổ truyền. Ông Lê Văn Ba, Trưởng khu phố Ninh Tịnh 2 và ông Đặng Oanh, Trưởng khu phố Ninh Tịnh 5, đồng trưởng ban tổ chức.

Trước đó, để chuẩn bị cho lễ cúng Thu, hai khu phố trưởng vận động bà con ở 11 tổ dân phố đóng góp. Danh sách những người đóng góp và số tiền được công khai ngay tại đình. Ban nghi lễ, ban tiếp khách, ban ánh sáng, ban giám sát, tổ nấu nướng, tổ phục vụ hậu cần, tổ an ninh - trật tự... được thành lập. Bà con ở Ninh Tịnh 2 và Ninh Tịnh 5, mỗi người mỗi việc, tham gia góp sức vào lễ cúng Thu. Ai nấy đều mong muốn lễ cúng Thu được thực hiện trọn vẹn nhất, từ lễ rước, khai kinh - cầu quốc thái dân an, lễ Túc yết, lễ Chánh tế, đến việc đón tiếp các đại biểu, người dân đến đình dâng hương, mạn đàm.

Ông Trần Quang Tỷ, một bậc cao niên ở khu phố Ninh Tịnh 5, cho biết: Theo phong tục, cúng Thu là nghi lễ tạ ơn trời đất, bày tỏ lòng biết ơn Thành hoàng Lương Văn Chánh, các vị thần hoàng bản thổ, các bậc tiền hiền đã có công xây dựng, bảo vệ quê hương; cầu nguyện cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu, công việc của người người, nhà nhà được thuận lợi, Nhân dân no ấm.

Theo ông Nguyễn Chí Xanh, Phó Ban quản lý đình Năng Tịnh (phường 1, TP Tuy Hòa), lễ cúng Thu cũng vừa diễn ra tại đình theo nghi thức truyền thống. Đình Năng Tịnh có diện tích 159,1m2, được xây dựng vào khoảng năm 1825. Đình là nơi thờ thành hoàng, tiền hiền, hậu hiền, nữ thần Thiên Y A Na và có ba bản sao các sắc phong của triều Nguyễn. Trong đó, năm 1890, vua Thành Thái ban sắc phong vào ngày 20/2/1890 cho làng Năng Tịnh là nơi thờ nữ thần Thiên Y A Na. Đời vua Duy Tân cũng ban sắc phong cho làng Năng Tịnh vào ngày 1/8/1910, vua Khải Định ban sắc phong lần thứ ba cho làng Năng Tịnh vào ngày 25/4/1924.

Từ đó, Nhân dân làng Năng Tịnh xuân kỳ thu tế tri ân tiền nhân. Hàng năm đến ngày rằm tháng Giêng là dâng hương cúng chay với lòng tri ân xuân kỳ vào dịp đầu năm. Đến 20/8 âm lịch, bà con tự nguyện áo dài khăn đóng khiêng long đình từ đình Năng Tịnh lên đỉnh núi cờ dong chiến rồng rước sắc về đình để tế lễ, tỏ lòng tri ân đối với nữ thần Thiên Y A Na.

Tri ân các bậc tiền hiền

Người đến lễ cúng Thu trước hết là để biểu thị lòng tôn kính và biết ơn các vị phúc thần và các bậc tiền nhân có nhiều công lao tạo dựng quê hương, xây nên cơ nghiệp để lại cho thế hệ con cháu; sau là dịp để biểu thị ý thức tôn trọng văn hóa truyền thống của dân tộc, hưởng thụ hình thái sinh hoạt tinh thần cộng đồng vốn có nhiều gắn bó với phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian mà mỗi năm chỉ diễn ra một lần.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng ở phường 3 (TP Tuy Hòa) thổ lộ: “Mỗi năm tham gia lễ cúng Thu ở địa phương, tôi cảm thấy biết ơn các bậc tiền hiền, các anh hùng liệt sĩ đã có công xây dựng quê hương. Đây là cầu nối tâm linh giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa ở địa phương, bảo tồn những vốn quý của di sản văn hóa tinh thần của dân tộc”. Còn theo anh Nguyễn Văn Lâm ở phường 9 (TP Tuy Hòa), lễ cúng Thu cũng là góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng được đời sống văn hóa lành mạnh ở cơ sở.

Lễ cúng Thu nhằm tôn vinh và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, duy trì phong tục tập quán của tổ tiên. Qua đó nhắc nhở con cháu hiểu được công lao to lớn của các bậc tiền nhân có công khai khẩn, bảo vệ dân làng, chăm lo hạnh phúc Nhân dân. Đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn trong việc chung tay bảo vệ, phát huy và kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm phạm di tích lịch sử - văn hóa...

Ông Nguyễn Chí Xanh,

Phó Ban quản lý đình Năng Tịnh ở phường 1, TP Tuy Hòa

Văn khấn Lễ Vu Lan, bài cúng Lễ Vu Lan báo hiếu 2022 theo truyền thống Việt Nam chuẩn nhất Văn khấn Lễ Vu Lan, bài cúng Lễ Vu Lan báo hiếu 2022 theo truyền thống Việt Nam chuẩn nhất
Đặc sắc nghề làm mặt nạ giấy bồi Đặc sắc nghề làm mặt nạ giấy bồi

Theo Thiên Lý/Báo Phú Yên

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/dac-sac-le-cung-thu-175986.html

In bài viết