ĐBQH: Phạm nhân lao động ngoài trại giam cần được trả công

14:30 | 03/06/2022

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng 3/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ
Đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét bổ sung thêm các hành vi bạo lực gia đình Đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét bổ sung thêm các hành vi bạo lực gia đình

Cần thêm cơ chế, chính sách ưu đãi tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam

Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý để thống nhất tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trại giam trong công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân trong giai đoạn hiện nay; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác thi hành án phạt tù, công tác chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Nghị quyết góp phần đánh giá tính hiệu quả của mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, trên cơ sở đó đề xuất đưa (hoặc không đưa) quy định tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam vào quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm  trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Lê Tất Hiếu (đoàn Vĩnh Phúc) cho hay, tinh thần chung của Nghị quyết nhằm thu hút các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện việc thí điểm và bảo đảm tính khả thi của thí điểm. Do vậy, dự thảo Nghị quyết quy định các chính sách ưu đãi, trong đó có chính sách miễn thuế thu nhập. Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết quy định về miễn thuế thu nhập lại chỉ quy định miễn thuế thu nhập đối với tổ chức. Do đó, để đảm bảo tính công bằng trong chính sách ưu đãi, đại biểu Lê Tất Hiếu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung theo hướng miễn thuế thu nhập đối với các tổ chức và cả các cá nhân hợp tác với trại giam.

Đại biểu Lê Nhật Thành (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần có thêm cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam để tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Đây là vấn đề có ý nghĩa xã hội sâu sắc, chia sẻ trách nhiệm của Nhà nước với những đối tượng đặc thù trong xã hội, thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động này, giảm gánh nặng cho Nhà nước.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội
Đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) đề nghị sửa đổi dự thảo Nghị quyết theo hướng phạm nhân tham gia lao động hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam được trả công theo quy định của pháp luật về lao động. Cùng với đó, cần chú ý đến các biện pháp phòng ngừa, để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người lao động, cần có những quy định bảo đảm cho phạm nhân đề phòng tai nạn lao động, kể cả bệnh nghề nghiệp với những điều khoản không kém thuận lợi hơn so với quy định pháp luật áp dụng đối với lao động tự do.

Đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn về hoạt động hướng nghiệp, hoạt động dạy nghề. Ví dụ, trường hợp phạm nhân tham gia lao động với mục đích là được học nghề hướng nghiệp thì cơ chế thế nào, thời gian kéo dài bao lâu, khi nào thì chuyển sang lao động có trả công. Ngoài ra, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm trong quá trình phạm nhân tham gia lao động học nghề ngoài trại giam, các quyền của phạm nhân như hoạt động thể dục thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, chế độ y tế được đảm bảo như thế nào?

Theo dự thảo Nghị quyết thi hành ngành nghề được tổ chức hoạt động lao động, dạy nghề là ngành nghề mà pháp luật không cấm, tập trung vào các ngành nghề sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước. Về ngành nghề tổ chức hoạt động lao động, đại biểu đề nghị cần quy định rõ đây là ngành nghề phải được sản xuất theo quy định của pháp luật. Đại biểu cũng cho rằng cần quy định rõ là chỉ sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước, bởi quy định theo dự thảo có nghĩa là vẫn được phép sản xuất hàng hóa được xuất khẩu.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam (đoàn Bến Tre) cũng đặt vấn đề về cơ chế trả công cho phạm nhân; tách bạch ưu đãi phần thuế mà doanh nghiệp được nhận khi tổ chức lao động cho phạm nhân và phần doanh nghiệp phải trả khi kinh doanh của mình.

Quy định chặt chẽ tiêu chí lựa chọn các trại giam được thí điểm

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) đề nghị cần quy định chặt chẽ tiêu chí lựa chọn các trại giam được thí điểm để đảm bảo yêu cầu về an ninh, an toàn giam giữ, quản lý phạm nhân, tạo điều kiện cho phạm nhân có cơ hội cải tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Đại biểu nhấn mạnh, việc thực hiện thí điểm nhưng cũng phải tính toán trước những phát sinh có thể xảy ra trong thực tiễn, tránh hiện tượng tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đại biểu Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) đề nghị quy định thêm quy trình lựa chọn đối với phạm nhân là phụ nữ, nuôi con dưới 36 tháng tuổi, đang mang thai ra lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam, theo đó, quy trình lựa chọn theo hướng mở, nếu đủ điều kiện và tự nguyện thì được tham gia học nghề, lao động, nhưng nếu chưa sẵn sàng thì không phải tham gia, nhằm tạo điều kiện cho họ có sự lựa chọn trên tinh thần tự nguyện, tạo điều kiện chăm sóc con, chăm sóc sức khỏe khi đang mang thai.

Theo đại biểu, quy định như vậy thể hiện tính nhân văn, tôn trọng quyền con người, là sự cụ thể hóa tiếp theo trong tổ chức thực hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước ta được quy định trong Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự đối với người thi hành án phạt tù là phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Đại biểu Đinh Ngọc Quý cho biết, trong bối cảnh Việt Nam tham nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong đó có các quy định về lao động cưỡng bức dẫn chiếu đến của Công ước của Tổ chức Lao động thế giới (ILO). Do đó, quan điểm thận trọng khi tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam cần được cân nhắc. Ông cho rằng, đối với dự thảo nghị quyết này nên bổ sung thêm vấn đề bảo đảm các điều kiện an toàn, ít nhất là về an toàn vệ sinh lao động.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra nên tham vấn thêm ý kiến của Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Hà Nội; phạm vi thí điểm chỉ nên giới hạn ở lĩnh vực sản xuất trong nước, mẫu thí điểm chỉ nên thu gọn ở 10% số trại giam, và thời gian thí điểm nên là 03 năm.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) cho rằng, việc áp dụng thí điểm lần này, các cơ quan nên quan tâm hơn đối với công tác đào tạo, dạy nghề cho phạm nhân không chỉ ngoài trại giam mà cả trong trại giam. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định về việc tổ chức thi và cấp bằng, chứng chỉ, có chính sách ưu tiên hỗ trợ cho phạm nhân để khi chấp hành xong án phạt tù họ có thể tìm kiếm được việc làm ổn định.

Từng bước tháo gỡ khó khăn, chắp cánh cho nền kinh tế phát triển Từng bước tháo gỡ khó khăn, chắp cánh cho nền kinh tế phát triển
Thủ tướng đối thoại với nông dân: Giữ vững bản lĩnh, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ Thủ tướng đối thoại với nông dân: Giữ vững bản lĩnh, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ

Minh Thái (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/dbqh-pham-nhan-lao-dong-ngoai-trai-giam-can-duoc-tra-cong-169636.html

In bài viết