Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL

16:42 | 21/06/2022

Ngày 21/6, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021 - 2030. Tham dự hội nghị còn có khoảng 400 đại biểu là đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, các địa phương, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác phát triển, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen
Thủ tướng đối thoại với công nhân: Các ý kiến rất đúng, trúng, cần phải giải quyết Thủ tướng đối thoại với công nhân: Các ý kiến rất đúng, trúng, cần phải giải quyết

Hội nghị nhằm giúp các ngành, các địa phương trong vùng ĐBSCL quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2-4-2022, của Bộ Chính trị khóa XIII “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 78/NQ-CP78, ngày 18-6-2022, của Chính phủ, ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị và “Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và các đồng chí lãnh đạo cắt băng khai mạc Triển lãm ảnh nghệ thuật "Đồng bằng sông Cửu Long - Khát vọng phát triển".

Hội nghị cũng nhằm thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của vùng ĐBSCL đối với sự phát triển của cả nước; xác định công tác quy hoạch, điều phối liên kết vùng và huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu phải trở thành tư duy chủ đạo, dẫn dắt sự phát triển toàn vùng trong thời gian tới, hướng đến mục tiêu đưa ĐBSCL đến năm 2050 trở thành trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL
Quang cảnh Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030.

ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong; có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh với diện tích gần 4 triệu km2 (khoảng 13% diện tích cả nước), dân số khoảng 18 triệu người (19% dân số cả nước); hiện đóng góp khoảng 12% vào GDP của cả nước. Vùng có đường bờ biển dài 700km và trên 360 nghìn km2 vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế. Có tiềm năng kết nối, thông qua các cảng tại TP Hồ Chí Minh và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải trên địa bàn tỉnh của Bà Rịa - Vũng Tàu, với các thị trường Đông Á, châu Âu, Mỹ...

Đồng thời, vùng ĐBSCL nằm trong khu vực có các tuyến hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng. ĐBSCL có hơn 2,5 triệu ha đất nông nghiệp được bồi đắp phù sa màu mỡ, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Vùng thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 65% dân cư của vùng (chiếm 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp, đóng góp tới hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước)...

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và các đồng chí lãnh đạo tham quan Triển lãm ảnh nghệ thuật "Đồng bằng sông Cửu Long - Khát vọng phát triển".

Tổng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước đầu tư qua địa phương vùng ĐBSCL ngày càng tăng; giai đoạn 2016 - 2020 đạt gần 200 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 9 tỷ USD) chiếm khoảng 16% tổng đầu tư ngân sách nhà nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của các Bộ, ngành và địa phương hỗ trợ vùng ĐBSCL là trên 318 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 13,8 tỷ USD); tăng khoảng 5 tỷ USD so với thời kỳ trước, tập trung vào hạ tầng chiến lược...

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hội nghị này là bước tiếp tục cụ thể hóa việc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, của Bộ Chính trị khóa XIII, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Thủ tướng cũng ghi nhận và biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương, các địa phương vùng ĐBSCL, các đối tác quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân, các chuyên gia, nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các cơ quan báo chí đã phối hợp tổ chức tốt hội nghị, tạo điều kiện khơi thông các nguồn lực thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của vùng trong thời gian tới.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương trong vùng phải phát huy ý chí tự tin, tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, tăng cường liên kết, hợp tác để phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế và nhanh chóng vượt qua những khó khăn, thách thức để tiếp tục phát triển nhanh, bền vững. Các địa phương vùng ĐBSCL cần tích cực triển khai quy hoạch vùng, coi đây là nhiệm vụ trong tâm trong thời gian tới; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án đã được xác định trong quy hoạch; khẩn trương xây dựng, hoàn thành quy hoạch của từng địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL
thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại hội nghị.

“Tinh thần là quy hoạch phải đi trước một bước, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, sát thực tế, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh sẵn có của các lĩnh vực, khu vực, địa phương và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn, đồng thời tạo ra động lực mới, thu hút nguồn lực mới cho phát triển. Muốn phát triển tốt thì phải có quy hoạch tốt, vì quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, có chương trình, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành các địa phương trong vùng quán triệt và cụ thể hóa việc triển khai thực hiện và thực hiện tốt các nghị quyết, chủ trương của Trung ương, Chính phủ đề ra để tiếp tục phát triển nhanh, bền vững ĐBSCL. Cần quán triệt nghiêm túc, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng ĐBSCL theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành (Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn; Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi); Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu…). Các địa phương phải cụ thể hóa và tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, sự đồng lòng ủng hộ của Nhân dân, bạn bè quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL
Các đại biểu tham quan Triển lãm ảnh nghệ thuật "Đồng bằng sông Cửu Long - Khát vọng phát triển".

Trong quá trình triển khai thực hiện, phải thường xuyên theo dõi sát, nắm chắc tình hình, xuất phát từ thực tiễn, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành quản lý, xác định trọng tâm và xác định đúng nguồn lực để thực hiện các chương trình, kế hoạch đề ra; phải phát huy mạnh mẽ các yếu tố nội lực, nhất là nguồn lực con người, truyền thống cách mạng, văn hóa của vùng...

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu trong giai đoạn tới, cần tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông và logistic, hạ tầng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Đẩy mạnh và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết, chuỗi sản xuất; ứng dụng khoa học công nghệ trong công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch với vùng vựa nông, thủy sản lớn nhất cả nước ở vùng ĐBSCL. Cần tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Tận dụng sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Các địa phương cần tập trung nâng cao các chỉ số về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số (PAPI, PAR Index, PCI, DTI…); tăng cường thu hút các dự án đầu tư từ trong và ngoài nước, tập trung vào những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của vùng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL
Thủ tướng kỳ vọng rong thời gian tới vùng ĐBSCL sẽ có sự phát triển mạnh mẽ và đột phá.

“Tôi tin tưởng rằng với sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự ủng hộ của các bạn bè quốc tế, trong thời gian tới, vùng ĐBSCL sẽ có sự phát triển mạnh mẽ và đột phá. ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến; thu nhập của người dân ngày một nâng cao; người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương” - Thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng.

Đánh giá cao việc triển khai Quy hoạch vùng ĐBSCL, Bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã đạt được cột mốc quan trọng là công bố bản Quy hoạch rất được mong đợi cho vùng ĐBSCL. Đây là thành quả của cách tiếp cận mới mang tính toàn diện và chiến lược đối với sự phát triển vùng. Quy hoạch thể hiện cách tiếp cận toàn Chính phủ và cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao khả năng thích ứng với khí hậu của vùng.

Theo bà Carolyn Turk ĐBSCL được coi là điểm nóng toàn cầu về biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh rủi ro khí hậu ngày càng gia tăng và các tác động phát triển sắp tới, Quy hoạch vùng ĐBSCL nêu bật tư duy và tầm nhìn mới cho khu vực. Quy hoạch cũng đưa ra những cơ hội to lớn để tạo ra các giá trị mới và mang lại sự chuyển đổi, cũng như tiềm năng tăng trưởng xanh, bền vững, đồng đều và thịnh vượng lâu dài trong khu vực.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin nêu bật 9 đột phá chiến lược của Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là:

Thứ nhất, phát triển vùng ĐBSCL theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa trên ba trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển hệ sinh thái tự nhiên hướng tới một mô hình kinh tế xanh, lấy “con người” làm trung tâm.

Thứ hai, biến thách thức thành cơ hội, “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn”; chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả và giá trị.

Thứ ba, thay đổi tư duy về an ninh lương thực từ phát triển nông nghiệp dựa vào cây lúa sang thủy sản - trái cây - lúa gạo phù hợp với thị trường, trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại phân vùng sản xuất dựa trên tài nguyên nước và thổ nhưỡng.

Thứ tư, chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung cả về nông nghiệp, công nghiệp và đô thị; phấn đấu đến năm 2030 vùng ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới.

Thứ năm, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng và thúc đẩy liên kết vùng, đặc biệt chú trọng đến phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; phát triển tuyến đường bộ ven biển từ Tiền Giang đến Kiên Giang, gắn với kiểm soát xâm nhập mặn, sắp xếp lại dân cư, bảo đảm quốc phòng an ninh, hình thành hành lang kinh tế mở, hướng ra biển.

Thứ sáu, phát triển hành lang đô thị công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ và hệ thống 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp; phát triển hành lang kinh tế, đô thị dọc sông Tiền - sông Hậu từ An Giang đến Sóc Trăng gắn với phát triển cảng biển Trần Đề nhằm kết nối, giao thương quốc tế về đường bộ gắn với đường thủy nội địa và hàng hải.

Thứ bảy, thay đổi tư duy về khai thác, sử dụng tài nguyên nước: coi nước mặn, nước lợ là một nguồn tài nguyên bên cạnh nước ngọt; chuyển từ đáp ứng nhu cầu sang chủ động quản lý nhu cầu về nước.

Thứ tám, chú trọng bảo tồn các cảnh quan, sinh thái, văn hóa lịch sử, văn hóa dân tộc, văn hóa sông nước đặc thù của vùng; phát triển không gian văn hóa sông nước, văn hóa các cộng đồng dân tộc thiểu số với phát triển du lịch.

Thứ chín, tăng cường liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL với với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; mở rộng giao thương với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Công.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hun Sen nhất trí triển khai tốt “Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia 2022;“ trong đó có lễ kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước ngày 24/6 tại Hà Nội.
Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030
Dự kiến ngày 21/6, tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Ai Cập Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Ai Cập
Chiều ngày 15/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam Amal Abdel Kader Elmorsi Salama tới chào xã giao nhân dịp nhận nhiệm vụ công tác tại Việt Nam.

Thành Thật

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-chu-tri-cong-bo-quy-hoach-va-xuc-tien-dau-tu-vung-dbscl-170712.html

In bài viết