Hagar mang tiếng cười về xã Minh An

20:02 | 30/06/2022

May mắn được tiếp cận dự án của tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam, vợ chồng chị Nguyễn Thị Lan* và anh Phạm Văn Đạt* (xã Minh An, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) đã chấm dứt được nạn bạo hành trong gia đình sau hơn 20 năm kết hôn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn cấp cao về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn cấp cao về cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Được tổ chức hằng năm, đây là một trong những diễn đàn thường niên có quy mô lớn nhất về công nghiệp 4.0 tại Việt Nam. Diễn đàn năm 2021 có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Câu chuyện quốc tế: “Cai nghiện” mạng xã hội Câu chuyện quốc tế: “Cai nghiện” mạng xã hội
Nhiều phụ huynh xứ cờ hoa đang truyền tai nhau về “thành quả” của một bà mẹ chia sẻ về việc thuyết phục con mình từ bỏ thói quen sa đà vào mạng xã hội.

20 năm lấy chồng, 15 năm bị đánh

Nhìn cặp vợ chồng chị Lan tay trong tay vui vẻ tham gia buổi sinh hoạt câu lạc bộ “Gia đình chung sức” tại Suối Giàng, ít ai ngờ rằng, chồng chị Lan từng là một người thường xuyên bạo hành vợ.

Trước đây, nhiều năm việc trồng trọt không mang lại thu nhập kinh tế, không đủ tiền nuôi con cái ăn học nên vợ chồng thường xảy ra xích mích và cãi vã. Trong 20 năm kết hôn thì có đến 15 năm chị Lan bị chồng đánh. Những lần đó nhẹ thì chị bị chồng tát 2, 3 cái, còn nặng nhất thì phải nhập viện. Đó là vào 3 năm trước, đất đồi hư hỏng, cam, quýt mất mùa, kinh tế gia đình chị Lan bị ảnh hưởng nặng nề.

Lúc đó, chị Lan khuyên anh Đạt là gia đình nên có một người đi làm để có kinh tế, một người ở nhà lo đồng áng, vườn tược và chăm sóc con cái nhưng anh không đồng ý. Anh đánh chị đến mức phải nhập viện. Mặt mũi sưng húp, chân tay bầm tím. Chị Lan nghĩ đến chuyện ly hôn.

Sau 6 tháng ly thân và đi làm ở công ty trong miền Nam, chị Lan bất ngờ nghe tin anh Đạt bị sỏi thận, phải mổ gấp. Suốt thời gian đó, anh Đạt thường xuyên gọi điện năn nỉ vợ, nói rằng đã nhận ra lỗi lầm của mình và hứa sẽ thay đổi. Vì vẫn còn tình cảm với chồng, lại muốn con có mái ấm đủ bố và mẹ, chị Lan đã tha thứ và cho anh Đạt thêm một cơ hội.

Các thành viên trong câu lạc bộ “Gia đình chung sức” sinh hoạt tại Suối Giàng.
Các thành viên trong câu lạc bộ “Gia đình chung sức” sinh hoạt tại Suối Giàng.

Nói ra nỗi đau để thay đổi

Vào thời điểm đó, xã Minh An được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Văn Chấn, Hội LHPN tỉnh Yên Bái chọn là đơn vị triển khai dự án “Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân để cải thiện việc tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới” do Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam thực hiện.

Biết được hoàn cảnh chị Lan, Hội LHPN xã Minh An đã động viên anh chị tham gia sinh hoạt câu lạc bộ “Gia đình chung sức” với mục đích hàn gắn, giúp gia đình hiểu nhau hơn và học hỏi cách phát triển kinh tế.

Trong lòng vẫn còn nhiều mặc cảm, nhưng vì những mục đích tốt đẹp đó mà anh chị đã đồng ý tham gia sau nửa tháng suy nghĩ.

Buổi đầu tham gia, chị Lan ngại ngùng vì những vết bầm tím trên mặt lúc đó vẫn còn. Anh Đạt bỡ ngỡ khi có nhiều người tham gia Câu lạc bộ. Nhưng mọi người nhanh chóng được kết nối với nhau bằng những trò chơi, những câu chuyện mang đầy tính nhân văn.

Sau khi làm quen với nhau, đến buổi sinh hoạt thứ hai, mọi người dần vượt qua những rào cản và chia sẻ những câu chuyện của những người bạo hành và người bị bạo hành. Tại đây, anh Đạt được nghe chính nỗi đau của vợ và nỗi đau của những người cùng hoàn cảnh mà nhận ra lỗi lầm của mình.

Câu lạc bộ “Gia đình chung sức” có 25 cặp vợ chồng tham gia. Các buổi tham vấn nhóm được tổ chức từ 2-6 ngày cho mỗi nhóm nam và nữ riêng biệt để các thành viên cảm thấy an toàn khi chia sẻ về sang chấn cá nhân của họ. Sau đó, 7 buổi sinh hoạt hằng tháng riêng biệt với nhóm nam và nhóm nữ, nhằm cung cấp kiến thức về bình đẳng giới, luật pháp để nâng cao nhận thức của phụ nữ về quyền của họ, giúp họ tăng sự tự tin và giúp nam giới nhận thức và biết cách chế ngự các tác nhân gây bạo lực. 5 buổi sinh hoạt hằng tháng cuối cùng sẽ được tổ chức chung có cả nam và nữ nhằm nâng cao nhận thức cho các thành viên về tác động của sang chấn tới trẻ em và giao tiếp phi bạo lực, thúc đẩy đối thoại, học hỏi và hàn gắn giữa các cặp đôi. Nguyên tắc bảo mật và an toàn được áp dụng trong quá trình sinh hoạt nhóm.

Ngày càng được nâng cao nhận thức và có những người bạn mới, vợ chồng chị Lan luôn sắp xếp thời gian từ sớm và mong đợi tham gia để được chia sẻ, lắng nghe những câu chuyện và lời tư vấn.

Hạnh phúc từ những điều chưa bao giờ được nhận

Chị Lan cho biết chồng chị đã thay đổi hoàn toàn từ những ngày đầu tham gia Câu lạc bộ, anh yêu thương vợ con hơn và luôn giúp đỡ, ủng hộ chị từ những chuyện nhỏ nhặt nhất. “Có lần đi làm về, tôi thấy đã có cơm chín. Tôi tưởng thằng cò về nhưng không phải. Nhà chỉ có 2 vợ chồng thôi nên lúc đó tôi nhận ra chồng mình đã thay đổi. Tôi cảm động. Tôi khóc”, chị Lan cười nói.

Anh Đạt chia sẻ: “Giờ tôi biết rằng không phải đánh vợ mới bạo lực, chửi bới hay bằng hành động cử chỉ không đúng cũng là bạo lực”. Anh đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, cũng như hậu quả của bạo lực đối với các thành viên trong gia đình và xã hội.

Chia sẻ, trách nhiệm, hiểu biết,… là sự thay đổi từ những người tham gia sinh hoạt nhận ra.
Chia sẻ, trách nhiệm, hiểu biết,… là sự thay đổi từ những người tham gia sinh hoạt.

Không chỉ thay đổi được bản thân, giờ đây, anh Đạt còn mạnh dạn chia sẻ những sai trái và sự thay đổi của mình để hỗ trợ nhiều người đàn ông khác từng đánh vợ như anh trước kia thay đổi tâm lý, tư duy. Nhìn thấy sự thay đổi từ gia đình chị Lan mà nhiều ông chồng học tập và trở nên bớt nóng tính, giúp đỡ vợ các việc nhà.

Thỉnh thoảng trong cuộc sống vợ chồng vẫn không tránh khỏi những va chạm, xô xát nhau, nhưng lúc đó anh Đạt không chọn cách đánh vợ như trước kia nữa, mà áp dụng kinh nghiệm từ các chuyên gia đến từ tổ chức Hagar để giải quyết vấn đề đó. Những lúc nóng giận, vợ chồng anh thường chọn cách nhường nhịn, bỏ đi chỗ khác. Khi bình tĩnh lại sẽ phân tích những điều đúng, sai và dần rút kinh nghiệm, không đi vào vết xe đổ trước kia.

“Tôi từng cho rằng, làm trên đồi xong thì về nhà, việc nhà là nhiệm vụ của vợ. Nhưng giờ tôi san sẻ mọi việc cùng vợ và nuôi dưỡng, bảo ban con cái. Vợ chồng tôi hiện tại luôn đi làm cùng nhau, giúp đỡ nhau từ việc nặng đến nhỏ nhất. Bảo ban nhau làm ăn và xây dựng gia đình là điều tôi thấy hạnh phúc và mãn nguyện nhất”, anh Đạt tâm sự.

Đặc biệt khi tham gia dự án, gia đình chị Lan đã được hỗ trợ 1 cặp bò. Đến nay, nhờ tập trung nuôi bò để sinh sản và kinh tế ổn định, gia đình chị đang nuôi tổng bốn con bò. Ngoài ra, vợ chồng anh chị còn làm chủ hơn 1 ha cây quế, 300m2 đất để trồng cỏ cho bò, 100 con gà và có ao nuôi cá.

*Tên nhân vật đã được thay đổi

Hagar được thành lập vào năm 1994, là một tổ chức chăm sóc chuyên sâu về Hỗ trợ dựa trên hiểu biết về Sang chấn tâm lý, hoạt động chủ yếu với phụ nữ và trẻ em bị sang chấn do buôn bán người, nô lệ và lạm dụng.

Hagar Quốc tế tại Việt Nam được thành lập vào năm 2009 nhằm đáp ứng với sự gia tăng của nạn mua bán người và bóc lột ở Việt Nam cũng như nhu cầu cần hỗ trợ của những người sống sót.

Vào năm 2021, Hagar Việt Nam đã tiếp cận hơn 1.309.522 người, trực tiếp thông qua 05 mục tiêu chiến lược 2020-2022 là: Chữa lành, ngăn ngừa, hợp tác, trao quyền và ảnh hưởng.

Tổng thống Putin phản ứng bất ngờ về cảnh báo bị chặn từ mạng xã hội Tổng thống Putin phản ứng bất ngờ về cảnh báo bị chặn từ mạng xã hội
Luật sư lên tiếng việc các hợp tác xã bị quy kết “góp vốn chui” Luật sư lên tiếng việc các hợp tác xã bị quy kết “góp vốn chui”

Hạnh Trần

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/hagar-mang-tieng-cuoi-ve-xa-minh-an-171299.html

In bài viết