Quan tâm “thị hiếu khách hàng” sẽ tăng cơ hội quảng bá văn hóa Việt Nam đến thế giới

22:05 | 13/08/2022

TS Trần Hải Linh - Ủy viên UB TƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) cho biết như vậy trong trao đổi với Thời Đại về tăng cường năng lực quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Tận dụng ưu thế mạng xã hội để quảng bá văn hóa Việt Tận dụng ưu thế mạng xã hội để quảng bá văn hóa Việt
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, ngày càng nhiều bạn trẻ Việt Nam nỗ lực ứng dụng các nền tảng mới trong giữ gìn, lan tỏa các giá trị văn hóa nước nhà đến bạn bè quốc tế.
Chùa Trấn Quốc: Điểm đến văn hóa tâm linh giữa lòng Hà Nội Chùa Trấn Quốc: Điểm đến văn hóa tâm linh giữa lòng Hà Nội
Nằm ở phía đông Hồ Tây, chùa Trấn Quốc với tuổi đời hơn 1.500 năm được mệnh danh là ngôi chùa cổ và linh thiêng bậc nhất Hà Nội. Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc, hằng năm, nơi đây thu hút đông đảo tín đồ Phật tử và khách tham quan, du lịch trong ngoài Việt Nam.

Làm rõ nội hàm “ngành công nghiệp văn hóa”

- Ông đánh giá thế nào về nguyên nhân giúp Hàn Quốc thành công trong quảng bá văn hóa ra thế giới?

Với tầm nhìn sớm về hoạch định chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, sự bền bỉ, thống nhất trong hoạch định chiến lược một cách lâu dài và phương pháp thực hiện hiệu quả một cách đồng loạt, Hàn Quốc đã thành công trong xây dựng và phát huy nguồn lực sức mạnh mềm. Trong đó có thể nói đến “làn sóng Hallyu” (Hallyu là thuật ngữ dùng để chỉ trào lưu yêu thích sản phẩm văn hóa của Hàn Quốc ở nước ngoài, xuất hiện từ những năm cuối thập niên 1990).

Các sản phẩm văn hóa thuộc Hàn Quốc trở thành trào lưu bao gồm điện ảnh, K-pop, K-dance, ẩm thực, thời trang, mỹ phẩm... Các sản phẩm này không chỉ được yêu thích ở các khu vực có sự tương đồng về văn hóa như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, một số nước Đông Nam Á mà còn ảnh hưởng nhất định đến các khu vực khác biệt về văn hóa như châu Âu, châu Phi, Trung Đông.

Trước đại dịch Covid-19, cùng với việc xuất khẩu sản phẩm văn hóa ra nước ngoài, Hàn Quốc còn thu hút hàng triệu khách du lịch đến nước này tham quan, trải nghiệm văn hóa...

Làn sóng Hallyu ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, được nhiều người đặc biệt là giới trẻ quan tâm, đón nhận không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước con người, nâng cao vị thế quốc gia của Hàn Quốc trên trường quốc tế mà còn góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội, là động lực thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc phát triển. Vào tháng 9/2021, từ điển Oxford English đã bổ sung thêm 26 từ mới có nguồn gốc từ tiếng Hàn, trong đó có từ “Hallyu”.

TS Trần Hải Linh: Nghiên cứu “thị hiếu khách hàng văn hóa” sẽ tăng cơ hội cho văn hóa Việt Nam đến với thế giới

TS Trần Hải Linh - Ủy viên UB TƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA)

(Ảnh: Phạm Lý).

-Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, theo ông việc quảng bá văn hóa Việt ra nước ngoài đang đối mặt với những khó khăn nào?

Tôi cho rằng Việt Nam chưa xác định rõ được định nghĩa về cụm từ “ngành công nghiệp văn hóa”, để từ đó định hình cho quảng bá văn hóa Việt được “nhanh hơn, xa hơn”. Ví dụ như tư duy quản lý văn hóa chưa theo kịp sự phát triển của xã hội. Dấu ấn của tư duy thời bao cấp, về việc “xin cho”, tư duy hành chính - mệnh lệnh trong “tác nghiệp văn hóa” còn nặng nề.

Nhận thức về tầm quảng bá văn hóa của các ngành, các cấp có lúc còn cứng nhắc, thậm chí còn có sự khác biệt giữa các địa phương. Trên thực tế, vị thế của văn hóa nói chung và mục tiêu quảng bá văn hóa Việt ra nước ngoài còn thấp, chưa thực sự được đặt ngang hàng với các lĩnh vực khác.

Nguồn nhân lực cho sự phát triển văn hóa và quảng bá văn hóa còn yếu và thiếu các kỹ năng chuyên môn và quản lý, đặc biệt là năng lực đổi mới sáng tạo, các kỹ năng quản trị kinh doanh để phát triển và quảng bá văn hóa.

Việc đầu tư cho văn hóa cũng chưa tương xứng với vai trò, vị trí của văn hóa trong phát triển và quảng bá ra xa hơn. Về tổng thể, mức đầu tư cho văn hóa trong tổng chi ngân sách tương đối thấp so với các lĩnh vực khác, chưa tương xứng với thực tiễn cần đến, chưa đồng đều.

Chất lượng dịch vụ và chất lượng sản phẩm văn hóa chưa cao, còn thiếu các thương hiệu văn hóa ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Đa số các sản phẩm văn hóa Việt Nam vẫn chưa thực sự sáng tạo, phong phú, chưa đáp ứng được nhu cầu của công chúng, năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa và thị trường quốc tế còn khá thấp. Đây là một số nguyên nhân gây khó khăn cho sự phát triển và quảng bá văn hóa Việt Nam.

Quảng bá sản phẩm văn hóa giá trị

-Để công tác quảng bá văn hóa Việt Nam tại nước ngoài đạt hiệu quả thiết thực, theo ông cần quan tâm đến những nội dung nào?

Văn hóa giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Đảng và Nhà nước ta nhấn mạnh văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng giúp văn hóa Việt Nam có được cơ hội quảng bá rộng rãi hơn trên thế giới.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nền kinh tế trong thời kỳ chuyển đổi số sẽ tạo ra những thuận lợi cho sự phát triển văn hóa Việt Nam, giúp chúng ta khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa Việt trên môi trường số. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, với đường lối đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, văn hóa Việt Nam có cơ hội thuận lợi để tiếp thu tri thức, các nguồn lực và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tiếp thu tinh hoa văn hóa đa dạng hơn, và sẽ sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới.

Đặc biệt công nghiệp văn hóa đang được định hướng là một trong những ngành trụ cột của kinh tế. Kinh tế đang ngày một phát triển hơn, đời sống nhân dân được cải thiện đã hình thành nên một thị trường tiêu dùng/hưởng thụ văn hóa với nhu cầu ngày càng lớn, là cơ sở quan trọng thúc đẩy quảng bá văn hóa Việt ra nước ngoài được phát triển hơn giai đoạn trước đây.

Theo tôi, để hòa nhập vào dòng chảy không ngừng của thế giới, bên cạnh những sáng tạo, tư duy mới, tư duy về tính “thị trường”, chúng ta cũng cần nghiên cứu “thị hiếu khách hàng văn hóa”, đồng thời phát huy những ứng dụng công nghệ đã và đang hỗ trợ đắc lực cho quá trình quảng bá các sản phẩm văn hóa có giá trị tại nước ngoài.

-Cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc rất đông đảo. Ông có thể chia sẻ về những hoạt động quảng bá văn hóa của cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc?

Hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và hỗ trợ cộng đồng được chú trọng và phát huy đúng với thế mạnh của của cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc khi đa số thành viên có tuổi đời khá trẻ, nhiệt tình, sôi nổi và năng động.

Một số các hoạt động nổi bật quảng bá văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc có thể kể đến như:

Tổ chức thành công Lễ hội văn hóa truyền thống Việt Nam tại Hàn Quốc lần thứ nhất – 2011 tại Trung tâm Nghệ thuật ĐH Sookmyung, Lễ hội lần thứ 2 tại Uijeongbu – 2012 và Lễ hội lần thứ 3 được tổ chức tại trường Đại học Chungnam – Daejeon – Hàn Quốc năm 2013, lần thứ 4 tại quận Muan, tỉnh Jeonnam – Kwangju vào năm 2014, lần thứ 5 năm 2015 tại Open Art Center, TP Gwangmyung, và lần thứ 6 năm 2016 tại quảng trường D-Cube, ga Sindolim, thủ đô Seoul.

Quy mô Lễ hội ngày càng lớn, đặc biệt Lễ hội năm 2016 đã thu hút hơn 10.000 người đến tham dự. Lễ hội đã quảng bá những nét đẹp về văn hóa, đất nước,con người Việt Nam với bạn bè quốc tế và người dân Hàn Quốc, đồng thời cũng là cầu nối giúp cộng đồng gắn bó và đoàn kết hơn.

Cũng trong năm 2016, Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc, Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam phối hợp với Hiệp Hội Ballet Quốc gia Hàn Quốc, với sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hàn Quốc và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, chính quyền TP Seoul, TP Busan, TP Gwangju đã tổ chức Lễ hội giao lưu văn hóa hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc 2016.

Sự kiện được tổ chức tại nhiều tỉnh của Hàn Quốc như Seoul, Busan, Kwangju và thu hút hàng chục nghìn người tham dự. Các hoạt động trong Lễ hội diễn ra sôi nổi và rộng khắp với nhiều hoạt động phong phú như: Giao lưu Âm nhạc Việt Nam - Hàn Quốc; triển lãm tranh Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam với các chủ đề như Bản đồ cổ xưa và trong các niên đại gần đây chứng minh về chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam; biểu diễn trang phục truyền thống Việt Nam, võ thuật Việt Nam…

Chúng tôi còn đồng hành với các chương trình “Roadshow quảng bá văn hóa Việt Nam” suốt những năm hoạt động công tác cộng đồng. Cho đến thời điểm hiện tại, các hoạt động giao lưu văn hóa vẫn được duy trì.

Các chương trình sự kiện lớn đã giới thiệu những nét đẹp về văn hóa, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, góp phần xây dựng mối đoàn kết gắn bó giữa các thành phần cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc, tạo tiếng vang tốt của cộng đồng trong xã hội Hàn Quốc, góp phần thúc đẩy mối quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc.

- Trân trọng cảm ơn ông về nội dung cuộc trao đổi!

Đưa ngôn ngữ và văn hoá Việt đến gần hơn với bạn bè Đức và thế hệ con em người Việt Đưa ngôn ngữ và văn hoá Việt đến gần hơn với bạn bè Đức và thế hệ con em người Việt
Ngày 24/7 tại thủ đô Berlin của CHLB Đức, chị Ngô Thị Bích Thu, giảng viên ngôn ngữ tiếng Việt, cùng chồng là GS. TS. Martin Großheim đã giới thiệu 3 cuốn sách song ngữ Đức - Việt.
Lời giới thiệu sinh động về văn hóa Việt Nam Lời giới thiệu sinh động về văn hóa Việt Nam
Điện ảnh, truyền hình là một trong những cầu nối quan trọng, hiệu quả quảng bá du lịch, văn hóa của một đất nước, một dân tộc đến với thế giới. Những tuần phim Việt Nam được tổ chức ở nước ngoài, những dự án hợp tác sản xuất phim với các nước đang là “bước đi” phù hợp, hiệu quả để lan tỏa văn hóa Việt đến với khán giả toàn cầu.

Phạm Lý

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/quan-tam-thi-hieu-khach-hang-se-tang-co-hoi-quang-ba-van-hoa-viet-nam-den-the-gioi-173802.html

In bài viết