Đặc phái viên Tổng thống Mỹ chia sẻ cách thức hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng

06:55 | 07/09/2022

Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 2 đến 6/9, ông John Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu khẳng định, Mỹ sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Phó Tổng Thư ký LHQ đánh giá cao Việt Nam trong phát triển công nghệ thông tin và chuyển đối số Phó Tổng Thư ký LHQ đánh giá cao Việt Nam trong phát triển công nghệ thông tin và chuyển đối số
Bí thư Thành ủy TPHCM tiếp Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ Bí thư Thành ủy TPHCM tiếp Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ

Trao đổi với báo chí nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, ông Kerry cho biết đã đi dọc sông Sài Gòn và thăm tỉnh Bến Tre - những khu vực chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu như nước biển dâng.

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry trong cuộc gặp báo chí sáng 5/9 ở Hà Nội Ảnh
Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry trong cuộc gặp báo chí sáng 5/9 ở Hà Nội (Ảnh: Báo Tiền Phong).

Ông Kerry nói rằng, ông nhìn thấy rõ những rủi ro nếu Việt Nam không chuyển đổi nhanh từ nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ…) sang năng lượng sạch. TPHCM gặp vấn đề triều cường gây ngập lụt, ảnh hưởng cơ sở hạ tầng và cuộc sống của người dân. Ở Bến Tre, có một nhà máy điện gió đã được xây dựng để cung cấp điện sạch, nhưng không có hệ thống truyền tải để hòa lưới. Ông Kerry nói rằng, đây là tình trạng không đồng bộ ở nhiều dự án điện mặt trời tại các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Bến Tre… Theo ông, đây là sự lãng phí vì dù điện gió và điện mặt trời có thể cung cấp khoảng 25% nhu cầu năng lượng của Việt Nam, trên thực tế nó chỉ đang đóng góp khoảng 4%.

Ông Kerry nhấn mạnh, Việt Nam đã cho phép xây dựng các nhà máy điện gió và điện mặt trời, nhưng vẫn cần nhiều nhà máy hơn nữa. Đặc biệt, Việt Nam cần hệ thống truyền tải đủ công suất để tận dụng các nhà máy năng lượng tái tạo. “Nếu sản xuất được năng lượng tái tạo mà không thể truyền đi đâu được thì cũng không có tác dụng gì. Việt Nam cần xây dựng hệ thống truyền tải cho điện mặt trời và điện gió nhanh hơn”, ông nói.

Đặc phái viên Mỹ khuyến nghị Việt Nam khuyến khích cạnh tranh trên thị trường. Ông nêu ví dụ là lĩnh vực vận chuyển hàng không của Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều từ khi có hãng tư nhân tham gia ngành này.

Ông Kerry cho biết, trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính và các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương của Việt Nam nhân chuyến thăm này, ông sẽ trình bày cách thức hỗ trợ của Mỹ, bao gồm hỗ trợ về tài chính, để Việt Nam có thể áp dụng công nghệ mới phục vụ việc chuyển đối năng lượng, giúp Việt Nam nhận được các nguồn tài chính quốc tế, chuyển giao công nghệ quốc tế để hiện thực hóa cam kết đưa ra tại COP26, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.

Trả lời câu hỏi vì sao châu Âu có nhiều nhà máy điện gió và điện mặt trời nhưng vẫn gặp khủng hoảng nặng nề khi bị giảm nguồn cung nhiên liệu hóa thạch, ông Kerry cho rằng, ảnh hưởng này chỉ mang tính chất tạm thời và ngắn hạn. Chắc chắn châu Âu sẽ không còn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong tương lai, điện than sẽ chỉ còn chiếm tỷ trọng tối thiểu.

Một nhà máy điện gió ở Bến Tre Nguồn: Bộ Công Thương
Một nhà máy điện gió ở Bến Tre (Ảnh: Bộ Công Thương).

Trả lời câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ rằng Việt Nam sẽ mất bao lâu để chuyển đổi sang nền kinh tế sử dụng năng lượng sạch, ông Kerry cho biết "quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ mất một thời gian dài, có thể là vài thế hệ để xây dựng, đưa các luật vào thực thi, cơ sở hạ tầng...".

Nhưng theo cựu ngoại trưởng Mỹ, điều có thể tạo ra sự khác biệt lớn chính là Việt Nam phải bám sát lộ trình của mình, cần làm ngay việc tăng nguồn cung cấp năng lượng sạch, nhanh chóng giảm lượng phát thải và giải quyết vấn đề khí methane.

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu cho rằng, quá trình chuyển đổi năng lượng ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đang diễn ra chậm, khi còn những tranh luận chính trị và quan điểm khác nhau. “Tất cả các nước cần đi nhanh hơn. Mỹ có thể giúp Việt Nam đi nhanh hơn”, ông nói.

Việt Nam - Singapore: Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại, kinh tế số và năng lượng Việt Nam - Singapore: Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại, kinh tế số và năng lượng
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Singapore bàn giải pháp thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Singapore trong lĩnh vực thương mại, kinh tế số, năng lượng và các lĩnh vực tiềm năng khác.
Thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Anh trong chuyển đổi số và chuyển dịch xanh Thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Anh trong chuyển đổi số và chuyển dịch xanh
Việt Nam và Anh đang ở thời điểm rất thuận lợi để đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước lên tầm cao mới, đặc biệt hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Thảo Nguyên (TH)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/dac-phai-vien-tong-thong-my-chia-se-cach-thuc-ho-tro-viet-nam-trong-chuyen-doi-nang-luong-174995.html

In bài viết