"Quả ngọt" trong hợp tác kinh tế Việt Nam - Campuchia

16:00 | 02/09/2022

Với phương châm "Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài", hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia không ngừng được mở rộng, đi vào chiều sâu, trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước.
Thắm tình đoàn kết phụ nữ Việt Nam - Campuchia Thắm tình đoàn kết phụ nữ Việt Nam - Campuchia
Làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia Làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia

Hàng Việt được người dân Campuchia ưa chuộng

Chất lượng cao, thiết kế mẫu mã đẹp, kích cỡ, chủng loại phong phú, các sản phẩm Việt Nam đã ngày càng đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng tại Campuchia. Tại chợ đầu mối Orussey ở thủ đô Phnom Penh (Campuchia), từ các nhu yếu phẩm cần thiết đến các mặt hàng gia dụng, kim khí nhập khẩu từ Việt Nam đều được bày bán phổ biến. Hàng Việt Nam cũng xuất hiện nhiều tại các siêu thị ở thủ đô Phnom Penh.

Bà Te Heang, tiểu thương tại chợ Orussey nói: Việt Nam và Campuchia có nhiều đặc điểm tương đồng về văn hóa, thói quen tiêu dùng nên hàng nhập từ Việt Nam rất được ưa chuộng ở đây. Cửa hàng chúng tôi nhập nhiều sản phẩm Việt Nam vì giá cả và nguồn cung tương đối ổn định.

Ông Bou Sawun - người dân Phnom Penh kể: "Tôi thường đến siêu thị từ một đến hai lần một tuần. Gia đình tôi rất thích các mặt hàng Việt Nam như trà, nước mắm. Sản phẩm Việt Nam có chất lượng tốt, giá cả vừa phải".

Siêu thị Green Mart ở tỉnh Kampong Thom (Campuchia) chuyên cung cấp các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, trong đó có hàng hóa Việt Nam (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Cmapuchia).
Siêu thị Green Mart ở tỉnh Kampong Thom (Campuchia) chuyên cung cấp các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, trong đó có hàng hóa Việt Nam (Ảnh: Hải Trung).

Theo Thương vụ Việt Nam tại Campuchia, việc thúc đẩy các chính sách ưu đãi thuế cho hàng hóa của nhau sẽ tạo điều kiện mở rộng nhập khẩu, phân phối sản phẩm Việt vào thị trường Campuchia.

Cuối năm nay hai nước sẽ ký với nhau hiệp định mậu dịch biên giới. Đây là khung pháp lý quan trọng làm cho công tác quản lý xuất nhập khẩu mậu dịch biên giới đi vào nề nếp và làm cho giao thương giữa hai nước ngày càng phát triển.

Về hợp tác đầu tư, Việt Nam hiện có 188 dự án đầu tư sang Campuchia còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,846 tỷ USD, đứng thứ 2 trong tổng số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài; duy trì vị trí đứng đầu trong ASEAN và trong nhóm 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia. Hoạt động đầu tư của Việt Nam hiện diện trong hầu hết các lĩnh vực quan trọng của Campuchia, như nông nghiệp, viễn thông, ngân hàng, dịch vụ tài chính, công nghiệp chế biến chế tạo, khai khoáng, hàng không, du lịch...

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam được phía Campuchia đánh giá cao, như Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) với thương hiệu Metfone, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)... Các doanh nghiệp này không chỉ đầu tư, kinh doanh hiệu quả, mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, đóng góp tích cực vào an sinh xã hội, tăng thu ngân sách, thúc đẩy phát triển hạ tầng và tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động Campuchia.

Trong cuộc gặp gỡ đại diện doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia vào tháng 12/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không chỉ là chủ thể hợp tác, mà còn đóng vai trò chủ động, khởi xướng, tạo động lực mới trong thương mại đầu tư, làm phong phú thêm mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia với những đóng góp quan trọng”.

Phát huy hơn nữa cơ chế hợp tác song phương

Hợp tác đầu tư, thương mại ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong mối quan hệ Việt Nam - Campuchia. Để tiếp tục phát huy những tiềm năng phát triển kinh tế, thương mại trong hợp tác giữa hai nước, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng cần đẩy mạnh các giải pháp: tiếp tục duy trì và tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn nữa; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác giữa hai nước; tăng cường triển khai các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại như đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư và xuất nhập khẩu, ưu đãi thuế quan...

Hai nước cũng cần phát huy hơn nữa cơ chế hợp tác song phương thông qua Ủy ban liên Chính phủ, các nhóm công tác, làm việc giữa các cơ quan Chính phủ để rà soát, đánh giá và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hai nước. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư của Việt Nam - Campuchia thông qua việc tổ chức các hội chợ, triển lãm, hội thảo kết nối giao thương và các đoàn doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thời gian tới doanh nghiệp cần hết sức lưu tâm đến việc xây dựng hệ thống phân phối tại Campuchia để ngoài mở rộng thị trường còn ứng phó với những biến động tại thị trường được kịp thời. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của cộng đồng Việt kiều, doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia, coi đây là những kênh quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Campuchia.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Campuchia năm 2021 đạt 9,54 tỷ USD, tăng 79,1% so với năm 2020 trong; 5 tháng đầu năm 2022 đạt 5,44 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Ươm mầm hữu nghị Việt Nam - Campuchia Ươm mầm hữu nghị Việt Nam - Campuchia
Thế hệ trẻ  - lực lượng quan trọng góp phần phát triển quan hệ Việt Nam - Lào - Campuchia Thế hệ trẻ - lực lượng quan trọng góp phần phát triển quan hệ Việt Nam - Lào - Campuchia

Thành Luân

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/qua-ngot-trong-hop-tac-kinh-te-viet-nam-campuchia-175126.html

In bài viết