Hướng dẫn về thủ tục người Việt Nam định cư ở nước ngoài xin thường trú tại TP.HCM

11:03 | 07/09/2022

Nhằm cập nhật đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài các quy định pháp luật mới xoay quanh vấn đề người Việt Nam định cư ở nước ngoài (NVNĐCONN) xin thường trú tại Việt Nam, Thượng tá Võ Chiến Thắng - Phó trưởng phòng Phòng quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP.HCM đã hướng dẫn một số quy định về pháp luật về lĩnh vực này.
Cụ thể hóa chủ trương thành hành động trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài Cụ thể hóa chủ trương thành hành động trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài
Đó là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Hội nghị quán triệt, triển khai Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới (Kết luận 12-KL/TW) và Nghị quyết số 169/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW và Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021-2026 (Nghị quyết 169/NQ-CP), diễn ra chiều 29/6, tại Hà Nội.
Quy định về địa điểm đổi ngoại tệ sang tiền Việt người dân cần biết Quy định về địa điểm đổi ngoại tệ sang tiền Việt người dân cần biết
Việc đổi ngoại tệ sang tiền Việt Nam cần được thực hiện đúng nơi quy định. Nếu không sẽ bị xử phạt hành chính lên tới 100 triệu đồng.

Đăng ký thường trú có yếu tố nước ngoài đối với NVNĐCONN có 2 hình thức:

Trường hợp 1: NVNĐCONN nhập cảnh bằng hộ chiếu Việt Nam thì trong hồ sơ đăng ký thường trú phải có hộ chiếu Việt Nam mà người đó đã sử dụng để nhập cảnh Việt Nam lần gần nhất. Trường hợp này nộp hồ sơ trực tiếp tại công an xã, phường nơi NVNĐCONN xin thường trú.

Trường hợp 2: NVNĐCONN sử dụng hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu do nước ngoài cấp nhập cảnh vào Việt Nam thì trong hồ sơ đăng ký thường trú phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh có quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam về quốc tịch và văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

Người đề nghị cấp văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú nộp hồ sơ tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đề nghị đăng ký thường trú hoặc Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an.

Người đề nghị cấp văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú có thể nhận kết quả tại nơi nộp hồ sơ hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích.

Hồ sơ đề nghị cấp văn bản cho giải quyết thường trú, gồm 3 tài liệu như sau:

Tờ khai đề nghị cấp văn bản đồng ý giải quyết thường trú - Mẫu CT02

Bản sao (kèm theo bản chính để đối chiếu) hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu do nước ngoài cấp sử dụng để nhập cảnh Việt nam lần gần nhất, thị thực/thẻ tạm trú còn thời hạn.

Bản sao (kèm theo bản chính để đối chiếu) một trong các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh có quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam về quốc tịch: Giấy khai sinh ghi rõ quốc tịch, chứng minh thư nhân dân, giấy xác nhận quốc tịch, hộ chiếu Việt Nam...

Hướng dẫn về thủ tục người Việt Nam định cư ở nước ngoài xin thường trú tại TP.HCM
Thượng tá Võ Chiến Thắng - Phó trưởng phòng Phòng quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP.HCM.

Quy trình giải quyết hồ sơ NVNĐCONN xin thường trú gồm những bước:

Bước 1: Cá nhân chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật (gồm các loại hồ sơ đã nêu ở trên).

Bước 2: Nộp hồ sơ đề nghị cấp văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đề nghị đăng ký thường trú hoặc Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an. Sau khi kiểm tra và tiếp nhận hồ sơ, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tiến hành tổ chức xác minh hồ sơ. Sau đó cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi văn bản đề xuất giải quyết thường trú về Cục quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an.

Thời gian nộp hồ sơ tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an TP.HCM: Giờ hành chính các ngày làm việc từ thứ 2 đến thứ 6 và sáng thứ 7 hàng tuần (trừ ngày nghỉ lễ, tết theo quy định của pháp luật).

Theo quy định của Điều 12 Thông tư 55, thời hạn giải quyết hồ sơ là 40 ngày. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh luôn tập trung xác minh trong thời gian nhanh nhất, nhưng 1 số hồ sơ về NVNĐCONN đã đi khỏi địa phương quá lâu, hồ sơ gốc thất lạc...nên thời gia có thể kéo dài lâu hơn dự kiến. Những trường hợp này, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh sẽ chủ động thông báo cho người dân.

Lưu ý: Đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ theo quy định của Bộ Luật dân sự, người chưa đủ 14 tuổi thì thông qua người đại diện hợp pháp nộp hồ sơ (Kèm theo giấy chứng minh là người đại diện hợp pháp).

Bước 3: Nhận kết quả là văn bản đồng ý cho thường trú của Bộ Công an qua dịch vụ bưu chính công ích. Sau khi nhận được Giấy báo tin của Bộ công an, người đề nghị cấp văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú xuất trình giấy báo tin tại cơ quan xuất nhập cảnh nơi nộp hồ sơ để nhận giấy giới thiệu về địa phương tiếp tục giải quyết hồ sơ thường trú và cấp CCCD theo quy định.

Bước 4: Thực hiện các thủ tục như: đăng ký thường trú (tại Công an xã, phường), nhập hộ khẩu, xin cấp Căn cước công dân, hộ chiếu Việt Nam... .

Khi NVNĐCONN thuộc 1 trong 2 hình thức đã nêu ở mục I, khi đến công an xã, phường đăng ký thường trú, phải đảm bảo điều kiện đăng ký thường trú như sau:

Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó.

Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau đây:

Vợ, chồng, con ruột về ở cùng.

Người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên theo Điều 2 Luật người cao tuổi về ở với anh/chị/em/cháu ruột; người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng; người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột, người giám hộ;

Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc Không còn cha, mẹ về ở với cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ.

Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

Được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhà và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó;

Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiếu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08m2 sàn/người.

Khi NVNĐCONN nộp đơn xin thường trú phải đảm bảo các yêu cầu về thủ tục như trên. Từ khi áp dụng theo TT55 của BCA, một số thủ tục trước đây được phân về công an cấp xã, phường để thực hiện. Khuyến khích kiều bào trước khi nộp hồ sơ xin thường trú chuẩn bị đủ thủ tục nộp tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và công an xã, phường. Nếu có khó khăn, vướng mắc trong việc chuẩn bị hồ sơ, kiều bào có thể liên hệ trực tiếp bộ phận tiếp công dân giải quyết các thủ tục liên quan đến người nước ngoài và NVNĐCONN tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại 2 địa chỉ:

Cục quản lý xuất nhập cảnh tại địa chỉ 333 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1.

Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an TP.HCM tại địa chỉ 196 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Võ Thị Sáu, Quận 3.

để được hướng dẫn hoặc qua kênh thông tin của Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài để được hỗ trợ, giúp đỡ.

Thượng tá Võ Chiến Thắng cho biết, Công an TP.HCM thường xuyên phối hợp với Đồn Công an Cửa khẩu Tân Sơn Nhất và Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật Việt Nam trên lĩnh vực xuất nhập cảnh và đăng ký cư trú trên địa bàn thành phố; mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình giải quyết một số thủ tục hành chính về quản lý xuất nhập cảnh, tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào và thân nhân tiến hành các thủ tục theo quy định.

Chủ động hướng dẫn, hỗ trợ một số trường hợp kiều bào có khó khăn khi làm thủ tục xuất nhập cảnh theo đề nghị của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM. Tạo điều kiện cho NVNĐCONN về làm thủ tục đăng ký thường trú trở về quê hương sinh sống.

Người Việt tại Hàn Quốc thi tìm hiểu về 30 năm quan hệ ngoại giao hai nước Người Việt tại Hàn Quốc thi tìm hiểu về 30 năm quan hệ ngoại giao hai nước
Kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam Hàn Quốc, Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc (AVCK) tổ chức cuộc thi viết về mối quan hệ bền chặt này giữa hai nước.
Đồng hành cùng người Việt Nam tại Ba Lan tháo gỡ khó khăn Đồng hành cùng người Việt Nam tại Ba Lan tháo gỡ khó khăn
Vừa qua, Đoàn công tác của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Phạm Quang Hiệu dẫn đầu đã có buổi gặp mặt, trao đổi với cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan.

Phạm Lý

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/huong-dan-ve-thu-tuc-nguoi-viet-nam-dinh-cu-o-nuoc-ngoai-xin-thuong-tru-tai-tphcm-175016.html

In bài viết