Lời tự tình của đá

07:01 | 17/09/2022

Đá kêu, theo một thang âm riêng biệt, tha thiết, trữ tình như những làn điệu dân ca của đồng bào Raglai. Ấy là hồn thiêng nguồn cội. Có giọng mẹ, giọng cha. Có giọng sông, giọng núi. Hết thảy hòa thành tiếng vọng thâm u của đại ngàn; tấu lên những khúc hòa ca Raglai nhiều cảm xúc.
Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng năm 2022: Lời cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng năm 2022: Lời cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng
Phát hành bộ truyện tranh Nhật Bản lấy cảm hứng từ tình yêu bóng đá của người Việt Nam Phát hành bộ truyện tranh Nhật Bản lấy cảm hứng từ tình yêu bóng đá của người Việt Nam
Lời tự tình của đá
Không gian đàn đá Khánh Sơn (Ảnh Nhuận Vỹ).

Tôi đã nghe nhiều câu chuyện kể về đá kêu ở Khánh Sơn, huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, có độ cao 800m so với mực nước biển, cách thành phố Nha Trang chừng 100 cây số về phía tây nam. Ở đây, có những phiến đá kêu, đồng bào Raglai gọi là "goong lu", có nghĩa là đá kêu như những chiếc cồng. Đá kêu, không theo âm luật nào cả, mà có một thang âm riêng biệt, như cách thể hiện các làn điệu dân ca của đồng bào Raglai.

1. Đá có âm thanh vang như tiếng cồng ở Khánh Sơn có tên khoa học là Rhyolite. Người Raglai mộc mạc gọi là "đá kêu", hoặc "khánh đá". Từ xưa lắm, họ đã biết sử dụng âm thanh do các phiến đá kêu tạo ra để xua đuổi thú dữ, bảo vệ nương rẫy, buôn làng bằng cách treo những phiến đá gắn với một chiếc búa trên dòng suối. Sức nước chảy làm cho búa gõ vào đá, phát ra âm thanh. Lạ, cũng âm thanh ấy, thú dữ nghe thì sợ hãi, lánh xa; còn chim muông lại ở đâu kéo về ca hát. Người Raglai gọi đá kêu là thần linh xua đuổi cái ác; chiêu tập cái thiện, có lẽ bởi vì vậy.

Truyền thuyết kể lại rằng, từ thuở xa xưa, có một chàng trai Raglai dũng cảm, với vũ khí là những phiến đá phát ra tiếng kêu huyền bí, đã dám chiến đấu, đánh đuổi tà ma, đem lại bình yên cho dân làng. Người dân nghĩ loại đá này là do ông trời ban cho, nên tôn kính như một bảo vật. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Raglai Mấu Quốc Tiến khẳng định, đàn đá chính là "hồn thiêng" của người Raglai.

Tiếng đàn đá kết nối cõi âm với cõi dương; giữa con người với trời đất, thần linh; giữa hiện tại với quá khứ… Trong các lễ hội của người Raglai như lễ bỏ mả, lễ ăn mừng lúa mới hay những dịp hội vui của buôn làng, bao giờ đàn đá cũng được đưa ra diễn tấu đầu tiên.

Người xưa không biết nhạc lý, không có phương tiện đo tần số âm thanh, vậy họ căn chỉnh âm của từng thanh đá như thế nào? Theo giới nghiên cứu, thang âm của đàn đá Khánh Sơn phỏng theo cao độ của tầm cữ dân ca, có giọng nam, giọng nữ; có giọng trống, giọng mái hòa điệu cùng nhau. Thanh đá dài, to, dày có âm vực trầm; thanh đá ngắn, nhỏ, mỏng thì có âm vực bổng. Có lẽ, chính vì vậy, nghệ nhân đàn đá Bo Bo Hùng mới bảo, mỗi thanh đá có một tâm trạng riêng.

Lời tự tình của đá ảnh 1
Âm thanh đàn đá vọng khắp núi rừng Khánh Sơn.

2. Chiều buông trên dòng sông. Bên bờ, tôi nghe tiếng đàn đá Khánh Sơn ngân vang giữa núi rừng giai điệu Đàn ơi hát cùng ta. "Giọng đàn đó chỉ có Bo Bo Hùng", anh Mấu Quốc Tiến quả quyết. Người ở đâu, mà tiếng đàn nghe gần lắm. Tiếng cao trong trẻo, thánh thót, nghe như tiếng chim ca giữa trùng điệp đại ngàn. Tiếng trầm như rừng núi chuyển mưa, rung cây, tróc đá. Tôi nghe tiếng đá như một bản hòa ca của gió cuốn, mây bay; của nước trôi, củi lạc; như những tiếng vọng thâm u của đại ngàn từ nghìn trùng năm tháng.

Lách người qua mấy lùm cây, trước mắt tôi là một không gian mông lung bên bếp lửa. Anh Mấu Quốc Tiến kéo tôi dừng lại, để ngắm nhìn một hình ảnh thật đẹp. Bên đàn đá, Bo Bo Hùng dáng đứng, dáng đi uyển chuyển như một con nai rừng. Chân nhịp nhàng cho đôi tay dang rộng, thoăn thoắt. Trong không gian mênh mang âm thanh của đá, có tươi vui lẫn u buồn; có suối khe lẫn ghềnh thác.

Tiếng đàn đá của Bo Bo Hùng vọng khắp núi rừng, gọi thần núi, thần rừng và tổ tiên cùng thức giấc mà lo cho người Raglai có cái ăn, cái mặc và đẻ nhiều con cái. Đá như biết khóc, biết cười cùng Bo Bo Hùng. Đất trời đã gửi gắm bao điều bí ẩn trong từng thớ đá. Chờ người sẻ chia.

Tôi từng nghe rất nhiều lần Nghệ sĩ Nhân dân Đỗ Lộc diễn tấu đàn đá với những bài nhạc Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh, Cô gái vót chông, Chào mặt trời mọc… Thanh âm trong trẻo đến nao lòng, dù là những nốt trầm. Có lẽ, bởi vậy mà có lần khi nghe đàn đá, GS, TS Trần Văn Khê, nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền Việt Nam lỗi lạc xúc động nói rằng, dường như những thanh đá tưởng như vô tri, vô giác cũng rơi lệ hay nhoẻn miệng cười.

Trong nghiên cứu của mình, GS, TS Trần Văn Khê khẳng định chưa có quốc gia nào trên thế giới có được hai loại nhạc khí thời tiền sử, có ý nghĩa văn hóa, triết lý sâu xa như trống đồng và đàn đá Việt Nam. Và, ông ca ngợi đàn đá có "biểu hiện tâm tư hệt như con người".

Theo tài liệu sưu tập của nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Khánh Hòa, bộ đàn đá đầu tiên được tìm thấy tại Việt Nam là Ndut Lieng Krak, được nhà dân tộc học người Pháp Georges Condominas khai quật tại Đắk Lắk năm 1949; đưa về Pháp để nghiên cứu và hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Museé de l’Homme ở Paris.

Còn bộ đàn đá được coi là tiêu biểu của đàn đá Việt Nam là 12 thanh đá kêu có kích thước, hình khối và âm thanh khác nhau được gia đình ông Bo Bo Ren cất giấu trong chiến tranh tại núi Dốc Gạo, thuộc địa phận xã Trung Hạp, huyện Khánh Sơn. Ông Bo Bo Ren kể, gõ vào thanh đá thì nghe âm thanh vang lên, trong và đanh như tiếng sắt, tiếng đồng.

Cùng lúc gõ nhiều thanh đá thì âm đan xen, nghe "như cãi nhau, rất vui tai". Các nhà khảo cổ học kết luận: Đây là bộ đàn đá của tộc người Raglai, có niên đại cách nay 2000-5000 năm. Và, năm 1979, Việt Nam chính thức công bố với thế giới về việc phát hiện bộ đàn đá Khánh Sơn, loại nhạc cụ cổ có giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Cùng với việc phát hiện bộ đàn này, khai quật và khảo sát tại núi Dốc Gạo, các nhà nghiên cứu còn tìm ra nhiều dấu tích chứng tỏ người xưa đã chế tác đàn đá tại đây, với nhiều khối đá và mảnh vụn thuộc loại đá phun trào Rhyolit Porphyre.

Nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông kể, năm 1979, khi phát hiện đàn đá Khánh Sơn, ông và nghệ sĩ Hải Đường, Nghệ sĩ Nhân dân Đỗ Lộc được phân công luyện tập để biểu diễn báo cáo Bộ Văn hóa-Thông tin. Sau đó, tỉnh thành lập đoàn ca múa nhạc dân tộc. Nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông được cử làm Phó Trưởng đoàn, và ông bắt đầu hành trình đi tìm đá kêu để chế tác đàn đá biểu diễn. Quả là có duyên, có nghiệp.

Ông lặn lội qua núi cao, suối sâu tìm những phiến đá kêu có âm thanh phù hợp cho một bộ đàn. Theo nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông, đều có nguồn gốc là nham thạch phun trào, nhưng đá làm đàn thường có hai loại: đá đen (đá sừng) và đá Rhyolit Porphyre - đá có tiếng kêu hay nhất được tìm thấy chủ yếu ở Dốc Gạo. Đàn đá Khánh Sơn được làm từ đá Rhyolit Porphyre. Đây chính là nét độc đáo, tạo nên sự khác biệt của đàn đá Khánh Sơn so với đàn đá những nơi khác.

Ngày trước, người Raglai lấy đá kêu đem ghè đẽo cho âm thanh giống cồng chiêng, và đánh theo kiểu của cồng chiêng. Vì thế, đàn đá Khánh Sơn nguyên thủy chỉ đánh được một số giai điệu ngắn của người Raglai. Các bộ đàn đá chế tác sau này có thể đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn của âm nhạc hiện đại. Theo đó, mỗi phiến đá là một cung bậc, thuật ngữ chuyên ngành gọi là giọng nhạc.

Tôi nghe Tro Thị Nhung và Bo Bo Thị Trang song tấu đàn đá mà hết sức ngạc nhiên, bởi trong diễn tấu có nhiều đoạn âm giai rất tinh tế trước nay dành cho guitar, piano… Đàn đá giờ không chỉ có hát dân ca Raglai mà còn có thể gõ lên những tiếng chuông đêm giao thừa và lời chào năm mới thiêng liêng và xúc động trong độc tấu bản Happy New Year.

Năm 2020, UBND huyện Khánh Sơn tiến hành phục dựng ba hệ thống đàn đá nước nguyên bản của người Raglai, bố trí tại các dòng chảy tự nhiên ở Dốc Gạo; xã Ba Cụm Nam và xã Thành Sơn. Mới đây, huyện Khánh Sơn đặt hàng nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông chế tác 10 bộ đàn đá để biểu diễn. Trong hành trình của mình, đến nay, nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông đã chế tác hơn 150 bộ đàn đá.

Theo ông, nguồn đá kêu ở Khánh Sơn bây giờ đã cạn. Song, ở dưới lớp đất sâu kia, có thể hãy còn rất nhiều đá Rhyolit Porphyre. Và làm sao giữ gìn và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này là một câu chuyện cần được quan tâm.

Khao khát lớn nhất của nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông hiện nay chính là các thế hệ trẻ người Raglai biết chơi đàn đá. Vì vậy, ông dày công biên soạn nhiều bài tập với những tiết tấu, âm vực, giai điệu khoa học, hiện đại cho đàn đá. Hiện ông cùng một số nghệ sĩ khác đứng lớp đào tạo cho hơn 30 con em người Raglai địa phương biết chơi đàn đá.

3. Bo Bo Hùng dậy sớm. Ông đánh thức chúng tôi bằng tiếng đàn đá. Núi rừng hãy còn ngủ muộn trong màn sương mờ. Tôi mơ màng nghe âm thanh của đá, của núi rừng vang xa, vang mãi, như những khúc tự tình nên thơ, nhiều cảm xúc.

Thắng lợi của tình đoàn kết Việt Nam - Campuchia Thắng lợi của tình đoàn kết Việt Nam - Campuchia
43 năm trước, ngày 7/1/1979 đã đi vào lịch sử như là mốc son của tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, tình hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Campuchia. Nhờ sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam, Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pol Pot và bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hòa bình, hòa hợp dân tộc và phát triển.
Đà Nẵng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản đến hợp tác, đầu tư Đà Nẵng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản đến hợp tác, đầu tư
Đó là chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn tại buổi tiếp và làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản và Phó Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng vào chiều 23/2.

Theo Phong Nguyên/Báo Nhân dân

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/loi-tu-tinh-cua-da-175499.html

In bài viết