Cậu bé Lào dưới mái ấm gia đình Việt

06:48 | 11/09/2022

Chiến tranh khiến gia đình ly tán, cậu bé Khăm Keo Vong Phi La phải rời quê Xiêng Khoảng (Lào) sang Việt Nam lúc 13 tuổi. Tại đây Keo đã có một mái ấm gia đình ở Phú Thọ cùng 6 anh em Việt Nam và Lào chung sống. Những ngày tháng thơ ấu hạnh phúc êm ấm đã giúp Keo vượt qua mọi gian nan và để lại những kỷ niệm ngọt ngào, chan chứa yêu thương.
Chủ tịch nước: Mối quan hệ Việt Nam - Lào sẽ tiếp tục nở hoa thơm, kết trái ngọt Chủ tịch nước: Mối quan hệ Việt Nam - Lào sẽ tiếp tục nở hoa thơm, kết trái ngọt
90 lưu học sinh Lào được gia đình người Việt nhận làm con nuôi 90 lưu học sinh Lào được gia đình người Việt nhận làm con nuôi

Ký ức từ bức ảnh

Đầu tháng 7/2022, Tổ thư ký cuộc thi Kỷ vật kể chuyện nhận được tin nhắn của người đàn ông có tên Khăm Keo Vong Phi La. Ông Khăm Keo nói tuổi gần 70, hiện sống tại bản Kơn Nưa, huyện Thurakhôm, tỉnh Viêng Chăn, Lào.

Ông Khăm Keo chụp lại tấm ảnh và tấm thiệp cũ là kỷ vật về những gia đình Việt đã cưu mang ông từ hơn 50 năm trước gửi qua tin nhắn facebook.

Cậu bé Lào trong tổ ấm Việt
Bức ảnh Khăm Keo (hàng sau thứ 3 từ phải sang) chụp cùng gia đình bố mẹ Việt vào năm 1969 (Ảnh: Khăm Keo Vong Phi La).

Ông kể: “Đây là bức ảnh chụp cùng gia đình bố mẹ Việt vào năm 1969. Trong ảnh có bố Túc, mẹ Mai, các con đẻ và ba con nuôi người Lào. Ba con nuôi người Lào đứng ở hàng phía sau bức ảnh. Người cao nhất bên phải là anh Bun Lặp, kế đó là anh Bun Phênh. Tôi đứng cạnh bố Túc, cũng là người con Lào nhỏ tuổi nhất của bố mẹ”.

Theo chia sẻ của ông Khăm Keo, con người có tâm, kỷ vật có hồn. Hơn nửa thập kỷ qua, chúng chuyên chở mối thâm tình của ông và của những người cha, người mẹ, người chị Việt Nam đã cưu mang chở che suốt những tháng năm dài chiến tranh loạn lạc.

Ông Khăm Keo nhớ lại: “Năm 1968, đế quốc Mỹ đánh chiếm tỉnh Xiêng Khoảng (cánh đồng Chum, Lào). Địch và ta ở thế giằng co nhau. Tôi may mắn được bộ đội cách mạng Pa thét Lào cứu và cho sang Việt Nam học. Năm đó tôi 13 tuổi. Thời gian đầu mới sang Việt Nam tôi được gửi tới ở nhà chị Xuân Kim, sau đó được chuyển về nhà bố Túc ở huyện Thanh Thủy, tỉnh Vĩnh Phú”.

Lúc sang Việt Nam, chiến tranh loạn lạc, chú bé Khăm Keo không biết gia đình ở Lào ai còn, ai mất. Trong trí nhớ của cậu bé hơn mười mấy tuổi đầu xa quê hương, các lưu học sinh Lào đã được gia đình cụ Túc yêu thương, chăm sóc như cô Cúc, cậu Thắng, cậu Minh - những người con đẻ của cụ.

Hàng ngày, cậu bé Khăm Keo cùng chơi đánh bi với các con của bố mẹ và những đứa trẻ trong làng. Trong sân nhà có giếng nước rất sâu, cậu bé còn giúp gia đình kéo mo nước lên để tắm và giặt giũ. Cậu bé Khăm Keo cũng được theo mẹ đi chợ làng, một hào lúc đó mua được cả nải chuối to.

“Có lần mải chơi tôi nhỡ chân đá vỡ bộ ấm chén bố vừa mới mua về. Tôi tái mặt không biết nói gì, nhưng bố không hề trách phạt. Ông cẩn thận tìm thu dọn các mảnh sành vỡ sợ chúng tôi sơ ý dẫm vào lại bị thương. Ông bảo vỡ rồi thì thôi để lần sau đi chợ ông mua bộ ấm chén khác và dặn dò tôi cần cẩn thận khi chơi đùa”, ông Khăm Keo nhớ lại.

Hồi đó chiến tranh, người dân Việt Nam khổ cực. Bà con trong làng, bố mẹ nuôi của ông Khăm Keo thường xuyên phải ăn sắn, ăn khoai thay cơm gạo, thậm chí khoai sắn cũng không đủ bữa. Bố mẹ Việt Nam của ông Khăm Keo có 4 người con, nhận nuôi thêm 3 người con Lào, một nhà gần mười miệng ăn khó có thể kể hết những khó khăn, thiếu thốn lúc bấy giờ.

“Thế mà người Việt Nam còn yêu thương, bảo bọc con em Lào chúng tôi. Chúng tôi được nhường những bát cơm ít độn sắn hơn, được mặc những bộ quần áo lành lặn hơn, được tạo mọi điều kiện để học tập. Những ai không từng trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt đó không thể biết được tấm lòng cao cả hy sinh của nhân dân Việt Nam đối với đất nước và nhân dân Lào”, ông Khăm Keo Vong Phi La nói.

Hơn nửa thập kỷ trôi qua, ông luôn nâng niu, gìn giữ những kỷ vật được người cha, người mẹ, người chị Việt Nam trao tặng.

Tuổi thơ ngọt ngào trên đất Việt

Cụ Trần Văn Túc, 91 tuổi ở khu 3 xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ - người đã nuôi ông Khăm Keo Vong Phi La - kể lại: “khoảng cuối năm 1968, Đội sản xuất của Hợp tác xã đưa 3 đứa trẻ người Lào đến nhà tôi, vợ chồng tôi nhận làm con nuôi. Những đứa trẻ người Lào này chỉ khoảng 12-13 tuổi. Tôi gọi các cháu là A Túi, A Lập và Khăm Kẹo (Khăm Kẹo chính là ông Khăm Keo Vong Phi La) cho dễ nhớ. Cũng thời gian này, tại xã Vinh Quang, huyện Tam Thanh (nay gọi là xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy) có khoảng 1.000 học sinh Lào được đưa đến gia đình người dân để nhận con nuôi, nuôi ăn ở, học tập”.

Cậu bé Lào trong tổ ấm Việt
Vợ chồng cụ Túc kể chuyện về những con nuôi người Lào với phóng viên Thời Đại (Ảnh: Đại Sơn).

Cũng theo lời cụ Túc, 3 người con nuôi người Lào ăn ở sinh sống chung với gia đình khoảng hơn một năm. Sau đó, những người con nuôi người Lào này được nhà nước đưa đến sinh sống, học tập tại Trường Lào do Nhà nước xây dựng tại thôn Phương Giao, xã Vinh Quang. Đường đồi núi, đất sỏi khó đi lại nhưng cứ cuối tuần được nghỉ học, Kẹo cùng các bạn lại về thăm cụ Túc và ăn ngủ lại.

“Thời gian đầu sống với chúng tôi, các cháu không biết nói tiếng Việt, giao tiếp với nhau phải ra hiệu bằng tay. Hằng ngày, vợ chồng tôi dạy chữ viết, dạy tiếng Việt cho các cháu. Chữ đầu tiên các cháu viết: “Bố Túc, mẹ Mai”. Sau các cháu cũng nói chuyện, giao tiếp cơ bản”, cụ Túc nhớ lại.

Còn cụ bà Dương Thị Mai, 89 tuổi - mẹ nuôi người Việt của ông Khăm Keo Vong Phi La - nhớ lại thời điểm năm 1968, gia đình tiếp nhận 3 đứa trẻ người Lào làm con nuôi. Cuộc sống lúc này khó khăn, gia đình phải lo ăn từng bữa cho hơn chục miệng ăn.

"Hằng ngày, cháu Kẹo cùng các con tôi và các bạn ở xóm hay đến sân kho của Hợp tác xã gần nhà vui chơi. Kẹo bắn súng cao su giỏi lắm, Kẹo cùng các bạn dùng súng cao su bắn được con dơi, con thằn lằn, con rắn nước mang nướng chín, thơm nức mũi rồi vui đùa ăn với nhau. Nhiều lần, cháu Kẹo đi học về và kêu đói. Sẵn có bánh sắn vừa làm xong, tôi đưa cho cháu ăn. Nhìn cháu ăn ngon lành chiếc bánh mà lòng tôi trào lên lòng thương cảm”, cụ Mai kể.

Cậu bé Lào trong tổ ấm Việt
Ông Khăm Keo (ngoài cùng bên phải) thăm gia đình bố mẹ nuôi năm 2013 (Ảnh: Khăm Keo Vong Phi La).

Theo cụ Mai, ngày 25 tháng chạp năm Quý Tỵ - 2013, vào dịp Tết Nguyên đán, trên đường đi công tác từ Yên Bái, Khăm Kẹo đã gặp, chúc tết và biếu quà tết gia đình.

“Trong đó có một cây quất to cao để trong chậu chơi tết. Sau tết, gia đình tôi đã đánh trồng cây quất này ra vườn trước sân nhà. Giờ cây quất vẫn còn, xanh tốt và sai quả lắm. Mỗi lần chăm sóc cây quất, tôi càng nhớ tới Khăm Kẹo nhiều hơn. Tôi luôn đau đáu, mong muôn được gặp lại Khăm Kẹo trước khi tôi hai năm mươi”, cụ Mai lấy khăn thấm nước mắt và ngập ngừng nói.

Cậu bé Lào trong tổ ấm Việt
Cụ Dương Thị Mai chăm sóc cây quất Khăm Keo tặng dịp Tết nguyên đán Quý Tỵ 2013 (Ảnh: Đại Sơn).

Theo cụ Túc, từ năm 2013 đến nay, gia đình không liên lạc được với con nuôi người Lào tên Khăm Kẹo vì mất số điện thoại. “Tôi rất bất ngờ sau mười năm thất lạc thông tin về con nuôi Khăm Kẹo. Hôm nay, bố con tôi đã tìm được nhau, nối lại liên lạc. Tôi mong muốn, Khăm Kẹo đưa vợ, con, cháu sang Việt Nam đến thăm bố mẹ lần nữa, trước khi tôi về với tổ tiên. Bởi giờ tôi già yếu lắm rồi”, cụ Túc bày tỏ.

Năm 1970, ông Khăm Keo Vong Phi La cùng hai người anh Lào tạm biệt bố mẹ và các em chuyển vào trường học. Ngôi trường cách nhà cụ Túc khoảng năm cây số nên thỉnh thoảng mấy anh em vẫn tranh thủ về hỏi thăm sức khỏe ông bà.

Sau đó, do điều kiện học tập và công tác, điều kiện cách trở, xa xôi ông Khăm Keo không có nhiều dịp về Phú Thọ thăm bố mẹ Việt, đến năm 2013 thì mất liên lạc với ông bà. Ông Khăm Keo đã nhiều lần nhờ bạn bè, đồng nghiệp ở Việt Nam tìm cách hỏi thăm thông tin bố mẹ nhưng không được.

Năm 2022, thông qua tấm ảnh chụp chung với gia đình bố mẹ Việt vào năm 1969 gửi đến cuộc thi Kỷ vật kể chuyện do tạp chí Thời Đại tổ chức với sự hỗ trợ của các phóng viên, ông Khăm Keo Vong Phi La đã tìm lại được bố mẹ Việt của mình.

Mái ấm Việt của lưu học sinh Lào Mái ấm Việt của lưu học sinh Lào
Gia đình ươm mầm hữu nghị Gia đình ươm mầm hữu nghị

Hải An - Đại Sơn

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/cau-be-lao-duoi-mai-am-gia-dinh-viet-174977.html

In bài viết