Tăng cường kết nối giao thông Việt Nam - Campuchia

06:05 | 09/09/2022

Là hai nước láng giềng gần gũi, quan hệ gắn kết giữa Việt Nam và Campuchia đã được tôi luyện và phát triển ngày càng sâu rộng, thiết thực và hiệu quả trên các lĩnh vực, trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc. Các dự án hạ tầng, chương trình hợp tác về giao thông vận tải góp phần gia tăng hoạt động giao thương, trở thành cầu nối làm sâu đậm thêm quan hệ hai nước.
Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia: Tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia: Tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước
Quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống quý báu Việt Nam - Campuchia Quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống quý báu Việt Nam - Campuchia

Nhịp cầu nối những bờ vui

Tháng 4/2022, Bộ Giao thông công chính Campuchia có cuộc họp đánh giá dự án nghiên cứu tuyến đường cao tốc dài 135km nối thủ đô Phnom Penh với cặp cửa khẩu quốc tế Bavet (tỉnh Svay Rieng) - Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh, Việt Nam). Quốc vụ khanh Bộ Giao thông công chính Campuchia So Victor cho biết đây là tuyến đường huyết mạch, đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế Campuchia. Ông kêu gọi các bên cố gắng để tiến hành xây dựng tuyến đường cao tốc càng sớm càng tốt.

Theo kế hoạch, đường cao tốc Phnom Penh - Bavet sẽ rộng 25,5m với hai làn xe mỗi chiều, xuất phát từ đường vành đai ba của Phnom Penh, chạy qua các tỉnh Kandal, Prey Veng và Svay Rieng, đến điểm cuối là thành phố Bavet giáp biên giới Việt Nam - Campuchia. Dự án hướng tới tăng cường kết nối, thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia, đặc biệt tập trung đẩy mạnh xuất, nhập khẩu giữa hai bên.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 19/10/2021, đến năm 2030 đường sắt Việt Nam sẽ kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào và Campuchia, phù hợp với các hiệp định vận tải quốc tế và đồng bộ với tiến độ đầu tư của các nước trong khu vực. Trong đó, đường sắt Việt Nam sẽ kết nối với Campuchia thông qua tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Dĩ An - Lộc Ninh. Khi tuyến đường sắt này được xây dựng sẽ góp phần kết nối hai nền kinh tế và thúc đẩy hơn nữa giao lưu thương mại, du lịch song phương.

Tuyến vận tải thủy Việt Nam - Campuchia có vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng xuất nhập khẩu quá cảnh cảng biển khu vực phía Nam (Ảnh: Lê Anh).
Tuyến vận tải thủy Việt Nam - Campuchia có vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng xuất nhập khẩu quá cảnh cảng biển khu vực phía Nam (Ảnh: Lê Anh).

Trước đó, tháng 12/2020, tổng kết 10 năm thực hiện Hiệp định về vận tải thủy giữa chính phủ hai nước Việt Nam - Campuchia, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết: Tuyến vận tải này đã trở thành những tuyến giao thương huyết mạch quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt về mặt chính trị, kinh tế giữa Việt Nam và Campuchia, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam nói chung, các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, hiện thực hóa mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ hai nước mong muốn tại các Hội nghị cấp cao CLMW "biến hành lang giao thông thành hành lang kinh tế".

Theo Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Bùi Thiên Thu, trong 10 năm, hai nước đã làm thủ tục cho gần 73 nghìn lượt phương tiện, hơn 397 nghìn lượt thuyền viên, hàng chục triệu tấn hàng hóa và gần 1,3 triệu lượt hành khách, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trên tuyến lần lượt là 605 triệu USD và 66 triệu USD. Không chỉ góp phần gia tăng sự kết nối giao thương, khơi thông vận tải tại Đồng bằng sông Cửu Long, tuyến vận tải thủy Việt Nam - Campuchia còn đóng vai trò quan trọng trong kết nối, gom hàng cho các tàu đến cảng thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là cụm cảng biển nước sâu Cái Mép-Thị Vải với đà tăng trưởng từ 15-20% hàng năm.

Hợp tác ngày càng sâu, rộng

Ngoài Hiệp định về vận tải thủy Việt Nam – Campuchia, những năm qua, hai nước tích cực thúc đẩy kết nối giao thông. Hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ về Chiến lược hợp tác giao thông vận tải giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030; Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ hai nước; mở đường bay từ Phnom Penh, Sihanouville, Siêm Riệp đến Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh; Thỏa thuận về địa điểm nối ray đường sắt giữa thành phố Hồ Chí Minh đến Phnom Penh…

Việc ký kết các văn kiện hợp tác này đã tạo cơ sở pháp lý cho Việt Nam và Campuchia chủ động trong việc quy hoạch kết nối giao thông vận tải giữa hai nước nói riêng, với các nước và trong khu vực nói chung. Từ đó đảm bảo phát triển đồng bộ hệ thống giao thông vận tải theo hướng bền vững, hiện đại, kết nối các phương thức vận tải tạo thành hệ thống liên hoàn, thông suốt, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải của hai nước, phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của hai nước.

Đặc biệt, từ những năm đầu của thập kỷ 70 của thế kỷ 20 đến nay, Việt Nam đã giúp Campuchia đào tạo nhiều thế hệ cán bộ ngành giao thông vận tải. Những sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh tốt nghiệp từ các trường tại Việt Nam đã và đang góp sức xây dựng đất nước Campuchia ngày càng giàu mạnh.

Thành công từ những dự án, chương trình hợp tác cho thấy vai trò đi trước mở đường của ngành giao thông vận tải Việt Nam và Campuchia, giúp hai nước tạo dựng hạ tầng tốt, chất lượng và tốc độ cao, tăng cường kết nối, từ đó thúc đẩy thương mại, mang lại cơ hội lớn để hai nước phát triển kinh tế - xã hội.

Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia: Cầu nối của ngoại giao nhân dân Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia: Cầu nối của ngoại giao nhân dân
Việt Nam - Campuchia “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” Việt Nam - Campuchia “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”

Minh Thái

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/tang-cuong-ket-noi-giao-thong-viet-nam-campuchia-175292.html

In bài viết