Lưu học sinh Lào hào hứng với môn Vật lý ở Việt Nam

14:02 | 21/07/2022

Những tiết thực hành môn Vật lý tại Việt Nam không chỉ khiến môn học trở nên dễ hiểu, lý thú, hấp dẫn mà còn giúp Soudalath Xayyalath cùng nhiều lưu học sinh Lào khác phát triển tư duy sáng tạo, tính chủ động, nuôi dưỡng niềm đam mê với môn học này.
Lưu học sinh Lào trải nghiệm Lào Cai: Ấn tượng khó phai Lưu học sinh Lào trải nghiệm Lào Cai: Ấn tượng khó phai
Người cha Việt Nam của các lưu học sinh Lào Người cha Việt Nam của các lưu học sinh Lào

Những tiết học thực hành vật lý bổ ích

Soudalath Xayyalath (22 tuổi, ở Viêng Chăn, Lào) hiện đang theo học năm thứ ba chuyên ngành Sư phạm Vật lý tại trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên. Năm nào Soudalath Xayyalath cũng là sinh viên giỏi của trường.

Năm 2021, Soudalath lần đầu tiên tham dự kỳ thi Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc lần thứ 23 (SphO 23) và xuất sắc giành giải nhất phần thi thực nghiệm. Khi được thông báo về kết quả kỳ thi, Soudalath rất bất ngờ và xúc động.

“Em tự tin hoàn thành tốt phần thi nhưng giải nhất là niềm vui quá lớn đối với em. Vật lý là môn khoa học thực nghiệm nhưng ở Lào chúng em không có điều kiện thực hành nhiều. Các tiết học chủ yếu là lý thuyết với những cuốn sách giáo khoa dày cộp. Học chay lý thuyết nên các kiến thức của môn học đối với chúng em trở nên rất khó hiểu, hàn lâm. Điểm vật lý của em ở trường phổ thông rất thấp”, Soudalath nói.

Khi giành được học bổng sang Việt Nam học, Soudalath quyết định chọn Sư phạm Vật lý. Soudalath hy vọng môi trường học tập mới sẽ giúp em chinh phục môn học này.

Soudalath Xayyalath (bên phải) trong một tiết thực hành Vật lý tại Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên (Ảnh: NVCC).
Soudalath Xayyalath (bên phải) trong một tiết thực hành Vật lý tại Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên (Ảnh: Soudalath Xayyalath).

Lớp Vật lý của Soudalath có sáu sinh viên, trong đó có ba sinh viên Lào. Thời gian đầu, tiếng Việt chưa “sõi”, Soudalath bắt nhịp với chương trình học rất khó khăn. Soudalath đọc đi đọc lại bài học nhiều lần, nỗ lực ghi nhớ các công thức. Những bài học khó Soudalath nhờ thầy cô và các bạn Việt Nam giảng lại để hiểu bài.

“Ở Việt Nam, chúng em được thực hành nhiều trong phòng thí nghiệm. Các giờ thực hành giúp em hiểu rõ những kiến thức lý thuyết thầy cô đã chia sẻ, từ đó củng cố, đào sâu kiến thức. Các giờ học thực hành cũng giúp em thêm hứng thú, yêu thích môn học này”, Soudalath chia sẻ.

Ngoài các tiết học ở trường, Soudalath còn thường xuyên được tham gia vào các đề tài nghiên cứu khoa học. Năm nay, Soudalath đạt giải nhì về nghiên cứu đề tài khoa học cấp trường.

Ước mơ thành cô giáo dạy Vật lý

Soudalath cho biết mong muốn của em là học tiếp lên cao học, sau đó trở về Lào làm giáo viên môn Vật lý.

“Các trường phổ thông của Lào rất thiếu giáo viên Vật lý, nhiều trường chỉ có 2-3 giáo viên môn học này. Vì vậy em mong muốn với những kiến thức tích lũy được, trở về nước được góp phần vào việc thay đổi sách giáo khoa môn Vật lý từ cấp 2, thay đổi cách dạy, giảm lý thuyết, tăng thực hành cho phù hợp. Nếu học sinh Lào được học môn Vật lý như ở Việt Nam chắc chắn sẽ thấy dễ dàng và hứng thú hơn với môn học này”, Soudalath cho biết.

Soudalath đạt giải nhì về nghiên cứu đề tài khoa học cấp trường
Soudalath đạt giải nhì về nghiên cứu đề tài khoa học cấp trường năm 2022 (Ảnh: Soudalath Xayyalath).

Soudalath là một trong số gần 2.000 lưu học sinh Lào đã và đang học tập tại trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên. Trường đã ký kết nhiều biên bản thỏa thuận hợp tác với các trường đại học, cao đẳng của Lào như Đại học Suphanuvong, Cao đẳng Sư phạm Khangkhai, Cao đẳng Sư phạm Luang Prabang... Hàng năm, trường cấp học bổng cho giảng viên của các trường đối tác ở Lào sang học cao học, nghiên cứu sinh. Trường cũng thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho sinh viên nước ngoài nói chung và lưu học sinh Lào nói riêng như hỗ trợ kí túc xá, các khóa bồi dưỡng kiến thức, hoạt động ngoại khóa, chương trình homestay...

Ngoài đào tạo trình độ đại học, sau đại học cho các lưu học sinh Lào, trường còn đào tạo tiếng Việt cho các lưu học sinh. Lưu học sinh sau khi học 10 tháng học tiếng Việt tại trường và đạt chứng chỉ tiếng Việt theo quy định được Bộ GD-ĐT cho phép học đại học và sau đại học tại tất cả các trường trong cả nước.

Chia sẻ trong chuyến thăm và làm việc tại trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên vào tháng 7/2022, ông Khamoui Keomani - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội hữu nghị Lào - Việt Nam, cố vấn Công ty Taio Lào, Chủ tịch Hội người Việt thủ đô Viêng Chăn cho biết: Các gia đình ở Lào luôn mong muốn được gửi gắm con em mình sang học tập ở các trường đại học có uy tín ở Việt Nam bởi cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giảng viên trình độ cao, chính sách hỗ trợ cho lưu học sinh tốt.

Ông Khamoui Keomani cũng động viên các lưu học sinh nỗ lực học tập để về kiến thiết đất nước và hướng dẫn các thế hệ mới. Đó là cách để vun đắp cho tình đoàn kết, hữu nghị Việt – Lào đời đời bền vững.

Lưu học sinh Lào và Campuchia hân hoan đón Tết cổ truyền Bunpimay 2022 tại Kon Tum Lưu học sinh Lào và Campuchia hân hoan đón Tết cổ truyền Bunpimay 2022 tại Kon Tum
Tăng cường hiểu biết thực tế cho lưu học sinh Lào tại Việt Nam Tăng cường hiểu biết thực tế cho lưu học sinh Lào tại Việt Nam

Thành Luân

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/luu-hoc-sinh-lao-hao-hung-voi-mon-vat-ly-o-viet-nam-173061.html

In bài viết