Thu hút nguồn lực hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh

21:56 | 17/08/2022

Mới đây, ngày 16/8 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và nhóm công tác Ngân hàng (BWG) đã tổ chức hội nghị thu hút nguồn lực hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh.
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045
Hàng không bền vững sẽ tạo đà để Việt Nam thực hiện các mục tiêu UNSDG Hàng không bền vững sẽ tạo đà để Việt Nam thực hiện các mục tiêu UNSDG
Thu hút nguồn lực hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh
NHNN đã tích cực, chủ động làm việc với các tổ chức tài chính quốc tế để huy động nguồn lực cho phát triển xanh (Ảnh: Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam).

Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, các cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ và những đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) với quyết tâm đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Qua đó, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo đà thuận lợi để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, ngay sau Hội nghị COP26 với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 đã được thành lập với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, trong đó có ngành Ngân hàng... Cụ thể, ngành Ngân hàng cũng đã vào cuộc tích cực với một loạt những hoạt động, kết quả quan trọng như phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; xây dựng Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; xây dựng Thông tư về quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; tăng dần tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh.

Đồng thời, để huy động nguồn lực từ các đối tác, tổ chức tài chính quốc tế, NHNN đã chủ động, tích cực trao đổi, làm việc với các định chế, tổ chức tài chính quốc tế, ngân hàng nước ngoài như WB, ADB, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), BWG… nhằm đánh giá, xem xét khả năng huy động nguồn lực của các tổ chức này cho phát triển xanh, phát triển bền vững cũng như nghiên cứu, xây dựng và đề xuất cơ chế phối hợp, triển khai phù hợp với tình hình, xu hướng mới.

Về chính sách tín dụng, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, NHNN đã nghiên cứu hoàn thiện thể chế về ngân hàng và tín dụng phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh. Đồng thời, hướng dòng vốn tín dụng vào dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. NHNN cũng tăng cường năng lực cho hệ thống ngân hàng, không ngừng phát triển các sản phẩm ngân hàng hiện đại hỗ trợ tăng trưởng xanh.

Nhờ những nỗ lực trên, Việt Nam được đánh giá là một trong 38 thị trường đang phát triển có những bước tiến đáng kể trong nỗ lực thúc đẩy ngành tài chính - ngân hàng hướng tới phát triển bền vững và được xếp vào nhóm các quốc gia trong giai đoạn triển khai Ma trận tiến bộ SBN. Việt Nam cũng xếp thứ hạng cao so với các nước châu Á và toàn cầu trong các chính sách liên quan đến đóng góp quốc gia tự quyết NDCs.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, tính đến 30/6/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỷ đồng, tăng 7,08% so với năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%), nông nghiệp xanh (32%). Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2.283 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 20% dư nợ cho vay của nền kinh tế, với hơn 1,1 triệu món vay.

Ghi nhận những nỗ lực của NHNN, bà Michele Wee - Chủ tịch BWG đánh giá với định hướng và lộ trình chính sách của NHNN và sự nỗ lực không ngừng của các TCTD, tín dụng xanh đang có những bước phát triển tích cực và ngày càng được quan tâm, với hạn mức đầu tư tăng lên từng ngày.

Tuy đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu, nhưng vẫn còn những hạn chế trong việc thu hút nguồn lực phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Bà Tùng chia sẻ, hiện chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các TCTD xác định cấp tín dụng xanh cho giai đoạn tới. Mặt khác, việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu, gây khó cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng. Khó khăn còn đến từ việc giám sát và quản lý rủi ro khi cấp tín dụng do thiếu quy định tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường.

Mặt khác, việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, công trình xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các TCTD thường là vốn huy động ngắn hạn. Vì vậy, các TCTD gặp vướng mắc trong việc cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định.

Trước thực tế đó, NHNN đã tổ chức thu thập thông tin nhanh từ 21 tổ chức quốc tế có hoạt động tài trợ xanh tại Việt Nam. Theo đó, 95% các tổ chức đều có kế hoạch tài trợ xanh cho Việt Nam thời gian tới. Trong đó một số tổ chức đã có kế hoạch cụ thể về số vốn đầu tư với các hình thức tài trợ khá đa dạng như cho vay trực tiếp và hợp vốn, bảo lãnh, góp vốn, mua trái phiếu, tư vấn, hỗ trợ đào tạo, tài trợ gián tiếp qua các TCTD... Số lượng các tổ chức đầu tư vào lĩnh vực xanh từ sau năm 2020 đến nay tăng nhanh, gấp 2,5 lần so với các giai đoạn từ 2010-2020. Điều đó cho thấy, tiềm năng thu hút nguồn lực từ quốc tế để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của Việt Nam là rất lớn.

Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, sự đồng hành, chia sẻ của các tổ chức quốc tế, định chế tài chính nước ngoài không chỉ ở góc độ tư vấn chính sách, chia sẻ kinh nghiệm đối với cơ quan quản lý nhà nước, mà còn ở việc hỗ trợ nguồn lực tài chính, vốn trực tiếp cho các chủ đầu tư dự án xanh, phát triển bền vững.

“Với tín hiệu, thông điệp đưa ra trong hội nghị ngày hôm nay từ các tổ chức quốc tế, các ngân hàng nước ngoài về nguồn lực hỗ trợ, tôi tin tưởng rằng sẽ có dịch chuyển, thu hút dòng vốn, nguồn lực đầu tư mới chuyển vào Việt Nam trong thời gian tới”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà bày tỏ.

Về phía tổ chức quốc tế, các đại biểu tham dự đều đồng tình khẳng định sẽ đồng hành cùng Việt Nam trên con đường tiến tới mục tiêu tại COP26. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng để có thể thu hút được nhà đầu tư, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý như Quy hoạch điện VIII và tăng cường xây dựng những dự án có tính bền vững về công nghệ, được triển khai một cách hiệu quả...

Đại diện NHNN cho biết, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, NHNN sẽ đẩy mạnh đàm phán, tạo thuận lợi cho các tổ chức tài chính quốc tế, các TCTD trong nước tham gia hoạt động hợp tác quốc tế tài trợ vốn cho các dự án xanh. Đồng thời, có hướng dẫn về Danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các TCTD có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Pakistan sẵn sàng hỗ trợ Cao Bằng đào tạo nguồn nhân lực Pakistan sẵn sàng hỗ trợ Cao Bằng đào tạo nguồn nhân lực
Khởi động dự án hỗ trợ đào tạo và giao lưu trao đổi nguồn nhân lực ngành dịch vụ lưu trú Khởi động dự án hỗ trợ đào tạo và giao lưu trao đổi nguồn nhân lực ngành dịch vụ lưu trú

Anh Vũ (T/H)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/thu-hut-nguon-luc-ho-tro-thuc-hien-cac-muc-tieu-phat-trien-xanh-173976.html

In bài viết