Nghệ thuật rối nước Việt Nam hội nhập văn hóa quốc tế

15:17 | 20/07/2022

Năm 2022, lần đầu tiên Nhà hát múa rối Việt Nam tham gia Lễ hội Văn hóa Việt Nam - Warszawa do cộng đồng người Việt tại Ba Lan tổ chức với nhiều tiết mục dân gian đặc sắc. Đây là cơ hội để Việt Nam giới thiệu giá trị nghệ thuật múa rối nước đặc sắc của dân tộc tới bạn bè quốc tế.
Hàn Quốc: Nhiều nội dung hấp dẫn tại Lễ hội Văn hóa Việt Nam lần thứ 10 Hàn Quốc: Nhiều nội dung hấp dẫn tại Lễ hội Văn hóa Việt Nam lần thứ 10
Lễ hội Văn hóa Việt Nam - Warszawa 2022: Sẽ có rối nước Việt trên nước bạn Lễ hội Văn hóa Việt Nam - Warszawa 2022: Sẽ có rối nước Việt trên nước bạn

Niềm tự hào của người Việt Nam

Theo chia sẻ của Ban tổ chức, Lễ hội Văn hóa Việt Nam - Warszawa sẽ diễn ra ngày 27/8 tại quảng trường Cung vua, dưới chân cột tượng vua Zygmunt ở khu phố cổ tại thủ đô Ba Lan. Chuẩn bị cho chuyến lưu diễn, Nhà hát múa rối Việt Nam phải vận chuyển sân khấu, phương tiện biểu diễn bằng container.

Những khó khăn đó khiến sự tham gia của đoàn nghệ sĩ Nhà hát múa rối Việt Nam là cơ hội có một không hai để cộng đồng người Việt có thể tự hào mời bạn bè mình tới tham dự, thể hiện nét văn hóa truyền thống với người dân Ba Lan, đồng thời là cơ hội để bày tỏ sự biết ơn đối với lòng hiếu khách nhiều năm qua của chính quyền và người dân Ba Lan đối với cộng đồng người Việt.

Nghệ thuật rối nước Việt Nam hội nhập văn hóa quốc tế
Một cảnh trong chương trình biểu diễn "Âm vang đồng quê" của Nhà hát múa rối Việt Nam (Ảnh: Ngô Thắng).

Sự kiện Nhà hát múa rối Việt Nam tham gia Lễ hội Văn hóa Việt Nam – Warszawa một lần nữa cho thấy nghệ thuật múa rối nước của Việt Nam đã và đang vươn mình hòa nhập với văn hóa thế giới. Điều này có được là do các cơ quan quản lý, các nhà hát múa rối, các nghệ nhân và bà con Việt kiều không ngừng nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá cho nghệ thuật múa rối Việt Nam thông qua các liên hoan múa rối trong nước và quốc tế, các lễ hội văn hóa... Đây là dịp để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm làm nghề với bạn bè quốc tế, giới thiệu những tinh hoa của nghệ thuật múa rối nước nhà và tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên hành trình hội nhập.

Trong một bài viết vào tháng 2/2021, nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Tiến Thắng dẫn thống kê: rối nước Việt Nam đã có hơn 600 chương trình biểu diễn tại 40 quốc gia khác nhau trên thế giới. Những buổi biểu diễn của rối nước luôn nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ khán giả cũng như các nhà hoạt động, phê bình quốc tế. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều kênh truyền thông quốc tế đã thốt lên đầy thán phục với những mỹ từ “tuyệt diệu”, “kỳ diệu”, “tuyệt vời”… khi chứng kiến nghệ thuật rối nước Việt Nam, qua những tiết mục truyền thống như “Múa rồng”, “Đánh cáo bắt vịt”, “Câu ếch”, “Đánh bắt cá”, “Tễu giáo trò”, “Múa tiên”…

Vượt rào cản ngôn ngữ, giành chỗ đứng trong lòng khán giả quốc tế

Ra đời từ làng quê cách nay nhiều thế kỷ, múa rối nước đã trở thành loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc, riêng của Việt Nam mà không nơi nào trên thế giới có được, là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đang được đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.

Không giống với loại hình văn hóa nghệ thuật khác hấp dẫn, lôi cuốn người xem thông qua kịch bản, ngôn ngữ và nghệ thuật diễn xuất của diễn viên, đối với múa rối nước, sức hấp dẫn nằm ở hành động của con rối, ở kỹ thuật biểu diễn, ở kịch bản, ngôn từ, lời thoại và ở sân khấu nước…

Sân khấu rối nước là thủy đình, trong nhà có buồng trò chuẩn bị biểu diễn, lấy mặt nước ao trước đình làng làm sàn diễn, nơi con rối thể hiện tích trò. Con rối cũng được tạo trên những mô phỏng hình mẫu thực tiễn đời sống cư dân nông nghiệp như: Con cá, con ếch, con trâu, hình ảnh người nông dân lam lũ đi cấy, chăn vịt…

Theo Thạc sĩ Mai Hiên (Khoa Văn hóa - Du lịch, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội), rối nước là một trong những loại hình sân khấu tiêu biểu cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam, thể hiện trí tuệ và sự thông minh, sức sáng tạo phong phú của con người Việt Nam, mà cụ thể là những người dân lao động từ cuộc sống bình dị của mình.

“Múa rối nước giáo dục cho con người về lòng yêu lao động, yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước… qua đó, hướng tới cái đẹp về tình người, tình làng nghĩa xóm trong văn hóa làng cùng châu thổ sông Hồng. Điều đáng nói ở đây là tính khuyến giáo đạo đức trong múa rối nước tồn tại ở dạng giản dị, hồn nhiên, rõ ràng và nhân văn, gieo vào lòng người tình yêu thương con người, đưa con người vươn tới quyền dân chủ, làm chủ cuộc sống, làm chủ thiên nhiên”, Thạc sĩ Mai Hiên nhận xét.

Naomi Liner, một du khách từ Australia từng chia sẻ trên báo chí sau khi thưởng thức màn trình diễn múa rối nước Việt Nam: “Chương trình đã giúp tôi hiểu rõ hơn về văn hóa Việt, trong đó có mối quan hệ giữa con người và sông nước”.

Rõ ràng với sự độc đáo của riêng mình mà trong quá trình hội nhập quốc tế, múa rối nước đã vượt qua rào cản ngôn ngữ, giành được chỗ đứng trong lòng khán giả, đặc biệt là du khách quốc tế muốn khám phá văn hóa Việt Nam.

Nghệ sĩ Việt Nam đạt giải tại Liên hoan Nghệ thuật quốc tế hữu nghị Nghệ sĩ Việt Nam đạt giải tại Liên hoan Nghệ thuật quốc tế hữu nghị "Mùa Xuân Bình Nhưỡng tháng 4"
Điểm hẹn của văn hóa và nghệ thuật, tạo nên sức hút riêng cho du lịch Đà Nẵng Điểm hẹn của văn hóa và nghệ thuật, tạo nên sức hút riêng cho du lịch Đà Nẵng

Thành Luân

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nghe-thuat-roi-nuoc-viet-nam-hoi-nhap-van-hoa-quoc-te-173383.html

In bài viết