Phò Thít Tha, người dẫn đường trong vòng sinh tử

06:48 | 28/09/2022

Một cựu chuyên gia Việt Nam công tác tại Lào trong những năm chiến tranh khốc liệt. Năm nay ông đã 93 tuổi nhưng rất hào hứng, xúc động khi kể về người bạn Lào Phò Thít Tha khi đó là người dẫn đường cho ông và đồng chí thoát qua những tình huống sống chết trong gang tấc. Ông là Đào Văn Tiến, trú tại ngõ Hòa Bình 6, phố Minh Khai, Hà Nội.
Quan hệ Việt Lào: Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long Quan hệ Việt Lào: Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long
Chủ tịch nước: Mối quan hệ Việt Nam - Lào sẽ tiếp tục nở hoa thơm, kết trái ngọt Chủ tịch nước: Mối quan hệ Việt Nam - Lào sẽ tiếp tục nở hoa thơm, kết trái ngọt

Ký ức về những ngày tháng 8

Chúng tôi đến căn nhà số 1710 ở chung cư CT1, ngõ Hòa Bình 6, phố Minh Khai, Hà Nội vào sáng ngày 19/8. Chủ nhà là ông Đào Văn Tiến mời khách ngồi rồi đứng dậy vào phòng làm việc thắp nén hương trầm trước tấm ảnh vợ chồng cụ Phò Thít Tha. Gương mặt ông hiện rõ nét trầm tư, đôi môi mấp máy như thể đang trò chuyện cùng vợ chồng người bạn đã khuất. 12 năm kể từ ngày vợ chồng cụ Phò Thít Tha qua đời, ông Tiến đều duy trì thói quen thắp hương tưởng nhớ người bạn xưa vào mồng một, ngày rằm và ngày 19/8.

Phò Thít Tha, người dẫn đường trong vòng sinh tử
Ông Đào Văn Tiến bên tấm ảnh chụp vợ chồng cụ Phò Thít Tha (Ảnh: Thu Hà).

Tấm ảnh nằm trang trọng ở trên cùng giá sách - nơi chứa những cuốn sách ông Tiến viết về nước bạn Lào. Ông cho biết, ảnh được chụp tại nhà cụ Phò Thít Tha trong ngày hội ngộ cách đây 22 năm. Trong ảnh, vợ chồng ông lão tóc bạc phơ, khuôn mặt hiền từ, mặc trang phục giản dị, ngồi trên ghế nhựa màu đỏ.

Ngoài tấm ảnh thờ, trên bức tường bên trái bàn làm việc của ông Tiến còn treo một tấm ảnh khác chụp hình ông Tiến ngồi bên vợ chồng cụ Phò Thít Tha. Tấm ảnh đã nhuốm màu thời gian nhưng đó vẫn là một kỷ vật quý giá, luôn được ông Tiến "khoe" với khách đến chơi nhà. Với ông, không có Phò Thít Tha thì ông không thể sống sót qua những ngày nước lũ, địch vây tứ bề hồi tháng 8/1969.

Từ cuối năm 1968 đến đầu năm 1970, ông cùng với đồng chí Xổm Xa Vạt (người sau này là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Chính phủ Lào) thực hiện chuyến công tác dài ngày vào vùng địch hậu Viêng Chăn. Phò Thít Tha là người dẫn đường từ Phù Pha Năng, tây bắc Viêng Chăn, xuống ngoại thành thủ đô.

"Hơn một năm trời chúng tôi không biết giường và nhà thế nào, chỉ mắc võng ngoài rừng, muốn làm việc với ai thì nhắn Phò Thít Tha. Ông ấy vừa là người dẫn đường vừa là người tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi với sư sãi, tăng nhân, viên chức, sĩ quan lực lượng trung lập", ông Tiến kể.

Tháng 8/1969, nhóm nghiên cứu của ông Tiến đang công tác tại bản Na Xắp (Viêng Chăn) thì nước lũ bất ngờ tràn về rất nhanh.

"Chúng tôi mắc võng bí mật ngủ cạnh bờ suối của bản. Nửa đêm tỉnh giấc, từ trên võng thả chân xuống đã chạm nước. Gọi mọi người dậy mới biết nước lũ tràn về", ông Tiến cho biết.

Trước con nước dữ, Phò Thít Tha dẫn tổ công tác lội nước trong đêm tìm đến những cồn mối trú tạm. Để tránh giặc, Phò Thít Tha bố trí người dân bản Na Xắp quây lưới quanh chỗ tổ công tác trú ẩn, súng đạn sẵn sàng.

Khi nước rút đi, nhóm công tác chuẩn bị đêm hôm sau băng qua vùng nước ngập lên núi Phù Pha Năng. Tuy nhiên, một thành viên phản bội và báo tin cho giặc. Nhóm công tác bị địch bao vây, nhả đạn liên hồi vào khu vực cồn mối. Trước tình huống khẩn cấp, Phò Thít Tha dẫn nhóm lội nước suốt đêm thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Đến sáng sớm 19/8/1969, nhóm ẩn nấp ở cạnh bản Hna Khủa gần đường giao thông, Phò Thít Tha vừa lo ngụy trang vừa kiếm thức ăn cho mọi người.

Ông Tiến kể lại những ngày tháng làm nhiệm vụ ở Lào mà cụ Phò Thít Tha là người dẫn đường (Ảnh: Thu Hà).
Ông Tiến kể lại những ngày tháng làm nhiệm vụ ở Lào mà cụ Phò Thít Tha là người dẫn đường (Ảnh: Thu Hà).

"Hơn một năm trời chúng tôi theo Phò Thít Tha đi khắp vùng địch hậu Viêng Chăn, trèo đèo lội suối, gặp địch đi càn, gặp lũ quét, thú dữ, nhịn đói nhịn khát để đi tới đích. Đến đầu năm 1970, địch chiếm Xiêng Khoảng, chúng tôi xuống Trung Lào, còn Phò Thít Tha ở lại tiếp tục làm nhiệm vụ trong vùng địch hậu", ông Đào Văn Tiến kể lại.

Về nước những năm sau này, ông Đào Văn Tiến vẫn đau đáu nhớ về Phò Thít Tha, Xổm Xa Vạt và một số anh em cùng công tác.

Cuộc hội ngộ ngắn ngủi

Năm 2004, khi cuốn ghi chép "Những câu chuyện rừng Lào" trong đó có rất nhiều chi tiết nhắc đến Phò Thít Tha ra mắt, ông Tiến đã gửi sách tới ông Trần Tiến Anh - Chánh văn phòng Đại sứ quán Việt Nam tại CHDCND Lào để nhờ tìm người bạn cũ. Đến năm 2005, tin vui từ Lào báo về đã tìm thấy Phò Thít Tha ở bản Na Xắp.

Trong phòng làm việc của ông Tiến chứa nhiều cuốn sách viết về Lào và quan hệ Lào – Việt Nam (Ảnh: Thu Hà).
Trong phòng làm việc của ông Tiến chứa nhiều cuốn sách viết về Lào và quan hệ Lào – Việt Nam (Ảnh: Thu Hà).

"Năm 2006, vợ chồng tôi sang thăm Lào để gặp những người đồng chí năm xưa, trước hết là đến thăm Phò Thít Tha. Người dẫn đường nay đã là cụ già hơn trăm tuổi. Phút gặp lại, Phò Thít Tha vẫn nhận ra tôi. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, nước mắt giàn giụa... Điều mừng nhất là dù tuổi cao song Phò Thít Tha vẫn minh mẫn và nhớ các thành viên trong đoàn công tác năm xưa. Cụ vẫn uống rượu, hát cùng chúng tôi", ông Tiến nói.

Cả người dân bản Na Xắp và các cán bộ công tác cùng ông Tiến năm xưa đều có mặt tại cuộc hội ngộ ngắn ngủi nhưng xúc động đó.

Năm 2010, ông nhận được tin báo cụ Phò Thít Tha qua đời, hưởng thọ 110 tuổi. Vào giây phút ấy, ông Tiến đã bật khóc và lấy tấm ảnh của người dẫn đường ra thắp hương.

Người mẹ Lào chia đôi dòng sữa quý Người mẹ Lào chia đôi dòng sữa quý
Người cha Việt Nam của các lưu học sinh Lào Người cha Việt Nam của các lưu học sinh Lào

Thành Luân

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/pho-thit-tha-nguoi-dan-duong-trong-vong-sinh-tu-174966.html

In bài viết